Múa ballet, kịch gây “sốt” toàn cầu nhờ biểu diễn trực tuyến

Chia sẻ

Vừa qua, 6 vở diễn nổi tiếng làm nên thương hiệu của nhà hát Bolshoi, một trong những nhà hát lớn nhất ở Nga, và cũng là một trong những vở opera và ballet lớn nhất trên thế giới gồm “Hồ Thiên Nga”, “Người đẹp ngủ trong rừng”, “Cô dâu của Sa Hoàng”, “Marco Spada”... đã biểu diễn trực tuyến trong mùa Covid-19.

Sáu vở diễn nổi tiếng làm nên thương hiệu của nhà hát Bolshoi, một trong những nhà hát lớn nhất ở Nga, và cũng là một trong những vở opera và ballet lớn nhất trên thế giới gồm “Hồ Thiên Nga”, “Người đẹp ngủ trong rừng”, “Cô dâu của Sa Hoàng”, “Marco Spada”, “Boris Godunov và Kẹp Hạt Dẻ” hay vở opera kinh điển “Bóng ma nhà hát” của nhà hát Royal Albert Hall đã gây “sốt” trên toàn cầu, “thôi miên”  khán giả nhờ biểu diễn trực tuyến - một cách để phát huy sức nóng của sân khấu trong “mùa” Covid-19.

Từ những trải nghiệm sâu sắc và xúc động với sân khấu kinh điển

Từ giữa tháng 3, nhà hát Bolshoi đã phải tuyên bố tạm thời đóng cửa vì bệnh dịch. Giám đốc nhà hát, ông Vladmir Urin chia sẻ: "Nước Nga, cũng như cả thế giới, đang trải qua một thời gian khó khăn. Chúng ta chưa bao giờ phải đối mặt với chuyện này. Chúng tôi phải đóng cửa nhà hát nhưng không hề muốn đánh mất kết nối với khán giả. Sân khấu là một trải nghiệm sâu sắc và xúc động. Khi không thể biểu diễn trực tiếp trước khán giả, chúng tôi muốn chia sẻ thông qua số hóa". Chính vì vậy, nhân kỷ niệm ngày sân khấu thế giới, nhà hát quyết định công chiếu các buổi biểu diễn được ghi lại trước đó để giúp khán giả năm châu có dịp thưởng thức các tác phẩm đỉnh cao ballet và opera khi phải ở nhà vì Covid-19. “Hồ thiên nga” được chọn là vở diễn mở màn vì đây là vở ballet nổi tiếng bậc nhất thế giới.

Cảnh trong vở “Boris Godunov và Kẹp Hạt Dẻ”- ảnh timeoutCảnh trong vở “Boris Godunov và Kẹp Hạt Dẻ”- ảnh timeout

Những vở ballet mà nhà hát Bolshoi công chiếu trên kênh youtube quả thực là một “đại tiệc” đối với những ai yêu thích bộ môn nghệ thuật kinh điển này trên khắp thế giới. Đối với các chương trình biểu diễn trực tiếp tại nhà hát, ngay cả khán giả ở Nga cũng không phải dễ dàng mua được vé. Một khán giả nước ngoài sinh sống ở Nga cho biết, muốn xem các show biểu diễn của Nhà hát, anh phải đặt mua trước hàng tháng, có khi tới nửa năm trời.

Và chính vì vậy, việc phát trực tiếp qua Youtube trong vòng 48 tiếng để cho khán giả toàn cầu có thể theo dõi, các vở diễn đã thực sự đem đến cho khán giả một “đại tiệc” về trình diễn, âm nhạc, sân khấu, màu sắc… ít có dịp được thưởng thức. Các vở diễn được phát qua youtube là những vở ballet nằm trong bộ sưu tập “vàng” của Nhà hát: Vở ballet "Hồ thiên nga” kể câu chuyện cổ tích về tình yêu giữa nàng Odette và chàng hoàng tử Siegfried, nhà hát Bolshoi chính là nơi đầu tiên vở ballet huyền thoại này công diễn và được liên tục sửa đổi hoàn thiện trong 143 năm qua; Vở “Người đẹp ngủ trong rừng" là tác phẩm huyền thoại của hai bậc thầy Pyotr llych Tchaikovsky và Marius Petipa, là bản tuyên ngôn lãng mạn về tình yêu bất chấp thời gian, mang lại câu chuyện về nàng công chúa vì chịu lời nguyền của một bà tiên xấu xa nên rơi vào ngủ trăm năm và chỉ được đánh thức bởi nụ hôn của chàng hoàng tử yêu nàng thật lòng; Vở opera “Cô dâu của Sa Hoàng” xoay quanh bi kịch cuộc đời của Marfa - một phụ nữ Nga được bạo chúa Ivan khủng khiếp chọn làm vợ; vở ballet “Marco Spada” được yêu mến với câu chuyện thu hút về tên trộm ẩn danh Marco Spada chuyên lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo; Vở opera “Boris Godunov” được xem là tuyệt tác của sân khấu opera Nga kể về xung đột giữa Sa hoàng Boris Godunov và kẻ thù là False Dmitriy trong thời kỳ Đại Loạn; Vở ballet cổ tích “Kẹp hạt dẻ” kể về cuộc phiêu lưu của cô bé Clara và chú lính Kẹp hạt dẻ chống lại đội quân của Vua Chuột…

Công nghệ cũng đóng góp một phần không nhỏ vào các vở diễn. Màn hình led kết hợp với thiết kế sân khấu khiến cho khán giả được thỏa sức tưởng tượng, và cũng giúp cho các nghệ sĩ phát huy hết khả năng sáng tạo và lấy được cảm hứng để thăng hoa. Một thị trấn châu Âu cổ kính trong “Marco Spada”, một vùng đầm lầy tranh tối tranh sáng với sắc màu tương phản của thiên nga trắng và thiên nga đen, một bầu trời cổ tích với những điều kỳ diệu của trí tưởng tượng khi chàng trai và cô gái bay trên chiếc thuyền buồm giữa không trung… Tất cả những điều này có được nhờ sự kết hợp giữa sân khấu thực, màn hình, công nghệ và sự sáng tạo của các nghệ sĩ, dẫn dắt người xem chìm đắm vào mỗi vở diễn dẫu chỉ là qua kênh youtube.

Trang phục cũng là điểm nhấn đặc biệt trong những vở ballet của nhà hát Bolshoi mà khán giả được thưởng thức trong đợt trình chiếu live này. Từ “Hồ Thiên Nga”, với những bộ váy thiên nga lừng danh cả trăm năm nay, bồng bềnh như mây như khói, cho đến bên trong cung điện của Sa Hoàng khiến khán giả choáng ngợp về độ lộng lẫy, cầu kỳ của từng bộ quần áo, được chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết, từng hoa văn, từng viên đá đính trên áo, khiến khán giả cảm thấy mình như đang được tận mắt ngắm nhìn những con người thật trong khung cảnh thật chứ không phải đang xem một vở ballet. Để chuẩn bị cho đợt số hóa đầu tiên trong lịch sử nhà hát, tập thể nghệ sĩ và nhân viên của nhà hát Bolshoi phải làm việc cật lực trong rất nhiều ngày.

“Bóng ma nhà hát” làm hàng triệu người xem online nức lòng, mãn nhãn

Kỷ niệm 25 năm thành lập, nhà hát Royal Albert Hall (Anh) vừa phát online vở opera kinh điển "The Phantom of The Opera" (Bóng ma nhà hát) qua youtube. Vở kịch kéo dài 2 tiếng, làm nức lòng người xem toàn thế giới. Vở diễn mới lấy cảm hứng từ bản dựng đầu tiên của Hal Prince và Gillian Lynne, nội dung giữ tinh thần của tác phẩm gốc, xoay quanh cô ca sĩ Christine và người đàn ông bí ẩn trong nhà hát - bị đồn thổi là một bóng ma. Nghệ sĩ Ramin Karimloo vào vai bóng ma (Phantom), người có gương mặt biến dạng, sống ẩn dật trong nhà hát vì bị người đời ruồng rẫy. Nhờ học được kỹ thuật thanh nhạc từ việc nghe lỏm các bậc thầy opera lừng danh biểu diễn, Phantom có giọng hát tuyệt vời. Anh truyền dạy cho Christine (Sierra Boggess đóng), cô ca sĩ trẻ chuyên diễn vai phụ.

Cảnh trong Cảnh trong "The Phantom of The Opera" - ảnh LW Theatre

Christine ban đầu tin rằng Phantom là "thiên thần âm nhạc" (angle of music), giọng hát của anh phát ra từ trái tim cô. Mọi chuyện trở nên rắc rối khi Phantom ngày một yêu Christine và muốn chiếm đoạt cô. Không chỉ thu hút khán giả ở kỹ thuật opera đỉnh cao, cặp nghệ sĩ còn đưa người xem trải qua nhiều cung bậc cảm xúc bởi lối diễn xuất chân thực. Phiên bản mới của nhân vật bớt vẻ rùng rợn, phảng phất chút lãng tử. đặc biệt trong giây phút tỏ tình với Christine, Ramin Karimloo sử dụng lối hát nhẹ nhàng, tựa như thủ thỉ khi đối thoại với người mình yêu. Khi bị Christine giật mặt nạ, Phantom trở nên cuồng nộ. Anh liên tục chửi thề, gào thét vì bị lộ ngoại hình xấu xí. Sự phẫn nộ của Phantom biểu hiện nỗi cô đơn, mất mát của tâm hồn chịu nhiều tổn thương, khiến người xem rung động.

Từ đầu đến cuối, Christine thể hiện tình yêu chung thuỷ với chàng quý tộc Raoul. Thế nhưng cô vẫn dành cho Phantom sự kính trọng, thương cảm. Nhân vật thứ chính - chàng quý tộc Raoul (Hadley Fraser) - gây ấn tượng trong phân đoạn tranh chấp người tình với Phantom. Anh thể hiện cảm xúc đau đớn, quyết liệt khi phải đối diện cái chết trong lúc giành giật người yêu. Tác phẩm giảm không khí căng thẳng qua màn đối đáp của các nhân vật phụ như những người quản lý, các ca sĩ của nhà hát. Họ sử dụng lối nhả chữ, điệu bộ hài hước. Các màn hát, múa tập thể có sự hòa quyện. Từng động tác múa, cách hát bè của dàn nghệ sĩ uyển chuyển, đồng đều, khiến khán giả mãn nhãn. Âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tinh thần tác phẩm. Vở diễn sử dụng 20 ca khúc, chủ yếu là các bản nhạc gắn với tên tuổi vở kịch. Bài hát chủ đề - “The Phantom of The Opera” - vang lên trong lần đầu Christine và Phantom đối mặt, được dàn dựng hoành tráng. Trang phục, đạo cụ tác phẩm được trau chuốt, toát lên bối cảnh xa hoa, lộng lẫy thời Victoria ở Anh.

Hàng triệu khán giả chờ đợi để thưởng thức buổi chiếu miễn phí vở opera kinh điển này. Với họ đây như món quá bất ngờ mà nhiều khi phải chờ đợi cả đời. Nhân mùa Covid, việc được xem miễn phí qua youtube thực sự đã tạo nên một “dư chấn” không nhỏ đối với những người yêu sân khấu trên toàn thế giới. Như giám đốc nhà hát Bolshoi đã chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng rằng những chương trình biểu diễn này sẽ là món quà giúp vực dậy tinh thần cho khán giả vượt qua những tháng ngày khó khăn, thắp sáng những tâm hồn tốt đẹp, và sẽ đem lại sự khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần cho những người yêu thích nghệ thuật”.

NGUYỄN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.