Khi mẹ chồng "diễn" 2 vai: Chính diện và phản diện

Chia sẻ

Ánh dắt xe máy, chào mẹ chồng để đi làm, bà Đoán theo con dâu ra tận cửa, rít vào tai Ánh “Ô tô nó tông mày đi luôn đi!”. Ánh sững sờ, tay run bắn, miệng lắp bắp không nói nên lời. Cô vốn rất sợ hãi bà mẹ chồng này, bà nanh ác với cô đủ thứ, nhưng cô không ngờ hôm nay bà “ra đòn” khủng khiếp đến thế!

Cố trấn tĩnh để không òa lên khóc trước mặt mẹ chồng, Ánh nổ máy xe phóng đi. Ra khỏi ngõ, cô dừng xe, ngồi nguyên trên yên xe khóc nức nở. Hàng ngày Ánh vẫn đi làm cùng ô tô do chồng lái. Bà Đoán có vẻ tức tối không muốn chồng Ánh đưa đón vợ đi làm hàng ngày như vậy, bà nhiều lần hậm hực nói vào tai cô: “Sao mày bắt thằng Ngà hầu mày ghê thế hả?”, “Thằng Ngà tại sao phải đưa đón mày đi làm?”, “Mày hoa hậu à, quan chức à? Một bước lên ô tô, hai bước xuống ô tô! Oai gớm!”, “Tao làm công nhân cả đời, nuôi con trai ăn học thành kỹ sư, mà giờ suốt ngày chỉ có đưa đón con vợ thôi à?”... Những lần bà rít lên vào tai cô, chỉ có cô nghe thấy. Không bao giờ người khác, kể cả Ngà, nghe thấy bà chì chiết con dâu. Ánh vốn rất sợ hãi tiếng rít qua kẽ răng của mẹ chồng, cô cũng vài lần thưa lại: “Công ty anh Ngà cũng gần cơ quan con, đi cùng xe cũng tiện, về còn đón 2 đứa ở trường luôn mà mẹ”. Bất chấp Ánh giải trình ra sao, hôm khác bà Đoán lại rít vào tai con dâu tiếp tục những câu rất khó nghe. Bà toàn chì chiết vào tai Ánh những khi Ngà còn đang đánh ô tô vào gara, chỉ có Ánh hứng trọn sự xỉa xói của mẹ chồng. Đối xử với con dâu như vậy, nhưng bà lúc nào cũng ngọt ngào với con trai, bà “diễn” một lúc 2 thái cực, vừa vào vai phản diện với con dâu, bà đã quay ra vào ngay vai chính diện đon đả chào đón con trai.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tối qua, sau bữa cơm, cả nhà ra phòng khách uống nước và ăn hoa quả, Ánh đang hí húi rửa xoong nồi bát đĩa, thì nghe tiếng bà Đoán nói to (chắc cố ý để con dâu nghe thấy):

- Ngà này, con nói cái Ánh nó tự đi làm bằng xe máy đi! Nó cũng có chân có tay. Sao lại hành con lái ô tô đưa đón hàng ngày? Mẹ không đồng ý thế!

Chồng Ánh trả lời với giọng nhỏ nhẹ (chắc không muốn vợ nghe thấy):

- Mẹ! 2 đứa con làm gần nhau, đi cùng ô tô vừa tiện đưa đón 2 đứa nhỏ đi học luôn mà!

- 2 đứa nhỏ thì con cho lên ô tô đi học đã đành! Mẹ vất vả cả đời làm nhân viên, nuôi anh em con ăn học, con lại chỉ là kỹ-sư-lái-xe-riêng-cho-vợ à? Mẹ nhắc lại là mẹ không đồng ý, nhé!

Nói rồi, bà Đoán “ngoắc” luôn ông chồng vào:

- Ông thấy tôi nói có đúng không, hả?

- Đúng! Đúng! (ông bố chồng Ánh vội vã trả lời)

Chỉ chờ có thế, bà Đoán “chốt” luôn:

- Thế nhé! Bố mẹ đều đã nhất trí: Từ ngày mai con Ánh tự đi xe máy đi làm, Ngà chỉ đưa đón 2 con đi học bằng ô tô thôi nhé!

Tiếng Ngà vội vàng:

- Mẹ, sao mẹ nói thế? Xe ô tô là do vợ con mua bằng tiền của nhà ngoại cho! Hai vợ chồng đi chung cũng tiện mọi bề. Con cũng chỉ đến công ty xong để xe đó, chiều lại lái về nhà. Có gì đâu mà mẹ quan trọng!

- Á à! Mẹ vất vả lao động nuôi mày ăn học, bây giờ mày cãi giả bố mẹ hả! Mày “đội vợ lên đầu” hả? Tao không cần biết quan trọng hay không, nhưng từ mai, con Ánh tự đi làm bằng xe máy! Tao không nói hai lời!

Tuyên bố xong mệnh lệnh, bà Đoán bỏ đi lên phòng riêng ở tầng 2, không cho Ngà thanh minh thanh nga gì nữa.

Ánh ở trong bếp nghe trọn câu chuyện, nước mắt lại trào ra, cay đắng!

Cô nhớ lại, sau ngày cưới, bà Đoán không cho vợ chồng cô đi nghỉ “tuần trăng mật” vì bà tiết kiệm. Sau mấy ngày nghỉ cưới, cô và Ngà đi làm, tối về, cô phụ mẹ chồng nấu cơm, cô cảm thấy bà Đoán nhìn mình khang khác. Thế rồi bà nói khẽ vào tai cô dâu mới: “Hôm nay mẹ vào phòng con, thấy con chả có đồ đạc gì đáng giá nhỉ? Mẹ tưởng con làm cơ quan đó oai oách thế thì phải có nhiều đồ quý, đồ đắt tiền chứ?”. Sau phút ngạc nhiên, tại sao mẹ chồng lại tự ý mở cửa phòng cô, kiểm soát đồ đạc của con dâu mới, nhưng Ánh nghĩ chắc bà tò mò, nên cô nhẹ nhàng thưa: “Con là cán bộ trẻ mới đi làm thì làm gì có tài sản gì quý ạ!”. Bà Đoán thở dài: “Mẹ tưởng cơ quan công quyền như con thì phải “ăn dày” lắm chứ! Hóa ra chả có gì!”.

Ánh nghe xong thấy choáng thực sự, nhưng cô cảm thấy ngượng vì cô không giàu nên đã làm mẹ chồng thất vọng. Cô là một cô gái cực kỳ xinh đẹp và học giỏi từ bé, cô tưởng rằng mình sở hữu sắc đẹp, trí tuệ mẫn tiệp, và lòng từ bi hiền hậu mà mẹ cô đã truyền cho cô, thì đã quá đủ để đem lại hạnh phúc cho bất cứ người đàn ông nào kết hôn với cô, và đương nhiên cô cũng là người xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Cô không ngờ câu hỏi đầu tiên mà mẹ chồng hỏi con dâu mới về nhà chồng, lại là chuyện cô không có tài sản gì đáng giá. Không lẽ tấm thân ngàn vàng và sự hiền lành tử tế của con nhà gia giáo, được học hành tử tế, lại có công việc tốt, mà chưa được mẹ chồng coi trọng hay sao? Ánh nghĩ thế nhưng chả biết nói gì, nên im lặng.

Từ sau hôm đó, Ánh thấy mẹ chồng có thái độ rất khác với cô. Bất cứ việc gì cô làm đều bị bà chê bai, quà cáp cô biếu bố mẹ chồng nhân sinh nhật hay ngày lễ đều bị bà chê là “chắc mua đồ rẻ tiền”. Ánh bị mẹ chồng coi thường cũng thấy buồn lắm nhưng cô không dám có phản ứng gì, cũng không dám tâm sự với chồng. Bởi vì bà luôn “diễn” trước mặt Ngà là bà rất yêu quý con dâu như con gái. Nhiều lần bà còn vờ vịt khóc lóc với Ngà ra vẻ bà bị con dâu nói oan việc gì đó, khiến cho Ánh càng sợ mà không dám nói cho chồng biết nhiều việc sai quấy của bà. Cho đến một ngày, dì Dung em gái bà Đoán gọi điện thoại từ Đức về Ánh góp ý với bà Đoán vì bà nhận tiền mua giúp nhà cho con trai dì nhưng nay không chịu bàn giao nhà. Ánh không dám nói với mẹ chồng, cô nói với Ngà, anh gạt đi, dặn vợ: “Không được tham gia vào việc của ông bà, rồi em rước họa vào thân đấy”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tuy được chồng dặn vậy, nhưng do Ánh vừa sinh con, đang nghỉ sinh ở nhà, mà dì Dung gọi nhiều quá, bức xúc quá, dì lại nói có đủ giấy tờ gửi tiền và bà Đoán ký nhận, nếu bà Đoán không trả nhà thì dì kiện ra Tòa, nên Ánh lấy hết can đảm khuyên bà Đoán nên trả nhà cho em gái để dì khỏi kiện ra Tòa. Không ngờ, Ánh vừa dứt lời thì bị bà Đoán dùng bàn tay hộ pháp chém thẳng vào gáy Ánh khiến cô xây xẩm mặt mày, loạng choạng suýt ngã. Bà Đoán dùng mọi lời lẽ mạt sát con dâu đã dám “hỗn láo” can thiệp vào việc nhà chồng, và bà tuyên bố luôn “Tao cấm mày từ nay về sau không được tham gia việc nhà tao!”. Và bà còn mắng nhiều nữa, nhưng tai Ánh ù đi, cô không nghe thấy nữa. Cô chỉ cố gắng bò về phòng để tránh việc có thể bị mẹ chồng đánh tiếp. Tối đó Ánh nói với chồng việc bị mẹ đánh, Ngà rất thương xót vợ nhưng vẫn nói: “Đã bảo em đừng tham gia mà. Anh còn không dám góp ý với mẹ nữa là em”. Từ hôm đó, Ánh cố tránh gặp mẹ chồng. Cô vẫn nơm nớp sợ một cú đánh như trời giáng của bà mẹ chồng hộ pháp vốn lao động chân tay, ăn nói cũng thô kệch và cư xử thật “không tả được”.

Nhưng dù Ánh muốn tránh xung đột cũng không xong. Bà thường xuyên rình mò con dâu, cái gì “trộm vặt” được thì bà xoáy ngay, nếu Ánh nhìn thấy thì bà ngon ngọt “Mẹ xin con nhé”, nếu Ánh không bắt tận tay mà khi phát hiện kêu mất thì bà liền cao giọng: “Nhà này chả ai mất cái gì bao giờ, cô dừng có vu cáo nhà chồng, nhá!”. Sau lần đó, dù có mất cái gì, Ánh cũng im thít, không dám ho he. Nhiều khi mất đồ, tiếc thì không đến nỗi tiếc, nhưng tức vì nó nhỡ việc. Như hôm hai vợ chồng đi siêu thị, cô khuân 3 can nước giặt, thế mà khi dùng hết 1 can thì không tìm thấy 2 can còn lại đâu. Đang dở tay chải quần áo, không bỗng dưng chạy đi mua nước giặt, cô hỏi mẹ chồng: “Mẹ ơi, 2 can nước giặt con mua đâu ạ?”, liền bị bà bù lu bù loa cho một trận. Tức không để đâu cho hết. Ánh biết thừa là bà Đoán lại đem cho nhà con trai cả, vì bao nhiêu thứ của cô mua sắm không cánh mà bay thì cô đều thấy bên nhà anh trai chồng hoặc tận mắt thấy anh này sang nhà ăn cơm rồi xách về. Có lần bức xúc vì cô vừa gửi bạn đi Pháp công tác mua được một ít phomai về cho con, thì ít phút sau đã thấy gói phomai đó nằm gọn trong túi đồ bà Đoán lấy đưa cho con cả. Anh này thấy Ánh trố mắt nhìn kinh ngạc thì giả lả hỏi cu tý con trai Ánh: “Cu Tý nhiều đồ, ăn chả hết, mà ăn lắm thì béo đấy. Bác đem về cho anh chị nhà bác nhé”, nói xong đi thẳng, cũng chả cần biết có ai phản ứng gì hay không. Hôm đó, Ánh ức quá, nói: “Mẹ cho anh cái gì cũng được, nhưng phomai này con phải gửi mua tận Pháp cho các con, mẹ chả hỏi con đã cho anh”. Không ngờ bà Đoán gào lên: “Á à, có ai mà con bắt mẹ phải hỏi không? Hả!”. Ánh biết cô không đôi co nổi với bà nên đành ngậm đắng nuốt cay.

Nhưng đến chuyện vừa rồi, một người bạn đến chơi tặng Ánh túi trái cây, cô không biết trong đó bạn để hộp dây chuyền vàng. Tiễn khách xong, quay vào Ánh nhìn thấy mẹ chồng lục cái hộp đó trong túi quà ra, nhanh chóng đeo ngay vào cổ: “Cái dây này mẹ đeo hợp quá! Con cho mẹ nhé”. Rồi bà đưa cho Ánh cái dây chuyền cũ và bé tí bà vừa cởi ra: “À, mẹ đổi cái dây kỷ niệm này của mẹ cho con đây”. Ánh không chấp nhận: “Mẹ đeo thử rồi trả cho con, con đem trả bạn, vì con tưởng chỉ có trái cây, chứ dây chuyền thì con không nhận được đâu mẹ”. “Ối dào, việc gì phải trả. Nói với bạn con là mẹ chồng con dùng rồi”. Nói rồi bà bỏ thẳng về phòng riêng. Ánh không chịu: “Mẹ, không nhận được đâu ạ. Mai nhất định mẹ phải trả cho con, để con trả lại cho bạn”.

Việc Ánh kiên quyết đòi dây chuyền, đã dẫn tới chuyện bà Đoán gây sự không cho Ngà đưa vợ đi làm bằng ô tô, mặc dù tiền mua ô tô là của Ánh. Thấy bà làm căng, cũng không muốn chồng khó xử, Ánh nói với Ngà để cô đi xe máy ít hôm nhân việc các con đang nghỉ học vì dịch Covid. Thế là cô đã nhường nhịn mẹ chồng. Không ngờ bà còn nhảy ra rít vào tai con dâu, muốn con dâu bị ô tô tông! Cô mà mệnh hệ gì thì ai nuôi 2 con nhỏ? Ánh dừng xe ở lề đường, khóc một lúc lâu rồi quyết định gọi điện thoại cầu cứu bác ruột. Ông bác của cô làm trên Bộ, rất có uy với Ngà. Cô nhờ bác nói chuyện với Ngà và động viên Ngà đưa vợ con ra ở riêng, chứ nếu tiếp tục thế này chắc cô không sống nổi với bà mẹ chồng “không tả được” này.

Trần Thái Hòa

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.