Đường Lâm, Đường Lâm!

Chia sẻ

Tôi muốn đến Đường Lâm đã từ lâu, lâu lắm... Cứ sợ nếu không kịp rồi Đường Lâm sẽ mất dần đi dấu tích và dáng vẻ cổ kính, thâm nghiêm, cứ sợ những xưa cũ sẽ nhạt màu theo năm tháng, cứ sợ lòng mình - vốn sâu nặng với những đa mang, rồi một ngày không thể tìm nơi trú ngụ. Nhưng cũng lại sợ xa xôi và diệu vợi.

Làng cổ Đường LâmLàng cổ Đường Lâm.

Rồi cuối cùng cũng đến. Quanh co thế nào lại lạc bước đến đền Và trước nhất - nơi được gọi là Đông Cung trong hệ thống tứ cung của xứ Đoài. Đền tọa lạc trên một quả đồi thấp được bao bọc bởi hàng trăm cây lim cổ thụ cùng nhiều loại cây lấy gỗ bốn mùa xanh tốt. Nơi thờ đức thánh Tản Viên - một trong tứ bất tử của người Việt. Ngôi đền thâm u và tịch mịch bởi màu xanh cây lá và những bức tường đá ong đặc trưng. Ngồi bên gờ bậc tường xù xì, dưới mái ngói cong cong nơi vườn sau, giữa muôn hoa khoe sắc sao thấy gần gũi với lòng mình đến lạ. Ngôi đền không quá rộng mà thăm thẳm dư vị của huyền tích và dấu ấn thời gian ẩn trong lớp rêu loang lổ trên sân, dưới những tầng tầm gửi phủ dày thân cây vòi vọi.

Rời đền Và, sang chùa Mía… Vẫn biết xứ Đoài nhiều chùa - những ngôi chùa bền bỉ trong nắng mưa và sự dãi dầu cùng thời gian năm tháng; những ngôi chùa đơn sơ, giản dị mà ẩn chứa bao lo toan thế sự. Ấn tượng đặc biệt với những pho tượng của nơi này khi được tạo hình từ đất sét. Bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ đã thổi hồn vào từng dáng điệu, cử chỉ, ánh mắt… mùi hương hoa mộc thoảng nồng, tiếng chim hót gần xa bên hiên nắng, tưởng như nghe lời nhắn nhủ tự thinh không.

Cảm tưởng mình đang đi trong một buổi trưa từ thời nảo thời nao khi lạc bước tới đình Mông Phụ, ngồi bên bậu cửa gỗ nhìn xa xăm; khi tận tay sờ vào đầu con cá gỗ treo ngược lạ lẫm; khi bước vào những ngôi nhà cổ… Những cái cổng nâu trầm thấm trải bao nắng mưa và dư vị cuộc đời. Mỗi cái cổng dường như kể một câu chuyện giản dị mà nặng tình, nặng nghĩa. Những dãy chum dài phơi mình trong nắng, nồng đượm vị tương - gợi cả một niềm gì như hồn xứ sở. Chắc không đâu trên thế giới này có món tương đặc biệt như của người Việt, và chắc cũng còn ít làng quê nào giữ được nghề làm tương truyền thống như thế. Lặng người trước khoảnh sân ngập nắng, bần thần nhớ những chum cà, chum tương của bà, của mẹ. Bà giờ đã về thiên cổ, mang theo cả một bầu cũ kĩ, yêu thương rưng rức.

Đường Lâm, Đường Lâm! - ảnh 2

Lối ngõ loanh quanh mà vắng lặng; đâu đâu cũng bắt gặp nét trầm trầm, quen thuộc. Tự nhiên lòng dịu lại, đơn sơ.

Đường Lâm - thương từ cành đào nở muộn bên tường gạch rìa nhà thám hoa Giang Văn Minh đến những nhánh xương rồng nhỏ nhắn mà kiêu hãnh trên nóc cổng nhà ai. Và xao xuyến khi đi dưới hàng duối cổ thụ nghìn tuổi bên lăng Ngô Quyền. Những tán lá rậm rạp xanh rì, những thân cây hiện rõ dấu tích thời gian. Gió kể điều gì trong một buổi chiều dào dạt khi ngoài kia, lá ngô, đỗ cũng đang reo vui những niềm vui của cuộc đời ngắn ngủi?! Ừ thì năm tháng có quan trọng gì đâu, cuộc sống nghìn năm hay nghìn ngày cũng vẫn chỉ là hữu hạn. Chỉ cần biết “bây giờ và ở đây” – những khoảnh khắc của hiện tại sẽ luôn tươi màu nếu được nhìn bằng đôi mắt thiện lương, trong veo và ám áp. Quá khứ và lịch sử - dẫu còn nhiều điều chưa thể giải đáp vẫn chảy miệt mài như muôn sông trôi về phía biển.

Cũng biết rằng, có một góc hồn mình đã được vỗ về khi bàn chân chạm con đường gạch gồ ghề, khi nghe đá ong thở than bao điều dâu bể. Để khi bước qua cái cổng làng đặc biệt nép dưới bóng đa, mắt lại ngoái nhìn lưu luyến. Cứ tự dặn lòng, hãy vững tâm với những ngày phía trước vì dù có vật đổi sao rời, có một ngôi làng vẫn cho mình những mến thương và ấm áp.

Để thấm thía hơn một điều, bất cứ điều gì tồn tại trên thế gian đều có ý nghĩa riêng của nó. Màu thời gian tỏa ra thứ ánh sáng không gì che lấp được và bừng lên khí vị rưng rưng.

Để mà thương mà nhớ, mà cất giữ nâng niu.

Nhất Mạt Hương

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.