Đảm bảo đánh giá chính xác, đúng năng lực thí sinh

Chia sẻ

Cho đến giờ phút này, phương án tuyển sinh đại học năm 2020 nhìn chung đã “ngã ngũ”. Đa phần trường đại học sẽ xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Vì thế, các trường đều mong muốn kỳ thi sẽ được tổ chức nghiêm túc, có sự phân hóa tốt để việc xét tuyển được chính xác.

Bộ GD-ĐT cam kết tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 nghiêm túc, chính xác.(ảnh: Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019)Bộ GD-ĐT cam kết tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 nghiêm túc, chính xác. (ảnh: Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019)

Bình mới-rượu cũ

Theo PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, việc tuyển sinh đại học năm 2020 tưởng là “có biến động” nhưng thực ra vẫn giữ ổn định như các năm 2018, 2019. TS Nhĩ phân tích, vào các năm trước, các trường đại học xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi THPT quốc gia còn năm nay, xét tuyển dựa theo kỳ thi tốt nghiệp THPT. 2 kỳ thi này dù tên gọi có thể khác nhau, nhưng vẫn mang tính chất quốc gia vì đều triển khai thống nhất trên toàn quốc, Bộ GD-ĐT chuẩn bị đề thi (kể cả đáp án) và quy định quy trình tổ chức thi.

Bộ GD-ĐT cam kết tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, chất lượng

Trước lo lắng của các trường đại học, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cam kết, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ, có độ tin cậy cao. Đặc biệt, theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), đề thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm độ khó so với đề thi năm 2019. Trong đó, 70% các câu hỏi sẽ ở mức độ cơ bản. Tuy nhiên, vẫn có những câu hỏi nâng cao mang tính vận dụng kiến thức để phân hóa thí sinh. Vì thế, để đạt được điểm 9, 10 học sinh phải khá giỏi thực sự.

Trước đây (từ năm 2002 - 2014), hàng năm Bộ GD-ĐT phải tổ chức 2 kỳ thi mang tính quốc gia: Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (còn gọi là kỳ thi “3 chung”). Tuy nhiên, theo tinh thần đổi mới của giáo dục đại học, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng được triển khai theo hướng “kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo” và “giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học”. Thực tế trong mấy năm gần đây đã không còn kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng quốc gia, cũng như không có kỳ thi “hai trong một”. Việc tuyển sinh đại học, cao đẳng không hề bỏ mà thuộc về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.

Theo TS Nhĩ, năm nay, chỉ là thay tên kỳ thi THPT quốc gia bằng tên khác là thi tốt nghiệp THPT, còn bản chất, mục đích của kỳ thi không thay đổi, giống như “bình mới, rượu cũ”. Vì thế, học sinh không nên hoang mang, lo lắng. Vấn đề bây giờ không phải là tiếp tục tranh luận về tên gọi của kỳ thi mà là phải tổ chức kỳ thi như thế nào để có kết quả chính xác, đánh giá đúng năng lực học sinh.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, do nhiều trường đại học quyết định xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT nên kỳ thi cần được tổ chức nghiêm túc, thực chất. Bộ GD-ĐT cần chú trọng khâu thanh tra, giám sát và chú trọng hậu kiểm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý giám sát kỳ thi, giảm thiểu khả năng tác động của con người.

Theo GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng trường đại học Y Hà Nội kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được giao về cho các địa phương mà không có sự tham gia của các trường đại học như các năm trước. Vì thế, GS Văn rất trông chờ các địa phương sẽ tổ chức kỳ thi nghiêm túc để kết quả là thực chất. Bên cạnh đó, đề thi cần có tính phân hóa tốt để phục vụ việc tuyển sinh của các trường đại học, đặc biệt là với khối ngành đặc thù Y Dược luôn có điểm chuẩn đầu vào cao.

Cẩn trọng nếu tuyển sinh theo học bạ

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế tuyển sinh đào tạo đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Trong quy chế này, Bộ đã đưa ra một số yêu cầu đối với các trường không tuyển sinh theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Chẳng hạn như đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, nếu trường xét tuyển đại học dựa trên tổ hợp các môn học ở THPT thì chỉ những học sinh đã tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại Giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên mới đủ điều kiện để xét tuyển. Đây là cách để đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào đại học đối với một số ngành học đặc thù.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các trường đại học tuyển sinh theo học bạ cần lưu ý vì chất lượng điểm trong học bạ giữa các vùng miền còn khác nhau. Có thể điểm trong học bạ “đẹp” nhưng chất lượng học sinh chưa chắc đã cao như vậy. Năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ đối chiếu giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm trong học bạ để xem có sự khác biệt nhiều không.

Theo TS. Trần Văn Nhĩ, Điều 34 Luật Giáo dục Đại học 2012 quy định các cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh…”. Như vậy, các trường đại học hoàn toàn có quyền lựa chọn cách thức xét tuyển phù hợp như dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT xét tuyển bằng học bạ, thi riêng… Tuy nhiên, thay mặt Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, TS Nhĩ khuyến cáo các trường đại học nên hạn chế việc xét tuyển qua học bạ vì trong khi chất lượng đào tạo ở phổ thông còn chưa được kiểm soát chặt chẽ thì cách xét tuyển như vậy có thể không công bằng, chính xác.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.