Điều khó nói của nàng dâu

Chia sẻ

Một núi chứng từ kế toán phải hoàn thiện vào cuối tháng khiến Huệ bận tối mắt tối mũi, cả ngày cắm mặt vào màn hình máy tính, không rời khỏi chỗ ngồi nửa bước; bữa trưa cũng vội vàng, qua quýt cho xong bằng nửa chiếc bánh mỳ pate mua từ sáng.

Có lẽ Huệ vẫn sẽ miệt mài làm việc quên thời gian nếu như không bị tiếng chuông điện thoại réo liên hồi thúc giục bên tai. Đưa tay với chiếc điện thoại ở trước mặt, cô lầm rầm đầy bực dọc: “Đang bận thì chớ. Ai gọi gì mà gọi lắm thế không biết. Cả chục cuộc rồi chứ ít đâu”. Nhìn tên người gọi, Huệ thở dài một tiếng rồi chậm rãi nghe máy:

- Bố ơi con đây ạ. Nãy giờ con bận quá, không kịp trả lời điện thoại của bố.

- Ừ, bố cũng đoán vậy. Không có việc gì to tát đâu, bố chỉ định gọi điện bảo hai vợ chồng cuối tuần đưa các cháu về nhà chơi cho ông bà đỡ nhớ.

- Đợt này đi làm trở lại nên công ty con nhiều việc quá. Sang tuần công việc xong xuôi, vợ chồng con sẽ thu xếp về thăm bố mẹ.

- Thật ra bố mẹ có chuyện muốn bàn. Mẹ con muốn xây thêm 2 tầng nữa để các con về ở cho tiện.

- Vâng, tối về con sẽ thưa lại với nhà con.

- Đấy là bố mẹ nêu ý tưởng thế để các con cân nhắc... Cuối tuần nếu rảnh đưa các cháu về nhà chơi con nhé.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nghe bố chồng nói vậy, Huệ không phản ứng gì thêm. Cô vâng dạ rồi nhanh chóng kết thúc cuộc gọi. Đặt điện thoại xuống bàn, Huệ nhoài người ra phía cửa sổ, khẽ thở dài. Từ phòng làm việc trên tầng 3 nhìn xuống, cô thấy đường phố khắp nơi đã lên đèn. Thứ ánh sáng vàng vọt hắt ra từ chiếc đèn đường mỗi lúc lại thêm rõ, thay thế dần chút ánh sáng mờ nhạt sót lại của buổi ngày. Dòng người hối hả ngược xuôi trở về nhà. Nhìn đồng hồ thấy đã hơn 6 giờ tối, Huệ cũng tắt máy tính, dọn đồ rồi thong thả bước xuống nhà xe. Vừa đi, cô vừa nghĩ xem nên nói chuyện với chồng như thế nào về cuộc điện thoại vừa rồi. Huệ không biết rằng chồng mình cũng đang đợi vợ về, để bàn về chính điều cô trăn trở.

Chồng Huệ vốn thích nấu ăn, thi thoảng cuối tuần cũng hay bày vẽ chế biến món này món nọ cho vợ con thưởng thức. Nhưng so với những ngày trong tuần khác, bữa cơm hôm nay của gia đình Huệ đầy đặn và nhiều món hơn hẳn khiến cô khá bất ngờ. Tới khi thấy chồng vừa gắp thức ăn cho mình, vừa nhắn nhủ “lát nữa ăn cơm xong em ngồi nói chuyện riêng với anh một chút nhé” thì Huệ cũng lờ mờ đoán được ý định của anh. Chắc lúc chiều gọi cho con dâu không được, bố mẹ chồng cô đã điện về tỉ tê với con trai chuyện xây sửa nhà.

Lại nói về tính cách của chồng Huệ, ngày mới cưới ai cũng nói cô tốt số vì lấy được anh chồng vừa tốt bụng, hiền lành, chịu thương chịu khó làm lụng, biết yêu thương, vun vén cho gia đình. Nghĩ lại, cơ bản những điều mọi người nói về chồng Huệ đều đúng. Duy chỉ có một điều người ngoài, thậm chí họ hàng cũng không biết, đó là chồng cô luôn ngoan ngoãn và nhất mực nghe lời bố mẹ, bất kể đúng hay sai. Anh cũng chăm chỉ làm việc, nhưng lương chẳng được bao nhiêu, so với thu nhập từ công việc kế toán và kinh doanh, môi giới tài chính của Huệ thì càng ít. Thế nên mọi việc trong nhà từ trước tới nay đều một tay cô lo liệu. Hàng tháng, Huệ thường chỉ nhận một phần lương của chồng để chi tiêu điện nước và vài việc phát sinh hàng ngày, còn lại cô để chồng tùy ý sử dụng.

Trước đây, Huệ biết chồng mình thường hay vun vén khoản tài chính riêng ấy để biếu bố mẹ. Cô thấy rằng việc đó suy cho cùng cũng là nghĩa cử đạo hiếu, là sự báo đáp của con với bố mẹ nên không can thiệp. Thậm chí Huệ còn vờ như không biết, mỗi lần về quê hay dịp lễ, Tết, cô đều khéo léo đưa thêm cho chồng một khoản để mua sắm đồ đạc hoặc biếu bố mẹ chồng tiền chi tiêu.

Có lẽ Huệ sẽ cứ làm như vậy mãi nếu như không phải chính tai cô nghe được những lời nói phũ phàng từ bố mẹ chồng. Hôm ấy nhà Huệ có khách tới chơi. Ông khách vừa mở lời khen: “Nhà bác ở quê mà tiện nghi đầy đủ, thiết bị hiện đại gì cũng có nhỉ”, mẹ chồng Huệ mặt mày rạng rỡ, khoe lấy khoe để:

- Tất cả những thứ này đều do chính tay thằng Thành (chồng Huệ) mua từ Hà Nội về đấy bác ạ. Toàn đồ tốt, đồ xịn cả.

- Có con trai hiếu thảo như thế, hai bác sướng nhất rồi - ông khách tiếp lời.

- Vâng, vợ chồng tôi cũng gọi là có phúc, được nhờ con trai bác ạ.

Đã vậy, khi ông khách hỏi: “Thế còn vợ cháu Thành bây giờ đang làm ở cơ quan nào rồi?”, mẹ chồng Huệ trả lời rất qua loa:

- Tôi cũng không nhớ rõ tên công ty, nhưng thấy đâu làm môi giới kinh doanh gì đó.

- Liên quan đến kinh doanh là giàu đấy hai bác ạ. Phi thương bất phú mà. Bảo sao các con mua sắm cho bố mẹ đầy đủ thế.

- Bác cứ quá khen. Giàu đâu tôi không biết, chứ từ ngày về làm dâu mấy khi cháu nó biếu bố mẹ chồng tiền đâu, toàn chồng lo hết cho.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nghe mẹ chồng nói vậy Huệ chưng hửng và thất vọng vô cùng. Hơn ai hết, bố mẹ chồng cô biết rất rõ rằng, mọi đồ đạc trong nhà đều là tiền cô đưa chồng lo liệu. Thế nhưng trước mặt khách, công sức, tấm lòng của Huệ đã bị phủi sạch. Về sau Huệ còn phát hiện ra việc tiền vợ chồng cô chu cấp thêm hàng tháng để bố mẹ chồng ăn uống thế nào lại “chảy” vào túi chị chồng. Trong khi nhà anh chị chồng của Huệ cũng chẳng nghèo khó gì, thậm chí có phần khá giả. Chuyện này khiến cô tức giận thật sự.

Huệ tâm sự với chồng, nhưng cô không nhận được sự đồng cảm từ anh. Chồng Huệ còn nói vợ cả nghĩ, suy tính thiệt hơn với cả bố mẹ chồng. Chính điều đó khiến Huệ quyết định đổi chiến lược. Thay vì biếu bố mẹ tiền chi tiêu hàng tháng, cô quy tất cả ra hiện vật như: dầu ăn, mắm, muối, thịt, cá… Huệ chỉ mua ít một cho bố mẹ đủ dùng, hết cô lại mua mang về. Tiền lương của chồng Huệ cũng siết chặt hơn. Tiền biếu bố mẹ cũng phải do chính tay Huệ đưa chứ không thông qua chồng nữa. Thế là cô vẫn vẹn tròn đạo hiếu với nhà chồng, lại được tiếng thơm thảo.

Dạo gần đây, không biết có nghe ai “tình báo” không, mà mỗi lần Huệ có một khoản thu nhập khá từ công việc kinh doanh thêm, y rằng cô thấy bố chồng hoặc mẹ chồng gọi điện lên, bày tỏ ý muốn sửa sang đủ thứ. Tháng trước ông bà muốn làm sân, sửa bếp, Huệ cũng đã lo xong xuôi. Nhà ở quê của bố mẹ chồng vẫn thoải mái phòng cho con, cháu về ở. Chẳng hiểu sao giờ ông bà lại muốn xây lên tầng. Huệ thấy điều này quá lãng phí, không cần thiết.

Thế nên sau bữa cơm, khi chỉ có hai vợ chồng, Huệ đã nói thẳng rằng: “Lúc nào anh về tâm sự với bố mẹ xem, em thấy giờ xây thêm mấy tầng nữa ở quê chưa thật cần thiết. Em bây giờ cũng không còn tiền. Mấy trăm triệu vừa lấy hôm trước thì hôm sau cái Lan bạn thân em mượn gấp để đầu tư kinh doanh thiết bị y tế”.

Chồng Huệ dù rất nghe lời bố mẹ nhưng vì tài chính hạn hẹp nên không thể quyết mạnh. Anh đành “ừ” một tiếng rồi đồng ý với vợ sẽ lựa lời nói chuyện lại với bố mẹ. Trước khi dừng câu chuyện, Huệ không quên trấn an chồng rằng: “Thật tâm, em không tiếc bố mẹ, cái gì cần mình sẽ làm ngay. Bây giờ chỉ có sức khỏe bố mẹ là quan trọng nhất. Vợ chồng mình vẫn cùng nhau chăm lo, báo hiếu trọn bổn phận người con, em tin bố mẹ sẽ hiểu và thông cảm”.

HÀ CHÂU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.