Sống chậm ở Mai Châu

Chia sẻ

Thung lũng Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) không phải là điểm du lịch mới nhưng vẫn đầy sức hấp dẫn và quyến rũ với những người yêu thích du lịch bởi nét văn hóa truyền thống đặc sắc, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, bình yên.

“Mùa em thơm nếp xôi”

Cách Hà Nội hơn 100km nên thung lũng Mai Châu là điểm đến quen thuộc của người dân Thủ đô vào dịp cuối tuần, nhất là trong mùa hè năm nay, kỳ học kéo dài, nhiều gia đình không có điều kiện đi xa, dài ngày thì Mai Châu là sự lựa chọn hợp lý dành cho các gia đình. Vượt qua những con đường đèo dốc, hơn 3 tiếng di chuyển, bỏ dần lại sau lưng sự ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống đô thị, thung lũng Mai Châu chào đón du khách với sự bình yên, tĩnh lặng vốn có của đồng quê miền núi thanh bình với những nương lúa vàng nặng trĩu bông, bao quanh là trùng điệp núi non hoang sơ, mộc mạc nhưng rất đỗi tinh khôi.

Đạp xe quanh các bản làng,tận hưởng không khí trong lànhđã trở thành điều thú vị ở Mai ChâuĐạp xe quanh các bản làng, tận hưởng không khí trong lành đã trở thành điều thú vị ở Mai Châu

Ở vị trí giáp với các tỉnh Thanh Hóa và Sơn La, thung lũng Mai Châu là nơi cư trú của các cộng đồng dân tộc như người Kinh, người Mường nhưng chiếm số đông hơn cả là người dân tộc Thái nên cuộc sống sinh hoạt, kiến trúc cộng đồng ở Mai Châu mang đậm nét đặc trưng của không gian văn hóa Thái. Trên con đường trải nhựa bê tông dẫn vào các bản làng là những nếp nhà sàn thấp thoáng, lợp mái rạ; sàn nhà lát tre, thân thiện với môi trường nhưng lại có tác dụng giữ ấm về mùa đông và mát mẻ trong những ngày hè nắng nóng.

Trước khi trở thành điểm du lịch nổi tiếng, Mai Châu đã từng đi vào thơ ca, nổi tiếng nhất là bài Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng với những câu thơ đã “nằm lòng” nhiều thế hệ: “Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói/Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Và, cho đến ngày nay, “mùa thơm nếp xôi” vẫn là nét văn hóa đặc trưng riêng có của thung lũng Mai Châu. Từ cuối tháng 4, du khách khắp nơi tìm về Mai Châu để tận hưởng và trải nghiệm “mùa” riêng có này ở đây - mùa lúa chín với những nương lúa vàng trĩu bông, thoảng mùi thơm nồng nàn và ngọt ngào của hạt thóc nếp khi “ngậm” đủ tinh túy của trời đất và công sức chăm sóc của bà con nông dân. Người phụ nữ trong các gia đình người Thái vì thế giữ được bí quyết đồ xôi rất ngon trong chiếc nồi cao đặc trưng mà ít nơi có được. Khi trời ngả bóng về chiều, bên khói lam chiều bảng lảng trên những bản làng, mùi thơm của xôi nếp phảng phất trong không gian, níu chân du khách dừng bên hiên nhà để hít sâu vào lồng ngực trọn vẹn “mùi vị” đặc trưng của quê hương, của sự trong lành, tinh khôi của núi rừng.

Tương tự như vậy, đã đến Mai Châu mà không dừng chân bên các nếp nhà để tìm hiểu về khung dệt vải thổ cẩm đầy màu sắc thì chuyến đi dường như chưa trọn vẹn. Nghề dệt vải thổ cẩm cầu kỳ, phức tạp vẫn được bà con lưu giữ và truyền lại cho con cháu. Đôi bàn tay nhỏ của người phụ nữ thoăn thoắt bên khung dệt đang biến những sợi chỉ mong manh đầy màu sắc trở thành những tác phẩm nghệ thuật, những bộ trang phục truyền thống… Vừa hứng thú vừa mới lạ, nhất là với du khách nước ngoài, “du khách nhí” vốn chỉ biết đến vải thổ cẩm qua những trang sách.

Ảnh trên và ảnh dưới: Mai Châu mùa lúa vàngẢnh trên và ảnh dưới: Mai Châu mùa lúa vàng

Hòa mình trong thiên nhiên tươi đẹp

Du lịch ở Mai Châu ngày càng phát triển quy củ và chuyên nghiệp hơn. Hệ thống nhà sàn, cơ sở lưu trú được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của du khách, từ các nhà sàn, homestay phổ thông đến các cơ sở lưu trú cao cấp. Sự phát triển này đều dựa trên nền tảng văn hóa đặc trưng vốn có của bà con, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, hạn chế sự tác động của tiện ích hiện đại làm mất đi nét thanh bình, hoang sơ vốn có mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Vì vậy, du khách đến đây chủ yếu lưu trú trong các nếp nhà sàn đặc trưng, kể cả ở homestay hay những khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Trên những con đường làng buổi sớm tinh sương hay khi trời đã ngả bóng về chiều, không có quá nhiều tiếng ồn ào của động cơ, nhất là ở các bản làng sâu, chỉ có tiếng người nói lao xao, tiếng cười đùa hồn nhiên của trẻ nhỏ hay những guồng quay nhẹ nhàng của những chiếc xe đạp quen thuộc… Thú vui của nhiều du khách khi đến Mai Châu là đạp xe rong ruổi trên những con đường núi, qua những cánh đồng, hít hà mùi lúa chín, thảnh thơi tham quan bản làng, chuyện trò với bà con bản địa, tìm hiểu nét đẹp văn hóa… Cuộc sống chậm rãi, thanh bình là cách để thư giãn, “nạp” năng lượng cho bản thân sau một tuần lao động vất vả. Với trẻ em, “thả” về cuộc sống đồng quê chính là những bài học thực tế sống động, làm giàu thêm kiến thức văn hóa mà cuộc sống đô thị không có được.

Mai Châu vốn nổi tiếng với bản Lác nhưng điều níu kéo để du khách có thể quay lại thung lũng thơ mộng này thêm nhiều lần bởi quanh thị trấn có bản làng, hang động hoang sơ. Đến Mai Châu mùa lúa chín nên đi vào Pom Coọng, bản Văn - bản nhỏ nằm gần thị trấn - đang được đầu tư xây dựng khai thác du lịch để chiêm ngưỡng vẻ đẹp bình dị của những thửa ruộng bậc thang trĩu nặng lúa vàng, những ngôi nhà đơn sơ mộc mạc. Thị trấn Mai Châu cũng sở hữu nhiều hang động và các danh thắng đẹp như hang Chiều - di tích quốc gia nằm ở độ cao 700m với những tầng thạch nhũ độc đáo; hang Mỏ Luông. Du khách có thể đi bộ hoặc đạp xe đến thăm hang động. Ngoài ra, cách Mai Châu khoảng 10km có thác Gò Lào là một trong những thác nước đẹp nhất ở đây; hồ Ba Khan nằm ở xã Ba Khan của thị trấn Mai Châu - là khu đầu nguồn hồ thủy điện nên du khách có thể thuê thuyền để đi du ngoại quanh hồ. Nếu muốn khám phá đường đèo dốc và săn mây thì hang Kia ở Pà Cò là địa điểm thích hợp.

Sống chậm ở Mai Châu - ảnh 3

Một vài năm gần đây, khi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa được đông đảo người dân và du khách biết đến thì cung Mai Châu – Pù Luông được nhiều người kết hợp để tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn vì chỉ cần qua Mai Châu là du khách đã đặt chân đến đất Pù Luông. Sản phẩm du lịch này do chính những người yêu thích du lịch tạo nên, tuy là tự phát nhưng có sức lôi cuốn và quyến rũ bởi cảnh sắc thiên nhiên giữ được nét hoang sơ và người dân giữ được nguyên sự thân thiện, mến khách. Con đường quốc lộ, đường liên huyện nối liền 2 địa danh lúc thì men theo những ngọn núi, cánh rừng bạt ngàn màu xanh của cỏ cây, lúc lại chạy dọc theo sông Mã. Càng đi vào sâu càng hun hút nhưng khi đến các bản làng, khu dân cư thì mở ra trước mắt du khách một bức tranh thiên nhiên vô cùng đẹp, tựa như “chốn bồng lai”. Từ trên núi cao nhìn xuống, những ngôi nhà sàn nằm sát bên những ruộng lúa vàng óng ả, những nương ngô, nương sắn trù phú; xen kẽ là những suối nước, thác nước trong vắt…

Để thưởng thức hết cảnh đẹp của núi rừng, du khách nên đi Mai Châu vào những ngày trời quang, mây tạnh. Thời điểm này, những vườn mận, vườn mơ hai bên đường đã bắt đầu ra quả và cho thu hoạch. Nếu có thời gian, có thể dừng chân nghỉ ngơi, kết hợp trải nghiệm làm nhà nông, thu hoạch nông sản, rất thú vị, nhất là với trẻ em. Đồ ăn thức uống ở Mai Châu hay Pù Luông không có sơn hào hải vị mà chủ yếu là sản vật địa phương do người dân nuôi trồng chế biến như xôi nếp, cá suối, gà đồi nướng… Ngoài các nhà hàng, chủ các gia đình hoặc các homestay nhận đặt cơm cho du khách. Ngồi ăn quây quần bên nhà sàn, trải chiếu ngồi bệt trước thềm nhà hay cắm trại, nổi lửa nướng BBQ tại đây cũng là hoạt động được nhiều du khách lựa chọn. Nếu có trẻ em đi cùng, đừng quên chuẩn bị sản phẩm chống muỗi và côn trùng đốt; áo khoác nhẹ vì thời tiết Mai Châu, tuy có nắng nhưng không gay gắt như tại các đô thị, sáng sớm và tối muộn sẽ se lạnh.

MAI HOÀI ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.