Thay sổ hộ khẩu bằng mã số định danh: Đảm bảo quyền công dân

Chia sẻ

Một trong những cải cách hành chính được người dân trông đợi sẽ chính thức được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra là dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Thay sổ hộ khẩu bằng mã số định danh: Đảm bảo quyền công dân - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan. Đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, được xã hội đồng tình, đánh giá cao.

Như vậy, với Dự thảo Luật Cư trú sửa đổi được thông qua, sẽ khai tử sổ hộ khẩu - một thứ giấy tờ vô cùng quan trọng đối với người dân, đặc biệt ở các đô thị lớn từ hàng chục năm nay. Tình cảnh người dân chạy đôn chạy đáo để được nhập hộ khẩu, qua nhiều cấp chính quyền, mất không biết bao nhiêu thời gian, sức lực và tiền của nhưng cũng không phải ai cũng có may mắn được nhập tịch. Không ít trường hợp KT2, KT3, sinh sống ở Hà Nội, Tp. HCM và nhiều tỉnh, thành lớn hàng chục năm nhưng vẫn không được công nhận là công dân. Từ đó, kéo theo hệ lụy là hàng loạt các quyền công dân khác như quyền được chứng sinh, quyền học hành, khám chữa bệnh, mua bán nhà đất... và rất nhiều quyền con người khác bị hạn chế do không có hộ khẩu thường trú. Việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu như hiện nay cũng đang gây tốn kém, lãng phí cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng/ năm, đồng thời gây ra nhiều khó khăn, rườm rà cho công dân khi đi làm các thủ tục hành chính. Không ít tiêu cực cũng nảy sinh từ việc “gian lận” để có sổ hộ khẩu.

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ làm một cuộc cách mạng khi bỏ các quy định về: Sổ hộ khẩu, Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, Sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách Sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong Sổ hộ khẩu tại Luật Cư trú hiện hành. Việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân sẽ dẫn đến việc bãi bỏ tới 13 nhóm thủ tục mà lâu nay dân vẫn gọi vui là thủ tục "hành là chính" liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân. Nội dung sửa đổi, bổ sung thủ tục về đăng ký thường trú, tạm trú theo hướng: Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú có trách nhiệm tiếp nhận, cập nhật thông tin địa chỉ thường trú, tạm trú mới của người đăng ký vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo bằng văn bản cho người đăng ký về việc cập nhật thông tin mà không phải cấp Sổ Hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy, giảm đáng kể phiền hà về thủ tục hành chính. Theo tính toán của Bộ Công an, bỏ sổ hộ khẩu giấy sẽ giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm mỗi năm khoảng 1.600 tỉ đồng.

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) cũng bãi bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương so với việc đăng ký thường trú vào tỉnh. Trước đây, quy định về các điều kiện riêng này là nhằm hạn chế tình trạng di dân tự do từ nông thôn ra các thành phố lớn, nhằm giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị. Song trên thực tế, tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn ra các thành phố lớn kiếm cơ hội việc làm và thu nhập vẫn rất cao. Nhiều người dân mặc dù không có hộ khẩu tại đây nhưng vẫn sinh sống, làm việc, họ và gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong học tập, lao động, hưởng các dịch vụ xã hội do không được nhập hộ khẩu. Ngoài ra, việc áp dụng các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố đã làm ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân được quy định tại Hiến pháp năm 2013.

Vấn đề còn lại theo nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội còn băn khoăn là để triển khai được quản lý dân cư khi bỏ sổ hộ khẩu giấy đó là cần xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quản lý dân cư bằng mã số định danh. Khi có dữ liệu số hoá này thì chúng ta có thể quản lý dân cư bằng công nghệ vừa tiện lợi, giảm thiểu các chi phí hành chính, giấy tờ, phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0 cũng như yêu cầu về Chính phủ điện tử. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, có 2 định danh quan trọng đó là định danh tổ chức và định danh cá nhân, cần được làm thống nhất, đồng bộ và liên thông nhau để quản lý được ổn định, lâu dài. Vấn đề quan trọng nữa là bảo mật thông tin khi xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nếu thiếu bảo mật, để lộ lọt thông tin tổ chức, cá nhân thì cực kỳ nguy hiểm, khi đó, ai sẽ chịu trách nhiệm về các thông tin bị lộ, lọt?

HỒNG QUÂN

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.