Gia đình thuận hòa, tổ hòa giải... thất nghiệp

Chia sẻ

Ở Tổ dân phố số 4 (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân), việc gìn giữ truyền thống, nền nếp, hạnh phúc gia đình đã luôn được mỗi người dân tự ý thức, trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa của khu dân cư.

Vợ chồngông Trần Thanh Ca -bà Trần Thị Hồng HoanVợ chồng ông Trần Thanh Ca - bà Trần Thị Hồng Hoan

Tổ dân phố thuận hòa

Phường Khương Trung quận Thanh Xuân (Hà Nội) từ lâu vẫn là một địa phương có nhiều gia đình văn hóa, những giá trị gia đình truyền thống, cốt lõi đều được các ông, các bà trong mỗi gia đình lưu giữ. Là một trong những đơn vị đầu tiên thí điểm đưa Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vào thực hiện, các gia đình trên toàn phường Khương Trung đã đồng lòng hưởng ứng, ký cam kết thực hiện ở tất cả các nhóm tiêu chí: vợ chồng, cha mẹ, ông bà, con cháu anh chị em...

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố số 4 (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) vẫn nói đùa rằng Tổ hòa giải ở khu mình… thất nghiệp! Bởi lẽ, các gia đình trên địa bàn đều có nếp sống, sinh hoạt và đối xử với nhau rất thuận hòa, không để xảy ra những xích mích, cãi cọ lớn tới mức phải nhờ tới chính quyền, Tổ hòa giải can thiệp giải quyết. Toàn khu dân cư có 236 hộ gia đình, thì hơn 200 hộ có 3 thế hệ trở lên cùng sinh sống.

Từ khi được UBND phường Khương Trung chọn làm thí điểm thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong gia đình, TDP số 4 đã đưa Bộ quy tắc đến từng hộ gia đình để cam kết thực hiện, TDP nhận được sự nhất trí, thực hiện một cách vui vẻ, tự nguyện và không màng đến thành tích của người dân.

Cũng từ khi thí điểm Bộ Quy tắc ứng xử trong gia đình, mà các vấn đề về gia đình được quan tâm sát sao, trở thành các tiêu chí đánh giá. Ông Hùng cho biết, trong chi bộ sẽ kiểm điểm tư cách hàng năm đối với đảng viên có trong gia đình thực hiện thí điểm. Các nội dung kiểm điểm về xây dựng gia đình văn hóa như thế nào (bao gồm xây dựng mối quan hệ thuận hòa, vợ chồng chung thủy, con cháu tôn trọng ông bà, bố mẹ). Với Chi hội Phụ nữ, trong các buổi sinh hoạt, hội viên luôn được nhắc nhở về vai trò của người phụ nữ trong giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái.

Tuy nhiên, các vấn đề về gia đình luôn cần một sự giải quyết khéo léo, tế nhị, bởi không phải ai ở bên ngoài cũng hiểu rõ được nội tình mỗi ngôi nhà. Ông Nguyễn Văn Hùng đã làm Tổ trưởng TDP số 4 được 7 năm, chia sẻ: Trên địa bàn khu dân cư cũng từng xảy ra chuyện vợ chồng ly hôn, hoặc vợ bị chồng đánh. Trước những vấn đề này, đầu tiên, chúng tôi chọn cách lắng nghe. Bởi lẽ, không phải cứ vợ chồng nào ly hôn cũng đều là thất bại, là sai trái, mà đơn giản là họ không thể cùng sống chung được nữa. Hoặc với trường hợp bạo hành gia đình, chúng tôi “ưu tiên” Chi hội Phụ nữ vào cuộc thật mềm mỏng, khéo léo khuyên nhủ cả vợ lẫn chồng. Nhờ vậy, không chỉ mỗi gia đình giữ được sự ấm êm mà mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, giữa người lớn tuổi và những người trẻ luôn được giữ gìn, tôn trọng và rất đúng mực.

Nhờ vậy, TDP số 4 đã 2 lần đạt danh hiệu TDP văn hóa 3 năm liên tiếp. Năm 2019 vừa qua, TDP có 97% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

Tôn vinh văn hóa ứng xử trong gia đình

Một trong những tấm gương tiêu biểu về sự hòa thuận, hạnh phúc, thành đạt của TDP số 4 là gia đình ông Trần Thanh Ca và bà Trần Thị Hồng Hoan. Chồng làm Bí thư chi bộ còn vợ làm Phó Bí thư chi bộ TDP, hai ông bà chính là đồng chí đã gắn bó từ ngày còn là bộ đội Trường Sơn. Họ có 2 người con đều rất thành đạt, là đảng viên, đặc biệt có người con dâu rất hăng hái tham gia công việc của TDP, tích cực vận động các gia đình quyên góp kinh phí cho các cháu thiếu nhi sinh hoạt hè.

Chia sẻ về cách gìn giữ hạnh phúc gia đình và nuôi dạy các con nên người, ông Ca đề cao vai trò của vợ: “Chính bà ấy mới là người vất vả nhiều hơn, nhưng chúng tôi luôn tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong gian khó”. Hai ông bà cho rằng, trong gia đình, bố mẹ phải gương mẫu, vừa chăm lo vật chất đầy đủ nhưng cũng không quên “bồi bổ” tinh thần cho các con. Phải động viên các con, bình đẳng giữa các con, không nên áp đặt và sẵn sàng làm bạn với con. “Chúng tôi tạo sự chủ động cho các con. Chúng phải chủ động lo chuyện của mình, từ chăm sóc con cái đến công việc riêng. Nếu quá bận, không thể sắp xếp được thì bố mẹ mới làm giúp”. Không chỉ đồng hành trong cả công việc lẫn đời sống, ông Ca còn rất chiều vợ. Bởi vậy, 40 năm bên nhau của họ luôn êm ấm hạnh phúc.

Năm 2019, Bộ VHTTDL tổ chức triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Hà Nội là 1 trong 12 tỉnh, thành trên cả nước được Bộ lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm. TP đã chọn phường Khương Trung (Thanh Xuân) với 300 hộ gia đình và xã Phú Cường (Ba Vì) để triển khai nhằm từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức và văn hóa. Từ đó, củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, cộng đồng, xã hội và đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.

QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.