Hướng đi nào cho kinh tế báo chí thời suy thoái?

Chia sẻ

Báo chí Việt Nam đang ở giai đoạn vô cùng khó khăn. Báo in giảm lượng phát hành, báo điện tử dù có lượng người đọc tăng vọt nhưng quảng cáo giảm, thậm chí không có. Hướng đi nào cho kinh tế báo chí trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo là vấn đề lớn đang đặt ra cho nhiều cơ quan báo chí.

Nhiều sạp báo in vắng dần khách mua báo so với trước đây 	Ảnh: IntNhiều sạp báo in vắng dần khách mua báo so với trước đây Ảnh: Int

Doanh thu báo chí giảm từ 30 - 50%

Nhà báo Nguyễn Đình Chúc, Phó Tổng biên tập báo Lao Động nhận định, đại dịch Covid-19 tác động mạnh tới hàng không, du lịch nhưng báo chí là đối tượng thứ 3 bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều tờ báo đã phải thu hẹp sản xuất, giảm lương, nhuận bút để tồn tại. Nửa cuối năm nay, tuy Việt Nam đã khống chế thành công dịch Covid-19, nhưng trên thế giới dịch còn căng nên Việt Nam cũng không khỏi bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp lao đao và chậm hồi phục và đương nhiên ảnh hưởng tới quảng cáo phát hành của nhiều tờ báo. Thậm chí ảnh hưởng này còn kéo dài sang năm 2021 và các năm sau đó. Vì vậy, nếu các tờ báo không nhân dịp này thay đổi phương thức thích ứng, không sắp xếp lại tòa soạn (nhân lực, tăng công nghệ, đối mới chất lượng nội dung...) sẽ khó tồn tại. Thủ tướng đã nói biến nguy thành cơ nên dịp này cũng là dịp để các báo tìm ra cách đi, tự lột xác đổi mới mình thích ứng với tình hình mới.

Theo TS. Trần Bá Dung, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội NBVN, vấn đề thu phí người đọc báo online đã được nói đến từ hơn chục năm nay, nhưng chưa làm được. Tuy nhiên, việc này rất nên và cần làm, nhưng trước hết cần sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các báo. Một vài báo thì không làm được, không liên kết chặt chẽ, không tạo nên lực mới sẽ không làm được. Điều quan trọng nhất là, muốn bán được sản phẩm cho người đọc (thu phí), phải có nội dung tốt, hay, hình thức hấp dẫn, coi chất lượng là sống còn, giá trị của thông tin là quyết định. Mặt khác, báo chí muốn thu phí người đọc, buộc phải có hình thức hấp dẫn, hiện đại, lôi cuốn và giữ chân người đọc, tiện lợi cho việc đọc.

Riêng với báo Lao Động, báo in của đơn vị này khi chưa có dịch Covid-19 đã giảm trên dưới 10%/năm, nhưng 6 tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch nên số lượng báo in giảm gấp đôi (20%). Phát hành giảm đồng nghĩa với quảng cáo giảm, bình thường phát hành giảm 1 thì quảng cáo giảm 2-3 lần, nên 6 tháng vừa qua, doanh thu quảng cáo cả online và báo in giảm khoảng 50%. Tổ chức sự kiện là thế mạnh của báo Lao động nhưng do kinh tế giảm sút nên 6 tháng qua không tổ chức được sự kiện nào. Vì vậy, doanh thu 6 tháng của báo Lao Động giảm khoảng 35-40%, trong khi vẫn phải đảm bảo đủ đầu vào (lương, nhuận bút, in ấn, văn phòng, thuế...).

TS. Trần Bá Dung, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, tổng doanh thu của báo chí, phát thanh, truyền hình của hơn 900 cơ quan báo chí cả nước trong năm 2019 chỉ đạt gần 12.000 tỷ đồng, chỉ tương đương doanh thu quảng cáo trực tuyến của các nền tảng xuyên biên giới như facebook, google ở thị trường Việt Nam. Các kênh quảng cáo số (facebook, google) đã chiếm tới gần 7.500 tỷ đồng nguồn thu quảng cáo từ các doanh nghiệp, phần nhỏ bé còn lại 4.500 tỷ chia cho các loại hình báo chí. Và ngay trong khoảng 4.500 tỷ còn lại đó, 2/3 đã thuộc về các Đài truyền hình lớn. Nguy cơ không xa các báo gần như sẽ không còn nguồn thu từ quảng cáo.

Theo một số thống kê chưa đầy đủ, đa số các cơ quan báo chí sụt giảm doanh số từ 30-50% trong đại dịch. Sự phục hồi chắc chắn rất chậm. Nhiều cơ quan báo chí đã buộc phải cắt giảm nhân lực và nhiều khoản chi cho người lao động.

Bắt buộc đổi mới để tồn tại

Theo nhà báo Nguyễn Đình Chúc, báo Lao động đã nhanh chóng đổi mới nhiều hoạt động để sớm thích ứng với tình hình mới. Giải pháp trước mắt là sẽ cơ cấu lại nhân lực, phương thức tác nghiệp, điều hành: Thu gọn nhân lực ở những lĩnh vực chưa cần thiết hoặc không phải mũi nhọn. Đồng thời, sẽ tăng cường điều hành tòa soạn theo hình thức online tiết giảm chi phí hội họp, đi công tác, in ấn không cần thiết, tăng cường tổ chức sự kiện theo hình thức online, nâng cao chất lượng tác nghiệp của phóng viên theo hình thức đa phương tiện, thu hút quảng cáo trên online thay vì báo in truyền thống, giảm nhân lực ở một số bộ phận không cần thiết hoặc dôi dư nhưng bố trí làm công việc khác.

Ở góc độ cơ quan quản lý báo chí, TS. Trần Bá Dung chia sẻ những giải pháp cơ bản để góp phần tháo gỡ khó khăn cho báo chí như sau:

Thứ nhất, các báo tự tìm cách để tăng nguồn thu. Có ý kiến cho rằng, cần hình thành nguồn thu mới, từ mạng xã hội lớn, từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, internet Việt Nam, từ thu phí độc giả (báo điện tử) và làm thuê (outsource) tin tức cho khách hàng. Mấu chốt để tăng nguồn thu là báo chí xây dựng và phát triển quan hệ bền chặt, đồng hành, tương hỗ với doanh nghiệp, hai bên hỗ trợ nhau vượt khó khăn lúc này. Cần hình thành và phát triển cơ cấu nguồn thu hợp sức của các cơ quan báo chí. Báo Tiền Phong xây dựng được cơ cấu với 5 nguồn thu (từ phát hành, quảng cáo, đầu tư tài chính, dịch vụ tổ chức sự kiện và công ty cổ phần của báo). Tuy nhiên không phải báo nào cũng làm được như vậy. Nhưng về xu thế, các báo có thể học theo cách đó.

Thứ hai, cần hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ báo chí, từ nhà nước. Đó là, nhà nước thực hiện cơ chế đặt hàng, hoặc giao nhiệm vụ cho báo chí. Mặt khác, nhà nước hoàn thiện các quy định pháp luật để cơ quan báo chí được kinh doanh công khai, minh bạch… Hỗ trợ thuế về báo chí, nhất là cho giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của báo điện tử xuống dưới 20%, báo in xuống dưới 10% (theo ý kiến đề xuất của một số Tổng biên tập). Cần có chính sách chia sẻ lợi nhuận giữa nhà mạng với báo chí vì hiện nay, các nhà mạng sử dụng nội dung của báo chí tăng thu cho nhà mạng, nhưng các báo là nơi sản xuất nội dung thì không được hưởng.

Thứ ba, cần hỗ trợ chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân sự quản lý, nhân sự kinh doanh cho báo chí. Lâu nay, chúng ta mới chỉ chú ý đầu tư đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ và chính trị là chính.

Giải pháp thu phí đọc báo online

Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập Báo VietnamPlus (TTXVN) cho biết, ngày 20/6/2018, Báo điện tử VietnamPlus của TTXVN trở thành cơ quan báo chí đầu tiên và duy nhất của Việt Nam thu phí đọc nội dung trên nền tảng digital. Mỗi ngày, VietnamPlus mới chỉ phát khoảng 5-10 bài thu phí, gồm những bài phân tích chuyên sâu, phỏng vấn độc quyền… do tòa soạn tự sản xuất, hoặc dịch lại theo nhượng quyền của các đơn vị báo chí lớn trên thế giới. Chúng tôi chọn hướng đi này, vì đây là một xu hướng lớn của báo chí thế giới, nguyên nhân là do sự chuyển đổi cách thức quảng cáo và sụt giảm nguồn thu.

Tính ra mỗi tin bán của VietnamPlus chỉ thu 5.000 đồng; nếu đọc 1 tuần là 10.000; 1 tháng là 30.000 và 2 tháng là 50.000. Hiện VietnamPlus sử dụng nhiều chiến lược nhằm đạt các mục tiêu của mình: Các bài viết định kỳ, thông tin về những chủ đề chuyên biệt lôi kéo thuê bao nhằm vào từng đối tượng khách hàng. VietnamPlus hướng đến mục tiêu tiếp tục sản xuất những nội dung dài, có chất lượng như mega-story, long-form và không chỉ bó hẹp nội dung với kinh tế, tài chính, chiến lược, bí quyết kinh doanh mà còn mở ra các lĩnh vực khác như công nghệ, thể thao, giải trí, chính trị, những xu hướng mới, thông tin dự báo… và thu phí từ những bài báo này.

Theo ông Duẩn, không chỉ The New York Times, mà hàng chục tờ báo trên thế giới đã sớm thành công với mô hình thu phí trên nền tảng digital, trước khi mức tăng trưởng doanh thu quảng cáo online chậm lại và thậm chí đi xuống trong những năm gần đây. Qua thăm dò, khảo sát những tập thể, cá nhân mua tin của VietnamPlus, họ cho rằng các tin bán có hàm lượng thông tin cao, đi sâu vào một lĩnh vực, vấn đề mà dư luận, xã hội đang quan tâm. Những tin như thế họ chấp nhận chi trả cho nguồn tin mà họ đang sử dụng.

Việc thuyết phục độc giả chịu bỏ tiền trong khi họ đã quá quen với những thông tin miễn phí là điều không dễ dàng, nên việc VietnamPlus đi tiên phong trong lĩnh vực này cũng là nhằm giúp cho độc giả làm quen với việc đọc báo trả tiền. Khi độc giả chấp nhận trả tiền cho một thông tin đồng nghĩa với việc đó là hành động chi trả cho thói quen của chính mình.

Việc thu tiền từ bạn đọc trực tuyến ở Việt Nam hiện nay rất khó nhưng nếu muốn thay đổi cơ cấu doanh thu thì các cơ quan báo chí phải bắt tay cùng làm. Quan trọng nhất là phải bảo vệ được bản quyền, không để xảy ra tình trạng một bài báo hay bị hàng chục trang mạng khác cắt về, dán lên trang của mình một cách thoải mái. Việc khoá bài, mời mua báo trực tuyến cần phải được tiến hành đồng thời ở nhiều báo mới tạo hiệu ứng tích cực.

Nhà báo Nguyễn Đình Chúc cũng đồng tình với việc thu phí người đọc báo online. Trước mắt các báo có thể thu tiền ở những chuyên mục hot, điều tra riêng, tin độc quyền. Trong việc này thì thể loại media có lợi thế. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là thói quen bạn đọc lâu nay vẫn đọc "chùa" báo online và mạng xã hội nên giờ phải bỏ tiền ra mua tin tức sẽ gặp khó khăn lúc đầu. Cái khó nữa là hệ thống thanh toán điện tử chưa phổ biến vì không phải người đọc nào cũng có hình thức thanh toán này. Một thách thức nữa là mạng xã hội hiện nay rất nhanh, nếu các báo vừa chậm vừa không chính xác, không có tin bài độc quyền sẽ khó có "hàng" để bán.

Nhà báo Nguyễn Đình Chúc tin tưởng, nếu những khó khăn trên được giải quyết đồng bộ, tương lai việc bán được hàng trên báo online không phải là chuyện xa vời. Và lúc đó cũng giúp giải quyết phần nào khó khăn cho các báo điện tử hiện nay.

HẢI HẢI 

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.