Phụ nữ tham chính: Góc nhìn từ thế giới tới Việt Nam

Chia sẻ

Trên thế giới để có được sự phát triển bền vững, các quốc gia tiên tiến đã, đang rất chú trọng đến việc xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giới và nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong các hoạt động thực tiễn của đất nước.

 Nhiều quốc gia đã có chính trị gia là nữ được bầu vào vị trí nguyên thủ quốc gia và các vị trí quan trọng khác trong hệ thống chính trị. So với thế giới, Việt Nam cũng đã có những phát triển khá tốt về thực hiện bình đẳng giới và tăng tỷ lệ tham chính của phụ nữ. 

Thực trạng phụ nữ tham chính trên thế giới

Chỉ tiêu tham chính của phụ nữ đã được thảo luận từ lâu ở nhiều quốc gia. Ban đầu vấn đề này được đề cập trong khu vực Nghị viện, nơi tập trung các đại biểu đại diện cho dân chúng. Điều này xuất phát từ lo ngại rằng nếu các Nghị viện có quá ít thành viên là nữ giới thì việc thông qua các chính sách và đạo luật sẽ bị ảnh hưởng bởi các thiên kiến về giới bất lợi cho phụ nữ. Nguyên nhân là do các nhu cầu và mối quan tâm của nam giới và nữ giới có nhiều điểm khác nhau. Dần dần vấn đề tham chính của phụ nữ được mở rộng sang các khu vực khác của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Với mục tiêu nâng cao nhận thức về bình đẳng giới từ những năm 1990, Hội đồng Kinh tế - xã hội của Liên Hợp Quốc đã xác định mục tiêu đến năm 1995, các quốc gia cần có 30% đại biểu trong các cơ quan dân cử và bộ phận lãnh đạo của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Năm 1995, Hội nghị Thượng đỉnh về phụ nữ tại Bắc Kinh đã đưa ra kêu gọi các quốc gia "đảm bảo sự đại diện bình đẳng về giới ở tất cả các cấp xây dựng chính sách trong các thiết chế quốc gia hay quốc tế". Kể từ đó, chỉ tiêu tham chính của phụ nữ dần nổi lên như một lựa chọn chính sách phổ biến và có tính khả thi. Cho đến nay, gần một nửa số quốc gia trên thế giới đã áp dụng các chỉ tiêu tham chính của phụ nữ dưới nhiều hình thức, cấp độ, phạm vi khác nhau.

Chỉ tiêu tham chính của phụ nữ có thể chia thành các 3 dạng chính gồm: Chủ tiêu tự nguyện, chỉ tiêu về ứng viên, chỉ tiêu cố định. Trong đó, tỷ lệ quốc gia áp dụng chỉ tiêu tự nguyện là cao nhất, chiếm 61%, tiếp theo là chỉ tiêu cố định.

Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP 2012) mục đích của việc xác định chỉ tiêu tham chính của phụ nữ chính là để đảm bảo rằng phụ nữ được đảm nhận những vị trí quyết định trong bộ máy nhà nước - điều mà rất cần thiết ở các quốc gia, xuất phát từ những lý do như:

Sự công bằng: Phụ nữ chiếm một nửa dân số. Vì thế, phụ nữ có thể đảm nhiệm 50% vị trí ra quyết định.

Lợi ích: Phụ nữ và nam giới có sự quan tâm và lợi ích khác nhau. Sẽ hiệu quả và chính đáng hơn nếu quan tâm vào lợi ích của hai nhóm đều được phản ánh và bảo đảm.

Kinh nghiệm: Phụ nữ có những kinh nghiệm khác với nam giới về mặt xã hội và sinh học. Vì thế, phụ nữ nên đảm nhận những vị trí có tầm ảnh hưởng để có thế phát huy kinh nghiệm và cách tiếp cận nữ giới.

Sự tăng trưởng kinh tế: Khi ở những vị trí ra quyết định, phụ nữ luôn đưa ra những định hướng sáng tạo trong môi trường cạnh tranh để tạo ra sự ổn định và tăng trưởng kinh tế.

Có thể thấy, việc áp dụng các chỉ tiêu tham chính của phụ nữ hiện khá phổ biến, đa dạng ở các khu vực thế giới. Tuy vậy, việc mới có khoảng một nửa số quốc gia trên thế giới áp dụng cũng phản ánh sự xung đột quan điểm về chỉ tiêu giới trong hoạt động chính trị. Thực tế, việc đặt ra chỉ tiêu tham chính của phụ nữ tuy có nhiều quan điểm ủng hộ nhưng cũng có nhiều quan điểm phản đối. Các ý kiến này được thể hiện qua các khía cạnh như:

Xét về khía cạnh bình đẳng, những người ủng hộ cho rằng việc đặt ra chỉ tiêu như vậy giúp trực tiếp làm gia tăng sự đại diện của nữ giới trong các vị trí lãnh đạo, qua đó hạn chế tình trạng phân biệt đối xử. Thực tế cho thấy có sự khác nhau rõ rệt về tỷ lệ trung bình nữ giới tham chính trong cơ quan lập pháp giữa các quốc gia có và không áp dụng chỉ tiêu này (có áp dụng là 22% và không áp dụng là 13%).

Tuy nhiên những người phản đối lại cho rằng việc đặt ra chỉ tiêu về giới có thể bị chồng lấn xung đột với những cân đối cần thiết liên quan đến các nhóm xã hội khác, bao gồm các dân tộc thiểu số. Trong trường hợp phải lựa chọn giữa một ứng viên nữ để đảm bảo chỉ tiêu về giới và một ứng viên nam để đảm bảo chỉ tiêu về các nhóm xã hội thiểu số thì sẽ khó ra quyết định cuối cùng vì cần đảm bảo cả hai chỉ tiêu.

Sự khác nhau giữa các hệ thống chỉ tiêu tham chính của phụ nữ phản ánh sự khác biệt giữa các hệ thống chính trị và truyền thống văn hóa, lịch sử của khu vực. Khu vực Bắc Âu được xem là nơi khởi xướng của các quy định về chỉ tiêu về giới trong hoạt động chính trị. Hiện Bắc Âu đang đứng đầu về chỉ số quyền của nữ giới.

Tuy nhiên, các quốc gia Tây Âu lại áp dụng mức chỉ tiêu tham chính của phụ nữ cao hơn nhiều so với quốc gia khác. Ở khu vực Mỹ La-tinh, vấn đề chỉ tiêu tham chính của phụ nữ được nổi lên từ những năm 1990 với dạng thức chủ yếu là chỉ tiêu về ứng viên. Ở các quốc gia châu Phi có sự đa dạng hơn về hình thức chỉ tiêu giới trong hoạt động chính trị. Các quốc gia Nam Á cũng ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của việc sử dụng các chỉ tiêu giới trong hoạt động chính trị, với sự nổi trội của các chỉ tiêu cố định. Với khu vực Trung Đông, do ảnh hưởng của văn hóa Hồi Giáo nên chỉ có một vài quốc gia ghi nhận chỉ tiêu tham chính của phụ nữ. Có thể thấy, việc đặt ra chỉ tiêu tham chính của nữ giới đã được thực hiện khá đa dạng ở nhiều quốc gia. Chỉ tiêu tham chính này có thể được quy định trực tiếp trong pháp luật về bầu cử hoặc trong cả Hiến Pháp.

Chỉ tiêu tham chính của phụ nữ ở Việt Nam

Nhận thức đúng đắn vai trò của phụ nữ và tầm quan trọng của bình đẳng nam nữ trong chính trị, Hiến pháp đầu tiên của nước ta (năm 1946) đã ghi rõ: Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, trai gái, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo". Hiến pháp năm 1946 cũng đồng thời ghi nhận các quyền bình đẳng của phụ nữ trong bầu cử, ứng cử, tham gia chính quyền, đây chính là cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc tham chính của phụ nữ Việt Nam.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nghiên cứu về phụ nữ tham chính tại Việt Nam của UNDP cho thấy tỷ lệ phụ nữ bầu cử qua các thời kỳ đã có sự thay đổi. Cụ thể, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc Hội khóa XIII nhiệm kỳ 2011-2016 là 24,4% thấp nhất trong 4 nhiệm kỳ vừa qua. Ở cấp địa phương, phụ nữ chiếm 26% các vị trí Hội đồng nhân dân, trong đó 3% Chủ tịch Hội đồng nhân dân là nữ. Mục tiêu của Việt Nam trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị là phấn đấu tỷ lệ phụ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016-2020 từ 25% trở lên. Phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% và đến năm 2020 đạt trên 95% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Phấn đấu đến năm 2020, nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đạt từ 35% đến 40%.

Tỷ lệ tham chính của phụ nữ Việt Nam qua các kỳ bầu cử Quốc hội đã đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ nữ đại biểu trong cơ quan lập pháp cao nhất châu Á. Theo Liên minh các nghị viện thế giới, Việt Nam đứng thứ 37 trong tổng số 188 nước trên thế giới về tỷ lệ phụ nữ trong cơ quan lập pháp. Còn theo báo cáo của Chương trình phát triển LHQ, các bảng xếp hạng quốc tế về chỉ số giới đều đặt Việt Nam ở vị trí khá cao, đặc biệt so với các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên trong thực tế, Việt Nam vẫn chưa đạt được những mục tiêu do mình đề ra về tỷ lệ phụ nữ trong các cơ quan dân cử và trong Ban lãnh đạo các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị. Không chỉ có vậy, số lượng đại biểu trong Quốc hội có xu hướng giảm dần trong hai thập kỷ vừa qua. Cụ thể, năm 1997, Việt Nam thuộc nhóm 10 nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ đại biểu Quốc hội. Đến năm 2012, xếp hạng của Việt Nam giảm xuống thứ 44 trên thế giới với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 24,4%. Đến kỳ bầu cử năm 2016, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ đã tăng lên 26,8% nhưng vẫn còn khá xa so với mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã xác định.

Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân, trong đó trước hết là do nhận thức xã hội về vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực nói chung và trong chính trị nói riêng còn hạn chế. Tuy nhiên đây là vấn đề xảy ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới chứ không riêng Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc thiết lập chỉ tiêu tham chính của phụ nữ là một công cụ quan trọng giúp thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới. Tuy nhiên mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi khuôn khổ pháp lý của vấn đề này được xây dựng hợp lý. Hiến pháp năm 2013 đã xây dựng nền tảng tốt khi xác định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện những biện pháp cụ thể thúc đẩy quyền bình đẳng cho nữ giới nói chung và quyền tham chính nói riêng. Vấn đề cần được cải thiện là việc xây dựng những chính sách cụ thể và nâng cao hiệu quả thực thi.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.