Hoa sen làm đẹp, làm giàu cho quê nghèo An Phú

Chia sẻ

Những ngày hè rực nắng là thời điểm vùng chiêm trũng An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội khoác “áo mới” khi hàng vạn bông hoa sen hồng “rũ bùn” vươn mình rực nở.

Hoa sen không chỉ tạo cảnh quan đẹp, bình yên cho làng quê mà còn đang giúp nhiều gia đình tại đây xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình, trở thành điểm tham quan, du lịch ở ngoại thành Thủ đô.

“Trong đầm gì đẹp bằng sen”

Là vùng đất bán sơn địa nằm ở phía Tây Nam thành phố, xã An Phú, huyện Mỹ Đức có nhiều diện tích đất trũng. Vào mùa mưa lũ, nhất là khi lũ rừng đổ về, các cánh đồng rộng lớn luôn trong tình trạng ngập nước mênh mông khiến cho việc sản xuất nông nghiệp của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Vui – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đức Dương, xã An Phú cho biết: Bà con ở đây chủ yếu là làm nông, nhiều đời gắn bó với đồng ruộng. Tuy nhiên, do địa hình đặc thù của thôn nên việc cấy cầy, đồng áng không thuận lợi, thường xuyên bị mất mùa. Trước đây, một năm bà con chỉ cấy được 1 vụ lúa; đến tháng 7 nước ngập trắng đồng nên không cấy được vụ mùa. Lúa cấy ít vụ đã đành lại còn năng suất kém, mỗi sào chỉ cho thu hoạch được hơn 1 tạ thóc. Bao công sức sớm hôm vất vả chăm sóc cho cây, cả vụ thu hoạch, bán thóc lúa, bà con chỉ cần về nhiều lắm được hơn 1 triệu. Dù diện tích đất nông nghiệp lớn, cánh đồng rộng mấy chục mẫu nhưng cuộc sống của người dân trong thôn vẫn khó khăn, vất vả.

Các bạn trẻ chụ hình kỷ niệm tại đầm sen thôn Đức Dương, xã An PhúCác bạn trẻ chụp hình kỷ niệm tại đầm sen thôn Đức Dương, xã An Phú.

Không cam chịu đói nghèo, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhân dân ở các vùng đất trũng đã mày mò nghiên cứu, tìm tòi cây trồng phù hợp với vùng đất trũng để nâng cao hiệu quả kinh tế, phát huy giá trị của đất đai. Trong hành trình nỗ lực tìm kiếm giải pháp thoát nghèo, bà con xã đã bén duyên với hoa sen.

Sen là loại hoa nổi tiếng ở Việt Nam, được trồng nhiểu ở đầm lầy, ao hồ. Loài hoa đẹp có sắc và hương; không chỉ được cắm bình trang trí trong gia đình mà còn có giá trị kinh tế cao. Hoa sen không chỉ để cắm mà còn được dùng để ướp trà; lá sen được phơi khô hãm trà, gói thực phẩm; hạt sen để nấu chè; cọng sen được chế biến làm thực phẩm… Nhận thấy cây sen phù hợp với vùng đồng trũng và cho giá trị kinh tế cao, bà con trong xã đã chuyển đổi cơ cấu từ trồng lúa sang trồng sen trên diện tích 30ha đồng trũng tại thôn Đức Dương.

Gia đình bà Nguyễn Thị Vui là một trong những hộ dân chuyển đổi cây trồng tại thôn. Nói về công việc nhà nông hiện tại, bà Vui chia sẻ: Trồng sen không cần đầu tư lớn, công sức chăm sóc cũng đỡ vất vả hơn so với trồng lúa. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch, thời gian thu sen lâu hơn thu lúa, một mẫu sen có thời gian thu hoạch kéo dài hơn 1 tháng. Thời điểm này, cả gia đình được huy động tổng lực để đảm bảo tiến độ. Ngoài hoa sen, bà con thu hoạch lá sen, hạt sen để cung ứng cho thị trường. Phần củ thì để lại dưới lớp bùn sâu làm giống cho mùa năm sau. Vì thế, có thể nói, cây sen chỉ cần đầu tư giống một lần có thể thu hoạch nhiều năm và không cần tái đầu tư nhiều cho giống.

Về thu nhập, theo chị em phụ nữ trong thôn, trồng sen mang lại cuộc sống ấm no hơn trồng lúa. Nếu trước đây, một sào lúa trên vùng chiêm trũng chỉ cho thu nhập nhiều nhất là được hơn 1 triệu đồng thì trồng sen có thể gấp 2-3 lần, từ 2-3 triệu đồng/sào. Từ ngày “bén duyên” với hoa sen, đời sống và thu nhập của người dân trong thôn đã được cải thiện hơn nhiều; một số gia đình có thêm phần tích lũy để chăm lo tốt hơn cho đời sống gia đình khiến bà con phấn khởi, động viên nhau cùng chuyển đổi cây trồng, tăng gia sản xuất.

Hướng đến xây dựng điểm du lịch hấp dẫn

Từ hiệu quả thu được tại thôn Đức Dương, cây sen được nhân rộng ra các vùng trũng trên địa bàn xã An Phú. Những năm gần đây, được sự đầu tư của TP Hà Nội và huyện Mỹ Đức, đường làng ngõ xóm tại xã An Phú được cải tạo, mở rộng. Giao thông đi lại thuận tiện, nhanh chóng, việc tiêu thụ nông sản nói chung và các sản phẩm từ cây sen ngày càng thuận lợi, góp phần ổn định đầu ra cho bà con nông dân. Đặc biệt, từ vài năm trở lại đây, thông qua mạng xã hội, hình ảnh đẹp của các đầm vào mùa sen nở ở thôn Đức Dương và xã An Phú ngày càng được lan truyền rộng rãi, thu hút đông đảo các bạn trẻ, các “tay máy” đam mê chụp ảnh.

Đầm sen ở thôn Đức Dương, xã An Phú, huyện Mỹ ĐứcĐầm sen ở thôn Đức Dương, xã An Phú, huyện Mỹ Đức.

Cách trung tâm TP hơn 50km, sau hơn 1 tiếng đồng hồ di chuyển, bỏ lại sau lưng mọi sự ồn ào, náo nhiệt, tấp nập của đô thị, đến với An Phú là cảm nhận sự bình yên, tĩnh lặng, không khí trong lành để thả hồn mình vào “bức tranh” sơn thủy hữu tình với những đầm sen rộng lớn trải dài như vô tận; xa xa là những dãy núi đá vôi nhấp nhô... Chỉ có con người và thiên nhiên tươi đẹp cùng những nhà nông hiền lành, chịu khó. Đã có nhiều bạn trẻ khi quảng bá hình ảnh đầm sen An Phú đã ví von đây là đầm sen “vô cực” lớn nhất tại Hà Nội. Cùng với giá trị kinh tế, hoa sen còn đang góp phần đưa Đức Dương trở thành điểm tham quan, du lịch hấp dẫn. Từ mùa hè năm 2019, đã có hàng nghìn người tìm đến Đức Dương để thưởng hoa, chụp hình. Nhiều cặp đôi chọn đầm sen là nơi lưu giữ khoảnh khắc đẹp của thanh xuân tươi đẹp.

Nhằm hướng đến việc xây dựng Đức Dương trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách, cùng với đầu tư phát triển kinh tế, UBND xã An Phú đã sớm vào cuộc, hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng bền vững, đúng hướng, phục vụ tốt nhất du khách đến tham quan; đặc biệt là phát huy, quảng bá nét đẹp văn hoá truyền thống của vùng quê có 70% là người dân tộc Mường. Vì thế, về với An Phú du khách có những khoảnh khắc bình yên, đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên yên bình và hương thơm thanh khiết, nhẹ nhàng của những đầm sen rộng lớn, thưởng thức các đặc sản quê hương và tìm hiểu về bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc người Mường. Với việc tổ chức quy củ, thống nhất, du lịch, dịch vụ - lĩnh vực tuy mới phát triển tại xã An Phú - đã góp phần tạo thêm nguồn thu cho thôn, phục vụ cho việc đầu tư hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn.

Cùng với việc quảng bá hình ảnh mới của vùng đất chiêm trũng, người dân thôn Đức Dương đang mong muốn các sản phẩm từ sen theo đó cũng được tiếp thị rộng rãi hơn với người dân Thủ đô và cả nước. Hiện nay, đầu ra cho các sản phẩm từ cây hoa sen rất tốt nhưng việc tiêu thụ sản phẩm của bà con gặp nhiều khó khăn do thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm, đầu tư; việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn nhiều hạn chế. Bà con phần nhiều bán sản phẩm qua thương lái nên giá bán không cao. Đây là vấn đề được lãnh đạo xã trăn trở. Ông Lê Văn Thụy - Chủ tịch UBND xã cho biết, Đảng ủy, chính quyền xã vẫn đang nỗ lực tìm đầu ra cho các sản phẩm từ cây sen; đồng thời huy động các nguồn lực cải tạo hạ tầng, đường giao thông nội đồng phục vụ người dân sản xuất, tăng cường quảng bá để những đầm sen rộng lớn tại địa phương được du khách biết đến và tìm về nhiều hơn nữa.

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.