Thách thức trong hòa giải các vụ bạo lực gia đình

Chia sẻ

“Sau 6 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, cả nước đã thực hiện hòa giải trên 870.000 vụ việc. Trong đó, tỷ lệ hòa giải thành là 80%” - Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn pháp luật Nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải cơ sở tại Việt Nam diễn ra cuối tuần qua, do Bộ Tư pháp phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EU) tổ chức.

Diễn đàn pháp luật Nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải cơ sở tại Việt Nam tổ chức ngày 17/6Diễn đàn pháp luật Nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải cơ sở tại Việt Nam tổ chức ngày 17/6

Hà Nội có tỷ lệ hòa giải viên nữ cao trong cả nước

Kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực (năm 2013) đến nay, Việt Nam đã có gần 100.000 tổ hòa giải được thành lập với 600.000 hòa giải viên (HGV) hoạt động. Theo Luật Hòa giải ở cơ sở, bảo đảm bình đẳng giới (BĐG) được xác định là một trong những nguyên tắc tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Hơn 6 năm qua kể từ khi Luật này đi vào cuộc sống, vị trí, vai trò của nữ giới trong công tác hòa giải được củng cố và tăng cường. Hầu hết các tổ hòa giải đều có HGV là nữ. Hà Nội là nơi có số lượng cơ cấu HGV nữ chiếm tỷ lệ cao với 37,7%. Thực tiễn cho thấy, các HGV nữ đã góp phần tích cực trong hoạt động phòng, chống và hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em, người yếu thế trong xã hội.

Cũng từ khi có Luật Hòa giải ở cơ sở, mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” được TP Hà Nội triển khai thi hành từ năm 2003 đến nay càng được đón nhận trong cộng đồng dân cư. Một số đơn vị tích cực và đi đầu trong thực hiện mô hình này là các địa bàn: Tây Hồ, Long Biên, Gia Lâm, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm... Năm 2019, TP có 45,7% tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”, tỷ lệ hòa giải thành là 85,6%. 8/30 quận, huyện, thị xã có tỷ lệ Tổ hòa giải 5 tốt đạt 80% trở lên. Công tác hòa giải của TP đi vào nền nếp, bài bản, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân và chính quyền trong hòa giải ở cơ sở.

Làm sao để không “hy sinh quyền” của người phụ nữ?

Tại Diễn đàn, tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp), người có nhiều cống hiến cho thực hiện hoạt động BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đặt vấn đề: Mặc dù hòa giải ở nước ta phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, với tình hình kinh tế - xã hội nhưng nhìn từ góc độ BĐG, từ góc độ bảo vệ quyền con người và theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế thì hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình thường theo phương châm “chín bỏ làm mười”, chồng giận thì vợ bớt lời… Nạn nhân của BLGĐ phần lớn là phụ nữ và họ thường được khuyên là nếu chồng đang giận thì nên chạy trốn, hoặc im lặng chịu đựng thì mâu thuẫn sẽ lắng xuống. Thực ra, mâu thuẫn gia đình vẫn còn đó, và nếu câu chuyện không được giải quyết tận gốc thì có thể tái diễn và hậu quả nghiêm trọng hơn.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 4 năm từ 2014 - 2018, nước ta hòa giải đến gần 27.000 vụ liên quan đến BLGĐ, trong đó hòa giải thành là hơn 22.000 vụ. “Ai có thể đảm bảo rằng trong số hơn 22.000 vụ này, cách thức hòa giải đều đảm bảo đúng, đảm bảo bình đẳng giới”, TS Mai đặt câu hỏi.

TS Mai cũng cho biết thêm, khi được hỏi, các HGV cũng băn khoăn: “HGV biết là xảy ra xô xát thì phải đến để xoa dịu, khuyên can. Bên ngoài nhìn thấy mâu thuẫn đã lắng xuống, vợ chồng đã “xuôi xuôi” chứ họ cũng chưa rõ mâu thuẫn đã chấm dứt sau hòa giải hay chưa? Và sự hòa giải này nếu có thành công – cũng là thành công tương đối. Vì BLGĐ có nguồn cơn từ nhiều sự khúc mắc, mâu thuẫn mà người ngoài khó có thể hiểu rõ được, làm cho sự thành công của mỗi vụ hòa giải là không tuyệt đối”.

Một bất cập nữa, theo TS Mai là nhận thức chưa đầy đủ của HGV về mức độ hành vi BLGĐ đã vượt quá phạm vi hòa giải hay chưa. Luật Hòa giải ở cơ sở quy định HGV không được hòa giải những hành vi vi phạm hành chính hoặc hình sự (Điều 3). Tuy nhiên, BLGĐ với nhiều cách thức hoàn toàn có thể vi phạm hành chính, thậm chí là hình sự. Điều này, những người hòa giải ở cơ sở chưa chắc đã nắm rõ.

Hòa giải phải là công việc của xã hội, không phải ai cũng hòa giải được. Vì vậy, vai trò của Nhà nước là phải xác định được tiêu chuẩn của hòa giải viên, cách thức hòa giải, kết quả hòa giải thành cần trình tự, thủ tục như thế nào. Hòa giải ngày nay không phải là “vác tù và hàng tổng” mà cần sự hỗ trợ về chi phí, học hỏi và những điều kiện nhất định, trách nhiệm này thuộc về Bộ Tư pháp.

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, Luật này công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Điều này được cho là một bước tiến mới trong công tác hòa giải, thay vì như trước đây, việc tòa án không công nhận kết quả hòa giải không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải ngoài tòa án (Điều 419, Chương 33, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015), tức là dù có vi phạm pháp luật hay không, hòa giải thành vẫn được công nhận.

Theo TS Mai, có thêm cơ chế này của Tòa án là một thuận lợi cho tiến hành hòa giải ở cơ sở - nhất là với các vụ việc BLGĐ, là cơ hội để chị em phụ nữ được bảo vệ quyền lợi chính đáng. Tòa án một mặt hỗ trợ hòa giải, mặt khác thiết lập cơ chế để kiểm soát về pháp luật và đạo đức xã hội với những vụ hòa giải này.

QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.