Chung tay vì môi trường sống an toàn, hạnh phúc

Chia sẻ

“Chung tay hành động để phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em; Vì mái ấm không bạo lực; Vì môi trường sống an toàn, hạnh phúc cho phụ nữ, trẻ em”… Đó là những thông điệp ý nghĩa được đưa ra tại Diễn đàn “Phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em” do Hội LHPN Hà Nội tổ chức sáng ngày 20/6.

Ban cố vấn tham gia đối thoại tại Diễn đànBan cố vấn tham gia đối thoại tại Diễn đàn

Diễn đàn là hoạt động thiết thực thực hiện chủ đề “Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em” năm 2020, kỷ niệm 19 năm Ngày gia đình Việt Nam 28/6, hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”, “Tháng hành động vì trẻ em” (từ 01-30/6/2020).

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội khẳng định, một mái ấm gia đình bình an và hạnh phúc, thực sự là tổ ấm yêu thương, không có bạo lực là ước mơ đời thường nhất, nguyện vọng sâu xa nhất của mỗi chúng ta và là mối quan tâm chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập và phát triển hiện nay, bên cạnh những điều tốt đẹp, gia đình đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Báo cáo đánh giá 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (từ 2008-2018) của Sở Văn hóa và Thể thao TP cho thấy: toàn thành phố xảy ra 119 vụ trọng án liên quan đến bạo lực gia đình; 87.215 vụ ly hôn, trong đó có 19.520 vụ có yếu tố bạo lực về kinh tế, tinh thần, thể xác hoặc tình dục (chiếm 22,38% số vụ ly hôn). Báo cáo của TAND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em từ năm 2015 đến 30/6/2019 nêu thực trạng, trên địa bàn TP có 251 trẻ bị xâm hại (các hình thức phổ biến như bị bạo hành, bị xâm hại tình dục, bị mua bán...), trong đó 200 trẻ là nữ.

Là tổ chức chính trị-xã hội đại diện cho giới nữ, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em. Diễn đàn “Phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em” năm 2020 là hoạt động nhằm hướng tới vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em của Hội LHPN Hà Nội.

Lắng nghe để thấu hiểu

Trong phiên đối thoại thứ nhất, các em học sinh đã gửi lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể TP nhiều vấn đề liên quan tới tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em; giáo dục giới tính, sức khỏe vị thành niên; an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng…

Các em thiếu nhi Thủ đô thẳng thắn đối thoại về những băn khoăn, vướng mắctại Diễn đàn	Ảnh: Nguyễn ThựcCác em thiếu nhi Thủ đô thẳng thắn đối thoại về những băn khoăn, vướng mắc tại Diễn đàn (Ảnh: Nguyễn Thực). 

Em Nguyễn Quỳnh Anh (lớp 10A3, THPT Đại Mỗ, Nam Từ Liêm) làm “nóng” diễn đàn khi nêu vấn đề con cái bị cha mẹ gây áp lực học tập, nếu không đạt được sẽ bị mắng, đánh. TS Đào Thu Thủy, giảng viên khoa Khoa học xã hội và nhân văn, trường đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ với các em, đồng thời đưa ra thông điệp: “Học giỏi không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công và không phải đứa trẻ nào cũng học giỏi. Ngoài học văn hóa, các em còn cần được giáo dục kỹ năng sống. Vì thế, bố mẹ không nên gây áp lực cho con”. TS Thủy mong cha mẹ và các con có thể bình tĩnh ngồi lại để tìm được tiếng nói chung.

Trả lời băn khoăn của em Nguyễn Hoàng Nam (lớp 7A5, THCS Ngô Gia Tự) về nạn bạo lực học đường, theo đồng chí Lý Duy Xuân, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó có tác động của hình ảnh bạo lực, do nghiện trò chơi điện tử… “Chắc các em đã nghe tin về phạm nhân Triệu Quân Sự trốn trại, ăn cắp tiền để chơi games và bị bắt lại cũng trong quán games. Hay là sự việc đau lòng một học sinh lớp 11 ở Nghệ An chỉ vì muốn bắt chước games mà đưa bé trai 5 tuổi vào rừng rồi bỏ rơi em đến chết”. Đưa ra những dẫn chứng sinh động này, vị đại diện Thành Đoàn nhắc khéo các em thiếu nhi về tác hại của nghiện games và khẳng định, các cấp, ngành, tổ chức Hội, Thành Đoàn đang nỗ lực để tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho các em.

Câu hỏi của các em học sinh đã khiến đồng chí Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngạc nhiên chia sẻ: “Các em còn nhỏ nhưng đã quan tâm tới các vấn đề xã hội. Tại Diễn đàn, các em không chỉ là người lắng nghe mà ngược lại, còn giúp người lớn nhận ra nhiều thiếu sót trong quản lý giáo dục, chăm sóc các em”.

Đừng im lặng trước bạo lực

Trong phiên đối thoại thứ hai, đông đảo chị em phụ nữ đã đặt câu hỏi xoay quanh chủ đề “Để gia đình bình an và hạnh phúc”. Nhiều chị em chia sẻ bày tỏ sự băn khoăn về tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ trẻ em vẫn đang diễn ra dưới nhiều hình thức; đặc biệt, có một số nạn nhân của bạo lực, xâm hại còn e ngại, chưa dám tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH, hiện nay, chúng ta đang phải dần thay đổi một số quan niệm không còn phù hợp trong công tác bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em. Tại nhiều nơi, vẫn còn còn tình trạng chị em phụ nữ cam chịu bị bạo hành, coi vấn đề bạo hành là việc nội bộ của gia đình nên vợ chồng “đóng cửa” bảo nhau. “Vì thế, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền để chị em không nên im lặng mà hãy mạnh dạn lên tiếng chống lại bạo lực. Khi người mẹ thay đổi thì các con sẽ thay đổi”.

Tại diễn đàn, bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, đã cung cấp cho các hội viên phụ nữ các địa chỉ hữu ích để chị em phụ nữ khi bị xâm hại, bạo lực có thể tìm tới để được trợ giúp là: Chính quyền, công an, cán bộ hội phụ nữ địa phương; các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng do UBND, Hội LHPN đảm nhiệm; các nhà tạm lánh trên địa bàn; gọi tới các số điện thoại của cảnh sát phản ứng nhanh 113, đường dây nóng 1900969680; 0946833380 của Ngôi nhà bình yên, Hội LHPN Việt Nam; Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111; Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội, Sở LĐ-TB-XH (024)33525662.

Với vai trò Trưởng ban Cố vấn tại 2 phiên đối thoại, theo bà Lê Thị Thiên Hương, hoạt động đối thoại đã cho thấy một tín hiệu tích cực. Đó là các cán bộ, hội viên phụ nữ, các em học sinh đã có sự quan tâm, tìm hiểu cặn kẽ những vấn đề xã hội thiết thân. Không chỉ là đối tượng tiếp nhận các chính sách an sinh xã hội, được Nhà nước, các cấp, ngành, các tổ chức chăm lo, bảo vệ, các em học sinh, các cán bộ, hội viên phụ nữ đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tham gia chủ động, tích cực phát hiện các nguy cơ, đề xuất, kiến nghị các điều kiện cần có để xây dựng môi trường sống an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Vì một thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái

Tại Diễn đàn còn diễn ra hoạt động trưng bày tranh vẽ và mô hình “Xây dựng Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em” của Hội LHPN các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Đông Anh và Ứng Hòa… Các đơn vị đã cụ thể hóa mong ước của các em thiếu nhi về một thế giới an toàn với những ngôi nhà, trường học, chung cư, con đường đi học, nơi làm việc an toàn, thân thiện. Điều đặc biệt, tất cả các nguyên liệu xây dựng mô hình đều thân thiện với môi trường. Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho mô hình trưng bày của Hội LHPN quận Bắc Từ Liêm; giải Nhì thuộc về Hội LHPN quận Thanh Xuân, huyện Đông Anh; giải Ba cho Hội LHPN quận Đống Đa, Long Biên, huyện Ứng Hòa.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đang thực hiện nhiều hoạt động nhằm xây dựng “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em” như truyền thông, nâng cao nhận thức; xây dựng, ký kết và triển khai các Chương trình liên tịch giữa Hội Phụ nữ và các ngành: LĐTBXH, Công an, Toà án, Viện KSND, Tư pháp, Hội Luật gia...; thành lập mô hình tham gia tư vấn, giải quyết vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em, giám sát chính sách luật liên quan...

Trong chuỗi hoạt động này, có dự án “Thành phố An toàn và thân thiện với trẻ em gái” do Hội LHPN Hà Nội phối hợp với tổ chức quốc tế Plan International tại Việt Nam thực hiện. Đến nay, sau 6 năm, Dự án đã tiếp cận được tới 11.000 đối tượng hưởng lợi trực tiếp và 190.000 đối tượng hưởng lợi gián tiếp. Dự án đã thí điểm thành công tại hai xã tại huyện Đông Anh và với hệ thống xe buýt tại thành phố Hà Nội. Năm 2019, mô hình “thành phố an toàn” đã được nhân rộng ra tất cả 24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đông Anh, đồng thời mở rộng triển khai tới 5 quận huyện Thanh Xuân, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Long Biên và Ứng Hòa. Thành công của Dự án trong giai đoạn vừa qua đã được Chính phủ công nhận và đưa vào Chương trình Quốc gia về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2021.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Hội LHPN Hà Nội còn trao học bổng cho 50 em học sinh vượt khó học giỏi; trao giải cuộc thi “Tìm hiểu về dịch Covid-19 và những tác động đến phụ nữ, trẻ em”; trưng bày các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường và gia đình…

T.THANH - H.LAN

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.