Hoàn thành mục tiêu xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia: Cần giải pháp đồng bộ

Chia sẻ

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều cố gắng để hoàn thành mục tiêu xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn thành phố đã đạt tỷ lệ 71,6%, cao hơn so với Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 5-4-2012 của HĐND thành phố yêu cầu đạt 65%-70%. Thực tế lại có sự không đồng đều ở các cấp học, các địa phương với nhiều nguyên nhân.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, rất cần những giải pháp đồng bộ cả trước mắt và lâu dài cho vấn đề này.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố khảo sát cơ sở vật chất tại Trường Tiểu học Thủ Lệ (quận Ba Đình).Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố khảo sát cơ sở vật chất tại Trường Tiểu học Thủ Lệ (quận Ba Đình).

Chưa đồng đều ở các cấp học

Giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, đến tháng 5-2020, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố đạt 71,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia chưa đồng đều ở các cấp học, địa phương.

Đại biểu chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Hương cho biết, khối trường mầm non hiện khó khăn nhất, mới đạt 61,5%. Đáng lưu ý, tại quận Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm chưa có trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Một số quận, huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp như: Ba Đình (50%), Mỹ Đức (59%), Phú Xuyên (55,1%), Ba Vì (48,2%).

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) Nguyễn Thị Hương chia sẻ, mặc dù trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, song do nằm trên địa bàn có biến động dân cư lớn, học sinh tăng nhanh nên sĩ số trung bình hiện là 53 học sinh/lớp, vượt nhiều so với quy định.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến (thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội) nhận định, các trường khu vực nội thành thường thiếu diện tích sân chơi. Các trường ở ngoại thành thì thiếu phòng học, phòng bộ môn, thiết bị đồ dùng dạy học. “Nguyên nhân do dân số cơ học tăng nhanh, nhiều chủ đầu tư dự án khu đô thị mới không thực hiện cam kết xây trường học. Ngoài ra, việc huy động xã hội hóa còn khó khăn. Có doanh nghiệp hứa hỗ trợ nhưng khi khởi công xây trường vẫn chưa chuyển kinh phí. Trong khi đó, lại không có chế tài xử lý việc này”, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng, đối với các quận, việc mở rộng trường với giải pháp nâng tầng để tăng diện tích sử dụng cũng gặp khó khăn, bởi Bộ Xây dựng phải xem xét với từng dự án cụ thể. Cùng với đó, việc thẩm định hồ sơ xây dựng, hồ sơ phòng cháy, chữa cháy mất nhiều thời gian, dẫn đến chậm tiến độ các dự án xây dựng mới và sửa chữa trường học.

“Các quận thì thiếu đất, các huyện thì thiếu tiền cùng với nhiều quy trình thủ tục hành chính, dẫn đến chậm trễ trong xây dựng, cải tạo, sửa chữa trường học. Từ đó kéo theo tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố chưa như mong muốn”, ông Chử Xuân Dũng thông tin.

Cần có cơ chế, chính sách phù hợp

Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng (thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố), để bảo đảm chỉ tiêu xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia đồng đều ở các cấp học, đối với các quận nội đô như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng không còn quỹ đất, cần áp dụng giải pháp nâng tầng và lắp thang máy. Các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ cần kiến nghị sớm di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường để dành quỹ đất xây trường học.

Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Văn Thắng đề xuất, trước mắt, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố cần phân luồng tốt để học sinh sống ở đâu học ở đó, hạn chế học trái tuyến. Đồng thời rà soát tổng thể các trường được phép nâng tầng, đề xuất cơ chế đặc thù hoặc phân cấp về thủ tục để việc xây, sửa trường học của Hà Nội được thuận lợi hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố) cho rằng, cần đẩy mạnh việc kêu gọi xã hội hóa ở tất cả các cấp học và đầu tư xây dựng đạt chuẩn ngay từ đầu. Bởi hiện tại, việc thu hút nguồn lực này mới làm nhiều ở khối mầm non.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình cho biết, ngoài những giải pháp trên, các sở, ngành, quận, huyện cần đôn đốc chủ đầu tư các khu đô thị nghiêm túc xây dựng trường học như cam kết; tham mưu với UBND thành phố không giao dự án mới khi chưa hoàn thành việc xây trường học ở dự án đã triển khai.

“Đối với khu vực ngoại thành, ngoài việc UBND các huyện bố trí vốn xây dựng trường theo thứ tự ưu tiên, thì UBND thành phố cần rà soát tổng thể, từ đó kiến nghị với HĐND thành phố những cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia các cấp học”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Được biết, Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BXD về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. Theo đó, các trường phổ thông được xây dựng tối đa 5 tầng. Đây sẽ là cơ sở quan trọng giúp các trường học ở nội thành Hà Nội nâng tầng, giải quyết tình trạng thiếu lớp, quá tải học sinh như hiện nay.

VIỆT TUẤN/HNM

Theo http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/970828/hoan-thanh-muc-tieu-xay-dung-truong-cong-lap-dat-chuan-quoc-gia-can-giai-phap-dong-bo

Tin cùng chuyên mục

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…
Tăng tốc học thi

Tăng tốc học thi

(PNTĐ) - Xưa nay, thi cử được xem là thước đo đánh giá mức độ hiểu biết cũng như khả năng nhận thức của mỗi người đối với các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Những áp lực trong giai đoạn thi cử là tình trạng chung của hầu hết các sĩ tử và người thân.
Quận Ba Đình đạt thành tích xuất sắc trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi Thành phố cấp Tiểu học năm học 2023-2024

Quận Ba Đình đạt thành tích xuất sắc trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi Thành phố cấp Tiểu học năm học 2023-2024

(PNTĐ) - Sáng ngày 11/4, tại Hội nghị tổng kết Hội thi "Giáo viên dạy giỏi Thành phố cấp Tiểu học năm học 2023-2024" của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đã được tặng giấy khen tập thể xuất sắc trong công tác chỉ đạo Hội thi; 5/5 giáo viên của quận tham dự cấp Thành phố đều đạt giải với 2 giải Nhất và 3 giải Nhì.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 11/4/2024 thành lập Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029. Theo Quyết định này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029.