Tìm thấy hạnh phúc...

Chia sẻ

Mỗi ngày trước khi lên giường ngủ, Trâm đều có thói quen ghi thu chi trong ngày vào quyển sổ, rồi báo cho chồng biết. Thường thì sau đó cô luôn ngao ngán, vì số tiền vơi đi nhiều hơn kiếm về. Phòng ngủ - nơi riêng tư và đáng ra phải chứa chan ngọt ngào, thì với vợ chồng Trâm – nó ngột ngạt hơn hẳn vì nỗi lo kinh tế.

Trâm cũng chẳng hề muốn mình là người vợ chỉ biết càu nhàu vì kinh tế gia đình eo hẹp. Nhưng muôn vàn kiểu chi tiêu trong khi lương của cả hai chỉ ở mức trung bình khiến cô rất áp lực. Lắm khi, suy nghĩ của cô còn tăm tối tới mức, mường tượng ra cảnh hai vợ chồng bị cuộc sống khắc nghiệt này “đè bẹp” vì thiếu tiền.

“Tình cảm thì sau này về sống chung có thể bù đắp được, chứ tiền bạc mà ngay từ đầu đã yếu kém khó khăn thì dù tình cảm nhiều bao nhiêu cũng sẽ cạn thôi”, Trâm vẫn luôn gieo vào đầu lũ bạn chưa chồng cảnh khổ của chính mình như thế.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Quả thật, túp lều tranh và hai trái tim vàng đã không thể tồn tại mãi mãi theo thời gian được nữa. Hiện thực cuộc sống vô cùng khắc nghiệt, bước chân vào cánh cửa hôn nhân còn khắc nghiệt hơn rất nhiều. Nhưng tình yêu của những người phụ nữ sau khi lập gia đình rõ ràng là cần nhiều sự thiết thực hơn so với thuở mười tám, đôi mươi. Với Trâm – đó là toát mồ hôi với đống hoá đơn tiền điện, nước, mạng cần thanh toán mỗi tháng; Là tiền học, tiền ăn uống, bỉm sữa của các con; Là hầm bà lằng đủ thứ khoản chi không tên, đối nội - đối ngoại mà không có là không được.

Ngược lại, trong mắt Trâm, Quân có vẻ như chả lo nghĩ gì tiền mình kiếm là nhiều hay ít. “Tiền chỉ có từng ấy thôi đấy, em chi tiêu sao thì chi tiêu, đừng có hết lại bảo anh, anh chịu. Đầu tháng tiêu hoang thì cuối tháng hết tiền, thế thôi. Tháng này tiêu nhiều thì tháng sau phải có ý thức tiêu ít đi. Những khoản vô bổ, không đáng thì bỏ. Hai đứa mình lấy nhau rồi, hình thức mà làm gì nữa?”.

“Khoản vô bổ, không đáng” mà Quân nhắc đến ấy là những gì Trâm muốn làm để thi thoảng hâm nóng tình yêu của hai vợ chồng. Là thi thoảng được đi ăn hàng, được mua mỹ phẩm, được làm tóc, mua sắm chiếc váy, bộ quần áo ngủ gợi cảm, hay cùng nhau đi chơi xa... Nhắc lại buồn, bởi trước khi lấy nhau, Quân là người đàn ông rất ga lăng. Dù chỉ có học thức tầm trung, nhưng Quân lại có vẻ ngoài đẹp trai và hiểu tâm lý phụ nữ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bây giờ, chỉ có những bữa cơm là nóng sốt. Còn tất cả cảm xúc đáng phải nồng nhiệt, nóng bỏng, thì lạnh hơn cả tiền. Mỗi đêm, nằm cạnh nhau mà Quân quay lưng về phía vợ ngáy khò khò như chẳng có chuyện gì nữa. Càng vậy, Trâm càng thấy nỗi uất ức dường như dâng lên tận cuống họng. Họ cứ “đồng sàng dị mộng” như vậy, cộng thêm Trâm cứ trăn trở mãi về nỗi lo cơm áo gạo tiền, chuyện vợ chồng dần nhạt nhẽo, đi theo lối mòn, có khi chỉ là làm cho có. Quân thì còn bận ngủ, Trâm thì cứ lởn vởn suy nghĩ ngày mai ăn gì, tiêu gì cho vừa ví, nên có 5 phút, 10 phút hay bao nhiêu lâu thì với họ cũng chẳng sao... Vì điều duy nhất Trâm muốn, là được chồng xuất... nhiều tiền!

Cái cám cảnh ấy cứ đeo bám Trâm mãi. Cô hay nghĩ tới những chị bạn đồng nghiệp ở công ty, những người bạn đồng trang lứa... và so sánh cuộc sống của họ hình như tươi đẹp và sáng sủa hơn mình nhiều. Người thì được chồng đưa đi đón về, “mưa không tới mặt, nắng không tới đầu”, cơm nước cũng chẳng phải xắn tay lên hối hả nấu phục vụ chồng con. Người thì đổi mốt liên tục, nay túi hiệu này, mai đôi giày hãng khác, mỗi ngày một “cây” hoàn toàn mới là chuyện bình thường. Rồi có người hình như chỉ đi làm cho vui, luôn ước ao mình có thật nhiều ngày phép vì chồng hay đưa đi du lịch lắm, mà toàn chỗ sang chảnh... Trâm hay ngẫm, sao số mình… nhọ thế này!

Dạo gần đây, dịch Covid-19 đã bớt nguy hiểm nhưng lương của cả hai vợ chồng vẫn bị giảm. Đã co kéo chuyện chi tiêu tới mức tối đa rồi mà giờ thu nhập còn bị bớt thì biết co vào đâu? Cực chẳng đã, Trâm buộc phải tiêu đến tiền tiết kiệm. Cô càng ảo não, nét mặt xanh xao và già đi. Trong các khoản cắt giảm, Trâm cũng miễn luôn chuyện vợ chồng. Quân sau nhiều lần bị vợ từ chối, hoặc đồng ý nhưng “phối hợp” qua quýt, thì anh cũng mặc kệ cô. Một đêm, ức không chịu nổi, Trâm òa khóc khiến chồng giật mình. Anh gắt cô, thì cô càng khóc to hơn, trách chồng không biết lo toan, không chịu hiểu vợ, không còn như ngày xưa. Quân nghe được thì càng nổi nóng, mắng vợ chỉ biết đến tiền, lúc nào về nhà cũng thấy càu nhàu. “Vợ phải vui vẻ, nhẹ nhàng thì chồng mới thấy yêu, thấy muốn lo toan cho gia đình được chứ”, Quân gắt.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sau hôm òa khóc dữ dội thay vì khóc thầm ấy, Trâm “chiến tranh lạnh” với chồng. Cô quá buồn, quá thất vọng vì chồng không hiểu mình lấy một góc. Tiêu cực hơn, cô còn nghĩ đến chuyện ly hôn. Cũng từ dạo ấy, Quân về nhà muộn hơn hẳn. Anh cũng chỉ ăn cơm rồi tắm rửa, đi ngủ, không nói chuyện với vợ. Trâm càng “điên” hơn, cô không thể sống mãi trong cám cảnh này được nữa! Hôm ấy là cuối tháng, Trâm chuẩn bị đưa các con ra ngoài ăn một bữa thịnh soạn cho bõ công bao ngày chắt bóp, thì Quân mang một thùng hải sản to về, dặn vợ nấu thành nhiều món. Quân vui, lâu lắm anh mới cười nhiều như vậy. Tối muộn, anh đưa cho vợ một phong bì dày, “đây là tiền anh kiếm thêm được, đưa em lo cho các con”. Nằm xuống giường là Quân ngủ ngay, có lẽ đã mệt lắm vì nhoài người làm việc cả ngày rồi.

Tự nhiên, Trâm mới thấy mình là người chưa hiểu và thông cảm cho chồng. Để giữ gìn một tổ ấm, không thể trút hết tất cả trách nhiệm lên người chồng. Có thể, ngày xưa chọn lấy Quân, Trâm vẫn còn sự bồng bột ít nhiều của tuổi trẻ dại khờ. Nhưng, khi đã quyết định cùng chung sống lâu dài, cùng yêu thương, chăm sóc các con, Trâm biết mình cũng cần phải gánh vác một nửa. Lấy Quân, rõ ràng, Trâm đã có được hai đứa con ngoan, khỏe mạnh, ít nhất thì chồng cô cũng không ham mê cờ bạc để rồi phụ bạc gia đình… Còn Trâm thì cứ mê mải so sánh anh với những người chồng khác.

Thôi, mình phải bằng lòng với hoàn cảnh và cùng nhau vượt khó, Trâm tự nhủ. Từ nay, Trâm sẽ cố gắng chi tiêu hợp lý hơn để Quân không phải chịu quá nhiều áp lực cơm áo gạo tiền mà Trâm đặt lên vai anh.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.