Hạnh phúc khi lần đầu được mẹ chồng gọi là “con”

Chia sẻ

Nhìn kim đồng hồ đã 11 giờ, chị Hậu nhanh nhanh nấu nốt bữa cơm trưa, đun thuốc cho mẹ chồng, rồi lại phải đi đón con và cháu không để nó chờ lâu… Cứ tất bật như vậy cũng hết ngày, hết buổi. Những công việc chẳng ra tiền, nhưng chị Hậu vẫn cần mẫn, không hề than vãn suốt bao năm…!

Hai lần sinh mổ, hai lần mổ u, việc nhà thì nhiều, nhưng ơn trời, chị vẫn khỏe, béo tốt, chẳng mấy khi đau ốm. Có lẽ vì vậy mà từ nhỏ, cái tên “Hậu Trâu” đã theo chị đến tận bây giờ, rồi khi làm dâu con nhà bà Thư, chị càng khỏe, to béo hơn, chắc tại “hợp nước, hợp đất”.

Bà Thư mấy năm nay bị bệnh đau thần kinh tọa, không đi lại được, nên thường nằm một chỗ, lúc bớt đau thì xem ti vi, chơi với cháu được vài phút. Nhìn con dâu tất bật công việc nhà, những việc không tên, bao năm mà không một lời ca thán, bà lại nhớ chuyện ngày xưa…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

18 năm trước, con trai bà dẫn Hậu về ra mắt, buổi gặp gỡ đầu tiên, bà Thư đã phản đối kịch liệt. Con trai bà là lái xe taxi nên lúc nào cũng bảnh bao, còn Hậu chỉ là một cô gái quê ở tỉnh lẻ xuống Hà Nội làm công nhân may. Đặc biệt, mà điều bà không đồng ý nhất là Hậu còn hơn con trai bà 2 tuổi, to béo, nhìn đã thấy lệch hơn con bà nhiều, nhưng không hiểu sao thằng con bà lại chết mê, chết mệt. Bà còn nhớ lần đó, con trai bảo bà đi chợ mua thức ăn để đãi con dâu tương lai, bà ra chợ chọn con cá trôi nhỏ nhất về quẳng ở sân cho Hậu muốn làm gì thì làm. Ấy thế mà bữa cơm cũng ngon ngọt, đẹp mắt đến lạ thường, nhưng bà chẳng thèm chạm đũa. Thấy mẹ không ưng nàng dâu tương lại, con trai bà một mực thuyết phục: Hậu hơn tuổi con thì càng chiều chồng, to béo khỏe mạnh thì đỡ mất tiền thuốc… Đáp lại lời con trai, bà Thư chỉ buông lời: Ngữ đấy chỉ biết ăn với đẻ, chứ làm gì nên hồn, rồi vào phòng khóa trái cửa…

Trời không chịu đất, thì đất phải chịu trời. Mặc dù bà Thư không đồng ý, nhưng vì thương con trai bà cũng cho tổ chức đám cưới. Nhưng, lúc đón dâu về bà nhất quyết không ra bàn nói chuyện với nhà gái. Mọi người đành phải nói, bà Thư bị tụt huyết áp. Cưới xong, vợ chồng Hậu lên Hà Nội thuê trọ. Vài năm sau, nhờ chắt chiu, chịu khó và vay mượn thêm, vợ chồng, Hậu cũng mua được căn nhà nhỏ ven Hà Nội. Tuy nhiên, chưa bao giờ bà Thư biết nói ngọt với con dâu, mà đi đâu cũng kể công đó là do con trai bà làm nên. Rồi khi lần lượt 2 cháu gái ra đời, bà Thư càng chán và thường trách con dâu không biết đẻ, thậm chí còn xúi con trai mình cứ mang thằng cu về bà nuôi.

Ngần ấy năm, mỗi lần bà lên chơi nhà con trai cũng chỉ 1-2 ngày, rồi lại về quê. Tuy nhiên, 4 năm nay thì bà Thư đành phải ở hẳn với vợ chồng Hậu, do vợ chồng con trai lớn của bà lên Cao Bằng làm ăn, gửi mẹ già và 2 đứa con cho vợ chồng Hậu chăm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thấy mẹ chồng không ưa mình, giờ lại sống chung trong căn nhà nhỏ với hai đứa cháu đang tuổi lớn, nhưng Hậu vốn ít nói, nên ít khi mâu thuẫn cãi cọ, chỉ có bà Thư cứ nhìn thấy Hậu là như gai trong mắt. Hàng xóm nhà vợ chồng Hậu có cô khá đảm, vừa làm giám đốc công ty, vừa đưa đón con cái đi học, cơm nước, bà Thư rất ngưỡng mộ. Mỗi lần thấy cô hàng xóm dắt xe đi làm, bà lại mắng Hậu: Nhìn người ta nhanh nhẹn, giỏi thế kia, đằng này cô cứ chậm như cua bò, không hiểu có cơm mà ăn không, tất cả chỉ khổ con trai tôi thôi…”, Hậu chỉ biết im lặng!

Một hôm bà Thư gọi hai vợ chồng Hậu ra bảo: Thời tôi sinh được hai thằng con trai, giờ đến đời các con lại không có đứa con trai nào, người ta sẽ bảo nhà vô phúc. Mặc dù vợ chồng Hậu giải thích nhiều cho mẹ hiểu, rằng thời nay chỉ cần con cái chăm ngoan, có hiếu với cha mẹ, không cần phải con trai, rằng Hậu 2 lần sinh mổ sẽ khó khăn… nhưng bà không chịu nghe …

Chồng Hậu thấy vậy, cũng có hơi ngả nghiêng. Nhưng Hậu kiên quyết, phân tích cho chồng hiểu, không nên tiếp tục sinh nữa. Giờ là lúc hai vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, lo tích lũy kinh tế, tập trung nuôi con, không phải sợ thiên hạ dị nghị. Chỉ cần chồng Hậu thấy ổn là mọi việc sẽ ổn. Cuối cùng, chồng Hậu đã vui vẻ đồng ý.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thấy con dâu không đáp ứng yêu cầu của mình, bà Thư càng bực dọc. Bà luôn than thở Hậu không kiếm ra tiền, mọi gánh nặng đều đè lên con trai bà. Bà chưa bao giờ nhìn thấy những việc Hậu làm như: Cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, đưa đón học tập cho 2 đứa con, 2 đứa cháu, rồi chăm mẹ già ốm đau…

Hậu biết chồng vất vả về kinh tế, đi sớm, về muộn, nên những chuyện việc nhà, con cái, không bao giờ cô than vãn, kể cho chồng nghe. Cô chỉ mong làm tốt thiên chức dâu con, vợ đảm trong nhà, nhìn thấy con cháu vui vẻ là cảm thấy mình tròn trách nhiệm. Ai đến nhà, đều khâm phục cô chịu nhịn tốt, còn cô luôn nghĩ mình không làm ra tiền, được như vậy là tốt…

Những tháng ngày cơm cơm, nước nước, quần áo, giặt giũ, nhà cửa cứ thế trôi đi, Hậu vốn dĩ to béo, càng trở thành xấu hơn, cô không được mẹ cảm thông mà chỉ nhận được những cái lắc đầu của mẹ chồng. Một ngày mùa đông nọ, chân bà Thư sưng, bác sĩ nói bị tràn dịch, bà phải đi hút dịch, uống thuốc, châm cứu, điều trị cả tháng trong bệnh viện. Hai đứa con trai của bà bận chỉ đến viện được thoáng qua lại phải đi làm, con dâu cả làm giáo viên, tranh thủ về thăm mẹ được 2 ngày, dúi cho bà 500 nghìn đồng. Còn Hậu, cô không có tiền cho bà, nhưng ngày ngày vào viện 3 lần, tối đến giục chồng về ngủ với con để mai đi làm, còn mình nâng giấc cho mẹ. Việc gì cô cũng làm, không ngại vất, ngại bẩn. Lúc này bà Thư mới cảm nhận mình cần Hậu, mới cảm nhận bao năm mình không ưa cô con dâu này, nhưng giờ nó là đứa quan tâm đến mình một cách vô điều kiện nhất.

Nắm tay Hậu, nhìn mắt con dâu, bà lưng chừng: “Con vất vả nhiều”! Hậu ngạc nhiên, bởi đây là lần đầu tiên bà Thư xưng từ “con” với mình, trước kia bà thường xưng là “cô”, như một cô hàng xóm xa lạ. Nhìn ánh mắt yêu thương của Hậu, bà Thư như cảm thấy tình thương của một người con gái dành cho mình mà bao lâu bà không cảm nhận được!

PHẠM HẰNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.