Cánh hoa bay tự biết lối về

Chia sẻ

“Trên này chỉ hai mùa, mùa mưa trời đất xầm xì không ngớt, mùa còn lại chúng tôi gọi mùa sương. Sương cứ mịt mùng sớm tối, lạnh ẩm thun thút thịt da.

Tháng một lần, anh em dưới đồn sẽ lên đây ăn chung bữa cơm. Bà con đồng bào, giáo viên, cán bộ ghé chợ chơi, gặp bữa đều ăn cùng. Nhìn chị, biết ngay lên đây lần đầu”. Một chiến sĩ trên trạm biên phòng vùng biên giới giải thích khi thấy tôi lúng túng kéo khăn trùm kín đầu. Cạnh bộ đội có vài cô giáo, cán bộ văn hóa trẻ. “Cách nhau chỉ vài chục cây số nhưng xuống đến đồn và bản, khí hậu dễ thở hơn”, một cô gái quay sang nói nhỏ với tôi.

Gần trưa bếp được nhóm lên, sương mỗi lúc thêm mờ mịt. Mọi người đều ngồi trên những chiếc ghế gỗ con con. Khung cảnh khiến tôi liên tưởng tới ngày ở quê vẫn quây quần vừa thổi lửa nấu cơm, vừa vùi khoai sắn hay nhặt từng hạt thóc nổ lép bép thành bỏng trắng tựa hoa ngâu. “Rửa thêm tí rau thơm đi”, “Nấm chừng này chưa đủ”, “Tiện tay nướng luôn vài quả ớt, nhớ để lại chút ớt tươi”… Đến giờ khắc ấy, tôi cam đoan rằng mình chưa từng dự một bếp ăn nào nồng nã, sinh động thế. Đến những quả ớt bóng bẩy nửa xanh nửa đỏ cũng được chế biến nhiều cách: Quả nướng trên than hồng, quả cắt xéo thả mắm nguyên chất, quả dầm nát quyện muối trắng, tiêu đen...

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

***

“Tôi nghĩ, chúng ta từng gặp nhau, hơn mười năm trước…”. Nghe tôi nói, đồn trưởng Dũng chỉ khẽ cười, thận trọng rót trà, thái độ lịch thiệp. Có lẽ, anh nghĩ không thể nào. Chúng tôi mới chỉ gặp nhau cách đó ít giờ đồng hồ, trong tình huống thật oái oăm. Giữa đêm, trên rẻo đường rừng cách đồn biên phòng vùng cực Tây Tổ quốc hơn ba mươi cây số, anh và các chiến sĩ phải kéo tôi lên từ thảm cây bụi dọc miệng vực.

“Người của đồn đón nhà báo tại điểm Pắc Ma tên là Chớ, số điện thoại…”, nội dung tin nhắn anh Dũng gửi tôi trước đó. Điểm gặp là quán tạp hóa nhỏ trưng biển viết tay “có sim thẻ”. “Chị lên xe đi”. Người tài xế ăn vận như dân thường, tôi ngồi sau chiếc xe máy, lỉnh kỉnh đồ đạc. Đúng đêm rằm, ánh trăng hòa vào sương như tráng một lớp mỡ gà loang loáng khắp cành lá, cỏ cây ven đường. Chúng tôi như đi trên một sợi chỉ mỏng manh lắt léo, liên tục cua tay áo, bên này là vực sâu, bên kia đá dựng. Lâu lâu, một vài chuyến xe đêm vụt qua, rọi đèn rú còi inh ỏi. “Đường vắng quá!”, “Các đồng chí thật vất vả!”, tôi mở lời bắt chuyện. Đáp lại, chỉ tiếng gió, ánh trăng lòe nhòe sau vai.

Địa bàn này cách đây chưa lâu xảy ra vụ án kinh hoàng. Một cán bộ nhận tiền lương cho cơ quan, mang đi phân phát, bị kẻ xấu theo dõi, truy sát hòng cướp của. Người ấy bỏ lại chiếc túi, nhảy xuống vực, chấp nhận hứng trọn cái chết, vậy mà những kẻ xấu vẫn lao xuống, ám sát cho chết hẳn. Câu chuyện quẩn vào ý nghĩ tôi lúc chiếc xe tay côn khật khừ băng hết con dốc này đến khúc cua kia trong im lặng. Ở nơi heo hút, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Tôi rút điện thoại gọi vào số điện thoại người đón mình mà chỉ huy đồn cung cấp. “Thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được…”.

Xe đang chạy bỗng khựng lại. “Xe làm sao thế, đồng chí?”. Hỏi ba lần, tôi không nhận được gì ngoài sự im lặng. Người chở tôi chậm rãi tháo mũ bảo hiểm, dựng chân chống xe, quay lại đối thoại bằng một nụ cười và ánh mắt khó bề cắt nghĩa. “Anh định làm gì? Tôi sẽ gọi điện về chỉ huy đơn vị!”. Giọng tôi, một mệnh lệnh yếu ớt. “Chị gọi thoải mái, đồn cách đây hơn ba mươi cây số!”. Bóng đêm khỏa lấp mọi ý nghĩ, tôi bỏ chạy thục mạng.

“Số điện thoại đồng chí cung cấp không liên lạc được. Nhiều khả năng tôi đã nhận nhầm người của đồn”. Tôi vừa chạy, gọi điện, bấm đèn pin điện thoại soi. Đỉnh điểm hoang mang, thấy toàn thân nặng như đeo đá, tôi bỏ chiếc áo khoác trên đường, vừa trượt xuống phía vực, vừa cố sức bám mình vào cây bụi. Thông tin cuối cùng gửi đến anh Dũng, tôi nhắc về dấu mốc là chiếc áo.

***

Tiếng muông thú, côn trùng quyện đặc, khi hun hút, lúc cận kề. Rừng đêm không yên tĩnh như tôi vốn nghĩ. Nước mắt trượt trên má tôi nóng hổi. Tiếng động cơ xe máy chợt ù ì, ban đầu cách xa sau sát mặt đường nơi tôi vừa nhảy xuống.

“Chị ơi!”, giọng người ban nãy. “Chị ra đây, nếu không tôi bỏ hết đồ đạc của chị”… Đèn xe máy bật sáng, quét khắp lượt tìm người. Ý nghĩ tôi lại hiện lên câu chuyện tràn về người đàn ông xấu số nhảy xuống vực vẫn bị truy sát. Lúc sau, không gian yên tĩnh trở lại. Mở điện thoại, nhiều cuộc gọi nhỡ từ đồn biên phòng kèm tin nhắn: “Chúng tôi đang trên đường đi đón chị, hãy cố chờ và an tâm, tin tưởng”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hồi lâu, luồng sáng rọi khắp, còi ô tô gấp gáp. Bộ đội gọi tên tôi. Tim tôi như vỡ ra, ấm nóng. Càng cố bám cây bụi ngoi lên, tôi càng trượt sâu. Những bàn tay rắn chắc kịp thời kéo đỡ. Mở mắt ra, nước mắt khô căng má, mặt trăng chênh chếch chiếu qua cửa kính giúp tôi nhìn rõ màu áo xanh, những ngôi sao lấp lánh trên vai những người lính.

“Đồng chí ấy là đại úy, người dân tộc Mông, từ sáng đã xung phong đi đón chị. Xe chết máy giữa đường vì đồng chí không quen xe, mượn xe đẹp thể hiện lòng mến khách. Lại thêm khấp khởi, hồi hộp lên đường đến quên điện thoại, để ở đơn vị hết sạch pin”, có giọng nói giải thích, trấn an tôi.

“Hỏi ra, lúc xe chết máy, chị nói gì nhanh quá đồng chí chưa kịp hiểu, đành cười trừ. Chị bảo gọi về đồn, cậu ta lại nghĩ chị gọi báo cáo tình hình nên động viên gọi thoải mái”; “Áo khoác của chị cậu Chớ gửi lại chúng tôi. Lúc quay lại tìm người, cậu ấy vừa gọi chị vừa phủi sạch bụi. Không thuyết phục nổi đành báo cáo sự việc để chúng tôi giải quyết và về đồn trước rồi”. Những giọng nói ấm áp khác cất lên. Bấy giờ, tôi mới đủ tỉnh táo nhận ra cơ thể mình đang ấm dần lên, sưởi ấm tôi là màu xanh áo lính.

***

Nửa đêm, xe tới đồn biên phòng. Tôi được hướng dẫn đến phòng thay đồ, tắm gội trước khi xuống nhà ăn. Những mâm cơm đón khách vẫn còn nguyên được nhà bếp làm nóng lại. Những hàng người mặc quân phục xanh nghiêm ngắn đón chào khách bằng nụ cười thú vị. Nhưng ở một góc căn phòng, tấm lưng gầy im như tượng khiến ánh mắt tôi khựng lại. Đó là người vừa đón hụt tôi. Ai cũng tránh khoảnh khắc ấy, chưa vội nói chuyện với đồng đội sau tình huống oái oăm. Tôi đề nghị được chuyện trò, xin lỗi chàng lính trẻ. Ngước nhìn ánh mắt đọng nước của tôi với lời xin lỗi chân thành, Chớ nở nụ cười xuê xoa, tay đưa gãi gãi mái đầu lướt mướt sương khuya, bụi bặm: “Toàn anh em ta cả mà!”. Qua một đêm đầy nỗi bi hài, sáng mai, tôi được đồn biên phòng mời lên thăm trạm trực biên giới.

***

“Đúng là chúng ta từng gặp nhau!”. Anh Dũng giọng bối rối vồi vội như sợ không nói ngay tôi sẽ tự ái bởi thái độ khoảng cách hôm qua. Ngày ấy, anh đã trong quân ngũ, chưa lập gia đình, chưa lên biên giới. Cô bạn thân của tôi và Hạnh có ý mai mối nàng cho bạn của anh trai mình là anh Dũng. Sau những nghi thức chào hỏi, nhắn gửi xã giao, anh mời nàng tới nhà chơi. Hạnh không đi một mình, rủ thêm tôi - cái đuôi tíu tít. Buổi ấy, Hà Nội ẩm nồm. Người lính độc thân nhờ chúng tôi đi chợ làm cơm, tự nhiên như cách giao việc cho mấy cô em gái. Nhưng sau đận ấy, hai nửa được ghép đôi không liên lạc lại với nhau, chúng tôi tuyệt nhiên quên bẵng câu chuyện suốt mười năm sau đó. Một nửa suýt ghép đôi cho bạn tôi giờ đã có gia đình hạnh phúc. Vợ giáo viên dưới xuôi, chồng bộ đội miền ngược. Chúng tôi không tin nổi sẽ gặp lại nhau giữa miền biên ải.

Trong bếp, ngoại trừ tôi, bốn cô gái còn lại chưa chồng. Hai cô từ xuôi lên công tác, hai cô ở tỉnh bên về. Họ đều là những cô em gái anh Dũng nhắc tới. Tôi là cái cớ để anh ríu ran chuyện về Hà Nội ngày ấy, bây giờ. Chuyện có thêm người vợ hiền, hai đứa con nhỏ lâu lâu chưa thấy bố về nhà. Bỗng tôi gặp bốn cặp mắt ướt buồn len lén nhìn mình. Chúng tôi đủ nhạy cảm nhận ra chuyện riêng cần dừng lại. Ở rẻo đất biên cương này, bộ đội không chỉ thuộc về một thứ tình riêng hay một gia đình nhỏ bé.

***

Anh Dũng và Chớ đi bên tôi, trên con đường quanh co dốc. Một tán cây cổ thụ sừng sững đằng Đông. Dân bản nói, đó là cây lâu đời nhất rừng thiêng, nơi diễn ra mọi lễ nghi của đồng bào Hà Nhì cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng no ấm. Dù là mầm cây vừa nhú, thân cỏ yếu mềm hay gốc gác nghìn năm mục ruỗng cũng bất khả xâm phạm. Chẳng có mệnh lệnh nào, là con người tự nguyện tuân theo. Chúng tôi đứng trên mỏm núi vắng hiu, mây chiều từ lòng thung lũng dâng lên cuồn cuộn. Phút chốc, người hòa vào núi, núi đổ bóng người. Rồi những tiếng cười rúc rích vang lên. Là những cô gái hôm nọ trên trạm. Họ tươi tắn, reo vui như chưa từng gợn lên hờn trách, trên tay nào măng rừng, thảo dược gửi tôi về xuôi.

“Chị ạ! Đàn bà con gái không được vào rừng thiêng, chỉ đứng xa nhìn… Anh Dũng kể, chị còn là nhà thơ, chị đọc tặng chúng em đi!”. Cô gái đứng cạnh Chớ nháy mắt tinh nghịch, từng đốm tàn nhang trên gò má nhấp nháy theo. Và tôi khẽ cất lời: “Người có thể quên nhau/ Nhưng đất là máu xương nước mắt/ Người có thể hận thù hờn trách/ Rừng vẫn đầy bao dung/ Em cứ mở lòng mình rồi sẽ thấy/ Cánh hoa bay tự biết lối về…”.

MAI CHÂU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.