Mảnh vườn của mẹ

Chia sẻ

Ở quê, mẹ chồng tôi có mảnh vườn nho nhỏ trồng được cả ngô khoai, đỗ đen, bí đỏ, bí xanh chưa kể bao nhiêu rau gia vị là xương sông, tía tô, kinh giới... mỗi lần hái đều thơm ngát lòng tay.

Bố chồng tôi mất đã vài năm, căn nhà bỏ không và mẹ sang ở cùng gia đình anh cả. Thế nhưng, bà tha thiết mãi với mảnh vườn. Bà tin rằng hễ khi nào cây lên xanh tốt, đơm hoa kết trái thể nào con cháu cũng về. Rồi công việc, cuộc sống cuốn đám con cháu của mẹ đi biền biệt, mỗi năm chỉ về được đôi lần. Mẹ bắt đầu hành trình gửi quà quê lên phố.

Mỗi chuyến rau quả từ quê lên là biết bao nhiêu công sức. Nhìn những mớ rau cỏn con mẹ hái vừa vặn cho một bữa ăn, không phiền con cháu phải nhặt lại đủ biết bà nâng niu đến mức nào. Đôi khi, ngồi bần thần trước sắc màu non xanh mơn mởn ấy, tôi lại nhớ đôi bàn tay có ngón tay cái và tay trỏ của mẹ chồng bốn mùa bện nhựa, từ ngày này qua ngày khác, mùa hè cũng như mùa đông. Bà vẫn hay phân bua rằng con cháu ở nhà cứ “xúi” bà cầm liềm, cầm dao mà vạt cả mớ rau cho nhanh nhưng “mẹ thấy như thế thì tội lắm!”. Thì ra bà thương cả những ngọn rau tưởng chừng vô tri. Bà vừa hái rau vừa thủ thỉ, dùng tay ngắt nhẹ, lựa ăn đến đoạn nào thì ngắt đoạn ấy thôi. Mẹ chồng tôi rất sợ mùi nhựa ứa ra, hăng nồng sực lên giữa khu vườn trống trải.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Một năm vài lần về quê, trước mắt tôi vẫn là dáng mẹ lụi cụi trong gian bếp ngun ngún rạ rơm hoặc lom khom ra vườn chỉ cho mấy đứa cháu phố xá cao ngỏng ngơ biết đây cây gì, kia con gì. Ngoài hiên bếp, lúc nào cũng lúc lỉu những chùm ớt khô, hành tỏi, bồ kết… và bên trong, ngoài những vại dưa cà, thể nào cũng là một âu tóp mỡ. Tôi hay đùa: “Nhà giàu đầy âu tóp mỡ”. Thế là bà cười mủm mỉm gật đầu: “Đúng rồi con ạ! Thời ấy, chỉ những nhà khá giả mới có tóp mỡ trữ trong âu sành, mỗi bữa cơm rón rén chưng một ít mà mùi vị quyện vào nước mắm, hành hoa không tài nào giấu nổi hàng xóm láng giềng”.

Rồi bà như gặp được niềm đồng cảm, bắt đầu ngồi kể về gian bếp, khu vườn. Rằng xưa kia, ở thôn quê, nhà bếp lợp tranh, đắp đất và đều thấp lè tè như những ụ nấm. Đàn bà con gái vào nấu nướng phải khom lưng từ cửa, vừa trông chừng cơm nước, thỉnh thoảng cúi xuống thổi lửa, vén tro. Nhiều nhà chọn vợ cho con chỉ cần đứng bên ngoài nhìn dáng người con gái ấy khom lưng vào bếp. Ai khéo léo, từ bếp bước ra má chỉ được đỏ hây hây chứ không dính nhọ hoặc vương vít bụi tro trên tóc. Cái lưng cúi xuống còn lộ rõ tướng mạo có thắt đáy lưng ong, có sinh nở mau mắn, đảm đang tháo vát hay không.

Cứ như vậy, những người đàn bà dầu trẻ trung hay tuổi đã mắt mờ chân chậm, dầu xinh đẹp hay nhan sắc cỗi cắn… xuống đến bếp đều khom lưng như nhau. Kể rồi mắt mẹ chồng tôi loang loáng nước nhìn ra khu vườn. Bà cố nén tiếng thở dài: “Đàn bà quê mình khom lưng từ bếp ra vườn…”. Ở vườn, cầm cái cuốc mà đứng thẳng lưng bị coi là lười biếng, muốn nhổ cỏ, chăm rau thì phải cúi thấp cái lưng. Chính bà cũng chẳng nhớ từ bao giờ, những người đàn bà khom lưng từ bếp ra vườn rồi ra đồng áng, đìa thanh… như mình lưng thành còng thật!

Tôi bày biện căn bếp ở phố thị với từng chùm ớt khô, bồ kết, hành tỏi như gian bếp nhỏ ở quê của mẹ nhưng mỗi lần bà từ quê lên vẫn đứng thơ thẩn hồi lâu. Dáng lưng còng gầy hao không biết chọn cho mình một nơi nào phù hợp trong căn bếp trần cao, có cả vài chiếc ghế kiểu dáng như ở quầy bar để thỉnh thoảng khách nào cao hứng có thể ra nhấp chút đồ uống hoặc góp chuyện vui với người nội trợ. Mắt mẹ, lấp lánh niềm vui nhưng cũng hun hút nỗi niềm và miên man kỉ niệm. Bà lên chơi với con cháu được dăm bữa thì ngỏ ý muốn vì nhớ mảnh vườn, muốn được khom lưng mà chăm tưới, bón tỉa những chồi cây rồi lụi cụi bước vào gian bếp nhỏ. Mùa này, sau những trận mưa bão tơi bời quét qua miền quê ấy, cảm giác như lưng mẹ lại còng thêm. Mẹ gửi nhẫn nại vun trồng cây cối, giữa không gian trống trải và mùi nhựa, mùa cây lá bầm dập hăng sực khu vườn. Tôi không rõ khoảnh khắc ấy mẹ nghĩ gì, chỉ thấy mắt mình đang cay đỏ.

THANH KHÊ

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.