Áo dài là trang phục tôn vinh văn hóa truyền thống và vẻ đẹp của phụ nữ Việt

Chia sẻ

Ngày 26/6, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”. Đây là hội thảo khoa học quốc gia đầu tiên về trang phục áo dài được tổ chức với quy mô lớn tại Việt Nam .

Đồng chí Bùi Thị Hòa- Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Đồng chí Bùi Thị Hòa- Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Đồng chí  Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã có bài phát biểu khai mạc. Báo Phụ nữ Thủ đô xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu .

Kính thưa TS. Trịnh Thị Thủy, Thứ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch!

Kính thưa Chị Nguyễn Thị Tuyết, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam!

Kính thưa các nhà khoa học!

Thưa các quí vị đại biểu!

Áo dài là di sản quý giá mà tiền nhân để lại cho chúng ta, là trang phục tôn vinh văn hóa truyền thống và vẻ đẹp của phụ nữ Việt. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và giao thoa văn hóa ngày càng mạnh mẽ, Áo dài Việt Nam là một phần không thể thiếu trong di sản văn hoá Việt Nam. Hội LHPN Việt Nam – tổ chức đại diện lợi ích chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã khởi xướng và phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức các sự kiện với chủ đề “Áo dài – Di sản Văn hoá Việt Nam” nhằm khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của Áo dài trong đời sống đương đại; khơi dậy khát vọng, niềm tự hào, trách nhiệm gìn giữ Áo dài – Di sản văn hóa Việt NamHội thảo khoa học “Áo dài Việt Nam; Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” là một hoạt động quan trọng trong chuỗi sự kiện được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – điểm du lịch hàng đầu Việt Nam, nơi lưu giữ, trưng bày các di sản lịch sử văn hóa của các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, xin được nhiệt liệt chào mừng và chân thành cảm ơn các các nhà khoa học, các chuyên gia, các nghệ nhân và quý vị đại biểu đã đến tham dự Hội thảo quốc gia có ý nghĩa sâu sắc này. Chúc các đồng chí, các quý vị sức khỏe, hạnh phúc. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

Kính thưa các vị đại biểu!

Trang phục áo dài đã đi cùng với lịch sử của dân tộc Việt Nam. Áo dài không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà cả nam giới, là triều phục, lễ phục tôn nghiêm trong các nghi lễ của triều đình phong kiến; Áo dài là trang phục bình dị trong sinh hoạt đời thường. Trải qua bao biến thiên của lịch sử và tiếp biến văn hóa, ngày nay, Áo dài vẫn là trang phục truyền thống trang trọng trong những dịp nghi lễ quan trọng của gia đình, dòng họ, cộng đồng hay trong những ngày lễ lớn của dân tộcÁo dài được phụ nữ mặc ngày càng phổ biến ở trường học, công sở, doanh nghiệp. Trong các sự kiện quan trọng của đất nước, trên các diễn đàn quốc tế, Áo dài mặc nhiên trở thành “quốc phục” trang trọng, lịch lãm của phụ nữ Việt Nam.

Ngoài tính triết lý và nghệ thuật, trang phục Áo dài còn là biểu tượng bản sắc văn hóa Việt, thể hiện tâm hồn và vẻ đẹp của con người Việt Nam, không chỉ mang lại cho người Việt Nam mà còn cho cả người nước ngoài nhiều cảm xúc đặc biệt. Vì lẽ đó mà từ “Áo dài” đã được đưa vào từ điển Oxford, được các nghệ sỹ nước ngoài sáng tác thành những tác phẩm nghệ thuật có sức lan tỏa, chứa đựng thông điệp về hòa bình, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài và niềm tự hào về Áo dài của hàng triệu người dân và phụ nữ Việt Nam đã góp phần khẳng định vị thế Áo dài trong đời sống xã hội. Do đó, Áo dài xứng đáng được tôn vinh là một di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Thời gian quamột số địa phương đã có rất nhiều nỗ lực tôn vinh giá trị áo dài. Trong các kỳ Festival Huế, Lễ hội áo dài là một trong những chương trình chính thức với các bộ sưu tập áo dài mang dáng vẻ từ truyền thống đến hiện đại trên các chất liệu vô cùng phong phú, đa dạng… Tại TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2014 đến nayLễ hội áo dài được tổ chức định kỳ vào tháng 3 hàng năm với nhiều hoạt động phong phú như Chương trình “Áo dài tặng bạn”  trao tặng 10.000 chiếc áo dài mỗi năm cho hội viên, phụ nữ khó khăn. Chương trình “Đồng diễn áo dài” đã thu hút trên 4.000 hội viên tham gia v.v.

Ngay trong tuần đầu của tháng 3 vừa quacác cấp Hội cả nước đã tổ chức các cuộc thi ảnh Áo dài online, hình thành các trang mạng xã hội chia sẻ vẻ đẹp của áo dài Việt Nam, tổ chức đồng diễn áo dài v.v. Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với CLB Áo dài phát động một cuộc vận động thiết kế “Tự hào áo dài Việt Nam” và vào ngày 28/6 chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc trình diễn Áo dài với các bộ sưu tập gắn với 21 di sản văn hoá của Việt Nam đã được UNESCO công nhận.

Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa toàn thể Hội thảo!

Mặc dù áo dài có một lịch sử hàng mấy trăm năm và rất phổ biến trong đời sống hiện đại nhưng các giá trị gắn với áo dài vẫn chưa có được vị thế của một di sản văn hoá phi vật thể  cấp quốc gia. Đối với công chúng, nhiều người vẫn chưa hiểu biết tường tận lai lịch, những bước thăng trầm, và những biến đổi không ngừng của chiếc áo dài để định hình thành một nét văn hóa đặc sắc, mang đặc trưng văn hóa và biểu tượng trang phục của Việt Nam. Vì vậy, hội thảo ngày hôm nay sẽ góp phần tìm hiểu về giá trị, bản sắc văn hóa của Áo dài Việt Nam; cung cấp cứ liệu để nhận diện sự tham gia của cộng đồng, các trung tâm hình thành và lan tỏa tập quán mặc Áo dài, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao nhận thức về giá trị Áo dài nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung là tư liệu quý để các cấp, các ngành đề xuất hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật quốc gia thể liên quan đến Áo dài.

Do đó, chúng tôi mong muốn được nghe các ý kiến tâm huyết, khách quan của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý văn hóa, các nhà thiết kế thời trang, các nghệ nhân áo dài về chức năng, giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật của trang phục áo dài Việt Nam, sự tham gia của cộng đồng cũng như các trung tâm hình thành và lan tỏa của tập quán mặc áo dài. Từ đó làm rõ được các vấn đề về Lịch sử phát triển áo dài Việt Nam; Nhận diện giá trị, bản sắc và biểu tượng của áo dài Việt Nam; Các giá trị để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Áo dài Việt Nam.

Đây là những cứ liệu quan trọng cho quá trình lập hồ sơ áo dài đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và là các chất liệu để tuyên truyền, quảng bá góp phần nâng cao lòng tự hào, ý thức giữ gìn di sản văn hóa dân tộc.          

Hội thảo khoa học “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” là hội thảo quốc gia do TW Hội LHPN Việt Nam, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức, giao cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (thuộc TW Hội LHPN Việt Nam) và Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) chủ trì. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, nghiên cứu, các nghệ nhân, các nhà thiết kế áo dài… từ khắp các tỉnh/ thành . Thay  mặt các cơ quan phối hợp tổ chức, chúng tôi xin trân trọng cám ơn. Trong quá trình tổ chức, không thể tránh khỏi sơ suất, mong các quý vị lượng thứ.

Với tinh thần khoa học, dân chủ và ý thức trách nhiệm, chúng tôi hy vọng, Hội thảo sẽ góp phần quan trọng vào quá trình khẳng định giá trị, chủ quyền của áo dài Việt Nam, khơi dậy niềm tự nào dân tộc để áo dài có giá trị trường tồn trong đời sống của chúng ta.

Một lần nữa, tôi chân thành cảm ơn sâu sắc các nhà khoa học, các vị đại biểu đã về dự Hội thảo hôm nay!

Chúc các quý vị đại biểu, khách quí và các nhà khoa học luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và phát triển.

Tôi xin tuyên bố Khai mạc Hội thảo khoa học quốc gia “Áo dài Việt Nam; Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”!

Xin trân trọng cám ơn!

BÁO PHỤ NỮ THỦ ĐÔ

Tin cùng chuyên mục

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.
Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.