Ánh nhìn của con

Chia sẻ

Vũ Cảnh và Trần Huệ chia tay nhau khi đứa con lớn học cuối cấp, còn đứa út mới lẫm chẫm tập đi. Huệ nuôi cả hai con gái trong khi Cảnh tự do, qua lại với nhiều người phụ nữ.

Cảnh là một kiến trúc sư có tiếng trong nghề. Nhiều người ngưỡng mộ cũng vì tài kiếm tiền siêu hạng của Cảnh, chi phí phải bỏ ra để thuê Cảnh vẽ một bản thiết kế có khi gấp 2-3 những kiến trúc sư khác. Nhưng Huệ và các con tuyệt nhiên không được hưởng gì từ cái nức danh ấy.

Cũng vì cái tính keo kiệt của Cảnh nên Huệ từ bỏ cuộc hôn nhân đã dày công vun vén hơn chục năm qua giữa hai vợ chồng. Huệ cũng là người có công việc đàng hoàng, cô làm trưởng phòng nhân sự của một tập đoàn lớn. Kinh tế với Huệ cũng không quá vất vả, nhưng so với chồng, là cả một trời một vực.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngày chia tay, phiên tòa quy định mỗi tháng Cảnh phải trợ cấp cho Huệ mấy triệu đồng, Cảnh vâng dạ đồng ý, nhưng ra khỏi công đường, anh mất hút. Anh chỉ trích vợ tiêu hoang, suốt ngày chỉ vòi tiền chồng mà không biết chồng đã vất vả kiếm tiền như thế nào. Các con còn nhỏ, tiêu gì mà lắm, chỉ có Huệ là đua đòi, nay váy áo, mai túi hiệu, nên sau khi đường ai nấy đi, anh không chu cấp bất cứ cái gì cho vợ cũ. Anh bảo, khi nào các con gặp bố, anh sẽ bù đắp sau.

Biết cái tính bủn xỉn của chồng không thể thay đổi nên Huệ bỏ qua. Cô cũng chẳng đòi hỏi chồng bất cứ điều gì. Huệ đủ sức nuôi các con ăn học đàng hoàng, chỉ tiếc, các con có một người bố quá chi li tính toán. Đến khi cạn nghĩa cạn tình thì cũng cạn tiền luôn, không vì máu mủ ruột già mà mua tấm bánh món quà cho hai đứa con gái lúc nào cũng ngơ ngác hỏi mẹ: “Bố con đâu?”.

Nhiều lúc nghe các con hỏi, Huệ chỉ muốn khóc. Bố tồi tệ thế nào thì trong mắt các con, bố vẫn là thần tượng, là niềm vui của chúng mỗi khi chúng có buổi pic-nic ở trường, nó thích có bố đi cùng như bao bạn khác. Đã có lần Huệ định gọi điện, xin chồng hãy vì con mà đến trường với chúng, ngồi bên chúng chơi đùa các trò chơi tập thể … Nhưng cô lại ngần ngại, cất điện thoại xuống sâu cái túi xách. Cứ thế, hai vợ chồng xa nhau thăm thẳm.

Ngày mua được mảnh đất xây nhà, Huệ mừng lắm. Nuôi các con ăn học bao năm nay, giờ tích lũy được ít vốn, ba mẹ con có cơ hội được chuyển từ căn hộ thuê tạm mấy năm nay sang căn nhà khang trang như hồi chúng ở cùng ông bà nội và bố đẻ. Huệ gọi điện nhờ Cảnh thiết kế cho hai đứa phòng riêng vì chúng háo hức muốn bố thiết kế. Nhưng đáp lại sự phấn khởi của Huệ là thái độ lạnh lùng của chồng cũ. Cảnh gửi qua mail cho Huệ bảng giá cho mỗi công trình thiết kế. Huệ bất ngờ, đau điếng và cảm thấy mình đã làm gì đó xấu hổ. Từ trước đến nay, Huệ chẳng bao giờ phải cầu xin người đàn ông ấy điều gì, nếu không phải vì con. Ngờ đâu…

Ngày Cảnh lấy vợ mới, Cảnh cũng chẳng buồn thông báo cho hai con. Cảnh lẳng lặng kết hôn và có thêm một đứa con trai đang tuổi ẵm ngửa. Hai con gái Huệ vô tình biết được thông tin qua một đứa bạn có mẹ làm cùng Cảnh. Chúng dỗi mấy ngày, chúng bắt đầu thấy ghét bố, dù chưa bao giờ Huệ tiêm nhiễm vào đầu con thái độ ghét bố, chống đối bố đẻ…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khi con trai tròn một tháng, Cảnh sang thăm các con, ngỏ ý đưa hai con gái sang dự lễ thôi nôi của em trai cùng bố khác mẹ. Hai đứa con Huệ không hé răng nửa lời, chúng đóng sầm cửa phòng rồi đuổi bố ra khỏi nhà. Tiếng đập cửa đánh rầm một cái khiến Cảnh giật mình. Cảnh đứng rất lâu ở ngoài cửa, Huệ thấy chồng cũ lặng đi. Cảnh như hiểu ra một điều gì đó quý giá vừa tuột khỏi tay. Một cái gì mất mát đau đớn mà bấy lâu Cảnh không để ý. Cảnh cứ đinh ninh các con sẽ luôn ở đó, háo hức gặp bố, háo hức ôm chầm lấy bố, bố rủ đi đâu cũng đi… Bố làm gì cũng được, các con luôn hãnh diện và tự hào về bố… Chứ không phải lạnh lùng và kẻ thù như thế này.

Huệ bảo Cảnh ngồi xuống, uống tách trà nóng, rồi cả hai thẳng thắn trong câu chuyện nuôi dạy con sau ly hôn. Huệ không nói nhiều, cô bảo, đã không chung đường thì vẫn phải chung hướng, cùng nhau chăm sóc con cái, hỗ trợ chúng khi chúng cần. “Đừng thù hận và ghét bỏ nhau, chỉ khổ các con. Hãy vì con mà làm những điều có nghĩa”.

Cảnh im lặng hồi lâu, anh không phản đối, cũng không nêu ý kiến gì. Nãy giờ anh mới thấm thía nỗi đau khi hai con “từ mặt” không thèm gặp. Cảnh có quyền quên bẵng con nhưng anh không lường được việc các con từ chối bố. Ừ thì chúng sẽ khôn lớn mà không cần bố, như bấy lâu chúng đã làm. Nhưng Cảnh thấy hụt hẫng quá. Dù gì cũng là con, sao chúng có thể nhìn bố chúng bằng ánh mắt hình viên đạn?

Trong cái ánh đèn vàng sưởi ấm căn bếp nhỏ, Huệ nói rất nhiều về những thay đổi mà các con tuổi dậy thì ẩm ương trải qua, chúng cần có bố quan tâm, cần được bố hỏi han mỗi ngày. Trẻ con không phải không biết gì, mà chúng có cảm xúc riêng, suy nghĩ riêng, chẳng ai điều khiển được.

- Hãy làm ông bố tốt trước khi quá muộn. Em không trông chờ vào mấy đồng trợ cấp mà anh đã quên, em không cần anh phải mua này sắm nọ cho chúng, nhưng hãy bên con nhiều nhất có thể khi chúng đến tuổi dậy thì, khi chúng bù đầu với các kì thi cuối cấp… - Huệ nói.

- Ừ… Cảnh đờ đẫn trả lời vợ cũ.

Bấy lâu nay với số tiền kiếm được, anh ăn chơi sa đọa, cặp hết phụ nữ này đến phụ nữ khác, rồi vô tình làm một cô gái mang bầu nên phải cưới. Anh đã bỏ rơi các con suốt mấy năm, chúng học thế nào cũng không rõ, chúng lớn ra sao anh không hay…

Anh mặc định đẩy hết trách nhiệm cho Huệ, bắt cô phải sửa sai lỗi lầm sau ly hôn bằng việc nuôi dạy các con, chúng không giỏi là anh càm ràm, chì chiết vợ cũ. Anh đâu hay, trách nhiệm của người bố cũng ngang tầm các bà mẹ. Con gái hay con trai thì chúng đều cần có bố quan tâm và ủng hộ. Anh nhận ra mình là người bố vô dụng. Hai tay Cảnh buông thõng, thừa thãi, anh đi ra cổng lấy xe, phóng về. Cảnh biết, từ hôm nay, cùng với bàn tay chăm sóc đứa con trai mới lọt lòng, anh phải có trách nhiệm với hai con gái, dành thời gian hỏi han quan tâm chúng, không thì sớm muộn chúng sẽ quên hẳn một ông bố như Cảnh. Để tuột mất con cái khỏi vòng tay mình, bị con cái coi như kẻ thù, nỗi đau nào hơn nỗi đau ấy?

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.