Cháu bà đã lớn

Chia sẻ

Từ ngày ông đột ngột qua đời, bà trở nên thẫn thờ, chả thiết ăn uống. Bà sụt cân, khuôn mặt vốn đã gầy gò, nay càng rộc rạc.

Các con thay nhau qua lại nhà thăm hỏi, động viên để bà vơi bớt nỗi buồn.

Cô con dâu thứ nhất bảo: “Người mất thì đã mất rồi, chẳng sống lại được. Vì thế, mẹ phải chấp nhận sự thật và vượt qua nó”. Nhưng bà vẫn không làm khác được.

Đến lượt cô con dâu thứ hai mang qua cho bà các món bổ dưỡng. Song, bà chỉ ăn được mấy miếng rồi lại rơm rớm nước mắt, lẩm bẩm: “Bố các con ra đi tội lắm, mẹ làm sao sống được đây. Mẹ không muốn ăn đâu”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngôi nhà bà ở cao 5 tầng. Hồi trước khi xây nhà, ông bà dự tính dành cho mỗi con một tầng. Nhưng rồi sau khi lấy vợ, các con bà lần lượt dọn ra ở riêng. Thành thử, chỉ còn hai ông bà trong ngôi nhà rộng thênh thang. Bà vốn bị khớp, đi lại rất khó khăn. Khi còn sống, ông đều nhận việc lau dọn các tầng cao thay bà.

Ông mất đi, các con lại có thêm nỗi lo bà ở nhà một mình không an toàn. Ngày nào, bà cũng leo đủ mấy tầng gác, sau đó lò dò lên sân thượng, ngồi trầm ngâm. Bà muốn tìm lại dáng ông mỗi ngày. Sợ bà ngã, các con làm cái gác chắn ở tầng 5, ngăn bà lên. Nhưng làm buổi sáng thì buổi trưa bà đã gọi điện yêu cầu các con về tháo “barie” ra, nếu không bà sẽ trèo qua gác chắn.

Một ngày, cháu nội mang về cho bà một cái đĩa CD. Chẳng biết nó sưu tập từ lúc nào mà trong đĩa có hết những hình ảnh, đoạn clip ngắn về ông khi còn sống. Cảnh ông cùng cả nhà thổi nến chúc mừng sinh nhật các cháu, khi các con cháu tổ chức lễ mừng thọ cho ông, rồi lúc ông bà cùng đón Tết sum vầy. Đặc biệt, còn có cả một đoạn ông dặn bà nhớ ăn ngủ nghỉ để giữ sức khỏe, sống với ông đến đầu bạc răng long, nhắn nhủ con cháu văn ôn võ luyện để sau này thành đạt. Xem đến đoạn này, bà xúc động nghẹn ngào. Cháu nội khẽ nắm lấy tay bà: “Bà ơi, có clip này rồi, mỗi khi nhớ ông bà cứ mở ra xem. Bà không cần phải lên sân thượng ngóng ông nữa kẻo ngã. Bà thấy không, ông căn dặn bà phải giữ gìn sức khỏe. Bà mà ốm, ngã, ở nơi xa ông sẽ buồn lắm. Bà thương ông thì phải nghe lời dặn của ông, bà nhé”. Bà khe khẽ gật đầu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Từ đó, bà đã có “bảo bối” trong nhà. Mỗi lần nhớ ông, bà lại bật đĩa CD lên xem, thấy ông như vẫn đang ở đâu đây, quanh mình.

Hè đến, cháu đặt vé máy bay để đưa bà đi chơi. Lúc đầu bà từ chối, sợ cháu phải tốn tiền. Hơn thế, bà ở nhà cũng quen rồi. Cháu nội giận, nói bà không đi nghĩa là không yêu cháu. Dù gì, nó cũng là đích tôn trong gia đình, lẽ nào tiếng nói không có trọng lượng. Nể cháu quá, bà đành đồng ý. Cháu nội lên chương trình, đưa bà vào Nam thăm họ hàng, sau đó ra Vũng Tàu nghỉ ngơi ít ngày. Chuyến đi đã khiến bà nguôi ngoai nỗi buồn và thấy rằng, không phải lúc nào bà cũng quanh quẩn trong nhà đã là tốt.

Rồi đến ngày tốt nghiệp đại học, cháu trân trọng đòi bà phải mặc áo đẹp, đi dự chúc mừng cháu. Câu đầu tiên trước khi kết thúc buổi lễ, cháu nói lời cảm ơn ông bà đã là chỗ dựa của cả nhà. Cháu mong, bà sẽ sống thật khỏe để chứng kiến những bước trưởng thành của các con, các cháu. Bó hoa mọi người tặng cháu lúc tốt nghiệp, cháu cũng chạy xuống tận chỗ bà ngồi để tặng lại cho bà. “Bà ơi, bà rất có ý nghĩa với cháu. Bà mà buồn thì mọi người trong nhà cũng không vui được. Vì gia đình, bà phải mạnh mẽ, vui vẻ thay cả phần của ông nữa, bà nhé”.

Đến lúc này, bà đã thực sự bị cháu khuất phục. Bà nắm lấy tay cháu, rưng rưng: “Cháu của bà đã lớn thật rồi. Bà đã hiểu, từ nay bà sẽ sống thật tốt để các con cháu không phải lo lắng cho bà nữa”.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.