Gắn quy hoạch với đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ

Chia sẻ

Ngày 3/7, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Ai Len, Đại sứ quán Úc và tổ chức APHEDA tổ chức Hội thảo “Nâng cao tỷ lệ nữ ứng cử viên và nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2020” nhằm thảo luận và chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm để nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham chính.

Các đại biểu tham gia hội thảoCác đại biểu tham gia hội thảo.

Sớm xóa bỏ quan niệm “nam trưởng, nữ phó”

Tại hội thảo, đồng chí Trần Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: Thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham mưu công tác cán bộ nữ, tham mưu đề xuất chính sách cho phụ nữ; đồng thời thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; chủ động góp ý kiến, phản biện xã hội về giới trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; giới thiệu cán bộ nữ ưu tú; cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm cho phụ nữ trong mỗi cuộc bầu cử... Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như: Xây dựng bài giảng trực tuyến cho nữ ứng cử viên, tổ chức Hội thảo cán bộ nữ tại 12 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng, tổ chức gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV nhân kỳ họp thứ 9, trọng tâm là thảo luận các giải pháp để tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, song tỷ lệ cán bộ nữ tăng chậm và còn khoảng cách so với chỉ tiêu đề ra, chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ. Nhiều cơ sở không có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ. Một số tỉnh không có nữ ĐBQH; một số tỉnh có tỷ lệ nữ đại biểu HĐND dưới 20%... Nguyên nhân của tình trạng này, là do vẫn còn những rào cản giới; quan niệm "nam trưởng, nữ phó" vẫn tồn tại. Một số quy định hiện hành về công tác cán bộ chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; việc triển khai thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vẫn còn bất cập thiếu hụt các dịch vụ xã hội hỗ trợ cũng là những thách thức với phụ nữ trong quá trình tham gia chính trị.

Cần nâng tỷ lệ nữ ứng cử viên lên 40-50%

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam, cho biết: Theo Nghị quyết số 11, các cấp Hội có vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ. Vì vậy, Hội cần thực hiện ngay việc tham mưu đề xuất với cấp ủy để đại diện Hội được tham gia là thành viên Ủy ban, Ban bầu cử các cấp. Đồng thời, tiến hành sớm và thường xuyên hơn công tác tuyên truyền trước, trong và sau bầu cử; Tổ chức Hội ở Trung ương và từng địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn cán bộ nữ bảo đảm tiêu chuẩn, báo cáo với cấp uỷ cùng cấp đồng thời gửi cho Hội cấp trên trực tiếp. Đặc biệt, người đứng đầu tổ chức Hội các cấp cần tham gia đầy đủ các cuộc hiệp thương. Đại diện tổ chức Hội cần đề nghị nên có trên 35% người ứng cử là nữ. Sau khi có danh sách sơ bộ người ra ứng cử sẽ có hoạt động lấy ý kiến cử tri.

Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Thúc đẩy tăng tỷ lệ nữ tham chính không phải để có một tỷ lệ “đẹp” trong Quốc hội, HĐND mà chính là vì sự phát triển của đất nước, của mỗi địa phương và nâng cao đời sống của mỗi gia đình, người lao động. Để đạt được tỷ lệ nữ trúng cử là 30 % thì tỷ lệ nữ ứng cử viên được quy định trong Luật là 35 % chưa phù hợp, cần nâng tỷ lệ nữ ứng cử viên lên 40-50%.

Đồng chí Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương đưa ra giải pháp: Cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương tới địa phương cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là của người đứng đầu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới một cách rộng rãi, thường xuyên, liên tục; cần rà soát các văn bản quy định pháp luật từ góc độ giới, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bình đẳng giới nhằm tạo cơ hội và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý…

THANH THANH

Tin cùng chuyên mục

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.
Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.