Cân rác tính tiền: Có khả thi?

Chia sẻ

Quy định tính phí thu gom rác thải, tính phí rác thải theo khối lượng được đưa ra tại Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 9, khóa XIV được kỳ vọng là giải pháp hạn chế việc xả rác gây ô nhiễm môi trường.

Quy định tính phí thu gom rác thải, tính phí rác thải theo khối lượng được đưa ra tại Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 9, khóa XIV được kỳ vọng là giải pháp hạn chế việc xả rác gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời giảm bớt chi phí cho việc xử lý rác thải vốn đang là gánh nặng của ngân sách nhà nước. Dự kiến, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sẽ thông qua dự án luật này.

Câu chuyện rác thải, xử lý và phân loại rác thải lâu nay vẫn được xem là câu chuyện... dài kỳ, bởi thói quen ứng xử đối với rác của người dân vẫn rất tùy tiện, tiện cho mình. Hàng ngày, người ta dễ dàng bắt gặp cảnh rác được bỏ khắp nơi: trên vỉa hè, cạnh cột điện, dưới lòng đường. Thậm chí, tại các thùng rác công cộng, thay vì bỏ rác vào thùng theo quy định thì rác lại được một số người dân thiếu ý thức vứt bừa bãi, ngay bên cạnh thùng rác. Như một hiệu ứng dây chuyền, chỉ cần ở đâu có một túi rác được để lại, sau đó nhiều túi rác sẽ được mang đến, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Nó chỉ được mang đi khi nhân viên thu gom rác đi làm nhiệm vụ.

Rác đang trở thành vấn nạn gây ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn.Rác đang trở thành vấn nạn gây ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn. 

Rác thải ở Việt Nam đa số đều chưa được phân loại tại nguồn. Bởi người dân vẫn có thói quen xem rác là... chất thải, thay vì xem đó là "tài nguyên". Vì là chất thải nên nó được vứt bỏ chung một chỗ. Điều này khiến cho việc phân loại, xử lý rác của chúng ta lâu nay khó khăn và tốn kém về kinh tế. Đặc biệt là với chất thải rắn và rác thải nhựa. Theo tờ trình Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, chất thải rắn đang là vấn đề nóng cần được giải quyết với hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt. Mỗi năm, lượng chất thải rắn gia tăng khoảng 10% và có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Còn với vấn đề rác thải nhựa, tại nước ta, theo thống kê, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Với chất thải từ nhựa và nilon, phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm, các chất thải này mới phân hủy hết. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường, đe dọa các hệ sinh thái cũng như sự phát triển của quốc gia.

Trở lại câu chuyện cân rác thu tiền. Việc này đã được áp dụng tại một số nước và cho hiệu quả. Nhưng, đó là trong điều kiện, người dân được giáo dục ý thức phân loại rác ngay tại nguồn, và xem rác là tài nguyên. Việc thu tiền rác theo khối lượng sẽ giúp cho việc phân loại rác tại nguồn của người dân ngay từ đầu có hiệu quả để giảm chi phí xử lý rác mỗi ngày. Bên cạnh đó, người dân còn có thêm tiền từ việc bán lại rác thải có thể tái chế như rác thải nhựa, thủy tinh... Khi rác được phân loại tại nguồn, nhà nước sẽ giảm được chi phí tốn kém để xử lý rác thải bằng công nghệ.

Ngoài ra, việc tính phí rác theo khối lượng cũng được xem là một giải pháp tạo sự công bằng đối với việc xả rác ra môi trường cho mỗi người dân. Người nào xả rác ít thì mất ít tiền, ngược lại, xả nhiều rác thì mất nhiều tiền. Việc xả rác bây giờ được xem như việc dùng điện, nước hàng ngày, nếu mỗi gia đình biết tiết kiệm thì sẽ "ích nước lợi nhà", giảm gánh nặng cho xã hội, môi trường.

Cân rác và phân loại rác tại nguồn được cho là giải pháp khả thi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt gây ra.Cân rác và phân loại rác tại nguồn được cho là giải pháp khả thi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt gây ra.

Còn ở nước ta, trong điều kiện ý thức người dân vẫn còn ứng xử tùy tiện với rác, việc cân rác tính tiền sẽ rất khó khả thi. Bởi sẽ phát sinh tình trạng đổ trộm rác ở nơi khác để tránh tăng tiền xả rác, sự bất cập trong việc cân rác khi thu gom... là những vấn đề rất nan giải. Bởi thực tế hiện nay, những chất thải rắn khi người dân sửa chữa, xây dựng nhà cửa vẫn được chở đi đổ trộm tại các bãi rác thải, hoặc các điểm thưa vắng người. Điển hình như tình trạng đổ trộm rác thải sinh hoạt dọc các tuyến đường ngoại thành, khu đất trống ở các dự án treo vẫn xảy ra thường xuyên gây nhức nhối cho chính quyền các cấp lâu nay.

Do đó, trước khi đưa quy định cân rác tính tiền vào luật và áp dụng trong cuộc sống, chúng ta phải bắt đầu từ việc như: giáo dục người dân có ý thức xem rác là tài nguyên, phân loại rác tại nguồn trong mỗi gia đình, công sở, nhà máy, trường học, thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa, túi nilon hàng ngày của người dân... Chỉ khi nào chúng ta hình thành cho người dân những thói quen tốt, ý thức ứng xử đúng đắn với rác thì mới có thể tính đến việc cân rác thu tiền.

Xóa bỏ sự cào bằng, tạo sự bình đẳng cho mỗi người dân trong trách nhiệm đóng phí xả rác ra môi trường, giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước trong vấn đề xử lý rác thải, hạn chế ô nhiễm môi trường là cần thiết và cấp bách. Nhưng để đưa ra một quy định cùng với chế tài pháp luật đi kèm cần có sự phù hợp với thực tiễn, có sự đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng, từ ý thức đến cơ sở vật chất để thực hiện. Có như vậy khi đi vào thực hiện, Luật mới khả thi và hiệu quả.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục