Câu chuyện nhà Phật và các nàng dâu thời hiện đại

Chia sẻ

Ông Thuyết đã 75 tuổi nhưng vẫn được “phong” là “đẹp trai nhất nhà”. Đám cháu chắt, “fan” hâm mộ “Tây du ký” gọi ông là “Đường Tăng trong tây vương nữ quốc”. Không khó hiểu khi ông có ba thằng con trai thì cả ba đi làm xa, để ông ở nhà cai quản đám dâu, cháu chủ yếu là... nữ, thêm bà vợ lắm điều của ông nữa là “trọn bộ”.

Ở cái thôn Đoài này ai cũng khen ông Thuyết là hiền từ bé. Thế mà gần 10 năm nay ông bị đám cháu chắt, con cái xoay cho đủ trò và “ban” cho ông các thể loại biệt danh, biệt hiệu. Anh em bà con hàng xóm hay chạy qua chạy lại trêu: Chắc ông bị quả báo thế nào, chứ người như ông đáng ra về già phải được yên ấm, cơm bưng nước rót, con hầu cháu hạ đầy đủ bộ lệ, ai đời lại toàn bị mang ra châm chọc. Nhiều khi ông nghe rất bực bội nhưng giả điếc, “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đang ngồi suy nghĩ miên man, tự dưng ông giật thót cả người khi nghe cô con dâu út quát mắng thằng cháu: “Tiên nhân sư cha thằng bố mày, mày cứ nghịch thế người ta đào mả nhà mày lên đấy!”. Ông Thuyết đảo mắt nhanh lên ban thờ rồi lật đật chạy ra, ông không cáu nhưng nói lớn: “Gì thế, bên này có cả đấy: Tiên nhân, sư, cha của thằng bố nó đây, xem thằng bé kia nghịch ngợm gì mà để mẹ nó réo hết cụ kỵ ông bà ông vải lên vậy? Thiên hạ chưa ai đào thì mẹ nó đã làm kinh động hết lên rồi!”. Nàng dâu út im bặt, thằng cháu cởi trần, vừa chạy vọt ra, vừa xếch quần nói như hét: “Cứu!!! Cháu chỉ trộn mấy thứ và bôi lên cửa để… nhử kiến thôi mà mẹ cháu quát nhặng cả lên”. Hai ông cháu cười nhe nhởn. Ông còn vỗ vai cháu nói như cho cả xóm nghe: “Vậy thì có gì đâu mà làm ầm lên, lôi hết cả tông ti họ hàng cháu ông ra, nhỉ!”.

Mấy đứa cháu gái ở nhà ngang thò hết đầu ra xem rồi xôn xao bình luận: “Đấy, ông lại bênh nó đấy, thế nên cái nhà này ngoài ông ra nó là nhất, không ai dám đụng vào”. Bà nội thằng bé ở đâu, nghe đám cháu gái “lời ra tiếng vào” thằng cháu cưng, mới bóng gió mắng mỏ: “Ông cũng khéo bày trò hề! Mắng con mắng cháu thì câu nào ra câu đó, nói xong cứ như là tiếu lâm, chả bằng cù nách chúng nó nên chúng nó chẳng nể nang gì, cứ thế là nói hỗn”. Bầy cháu gái nhìn nhau chu môi ra hiệu không liên quan, rụt hết cả cổ vào.

Ông Thuyết khoác vai thằng cu Nhỡn, nhìn khắp lượt nhà ngang rồi hai ông cháu vui vẻ đi vào nhà. Mấy cái chuyện kiểu thế này nhà ông một ngày ít ra cũng phải vài ba trận. Thằng Nhỡn đắc ý, vừa đi vừa khua hai cái cẳng chân dài lêu đêu, chiếc quần đùi dài chấm đầu gối củ lạc nó tự tin kéo xếch cạp lên tới ngang ngực. Nàng dâu thứ hai của ông Thuyết đang ngồi đơm lại đống cúc áo cho bọn trẻ, ngưng tay làm, lẳng lặng quan sát từ đầu tới cuối, chỉ tủm tỉm cười, không nói câu nào.

Ông Thuyết có thói quen cứ chiều chiều, ông tắm gội sạch sẽ, thơm tho, tự xúc cơm ra làm một mâm riêng, ăn trước. Không hiểu sao ông lại ăn sớm thế và chẳng chờ đợi ai. Xong xuôi, ông vào bật tivi, mở kênh nghe chuyện nhà Phật. Bà vợ ông Thuyết than thở: “Thói quen này mới có thôi, chắc buồn, chẳng có chuyên mục nào xem phù hợp: bóng đá thì qua tuổi rồi, các chương trình game show thì không phù hợp, ca nhạc ông cũng không nghe được nên ông rất thích những chương trình đọc truyện nhà Phật trên mạng”. Trước đây, khi còn trẻ, chưa có mạng, thậm chí chưa có điện về làng bà Thuyết nói ông rất ham nghe chuyện đêm khuya trên đài, cứ ôm cái đài áp vào tai nghe hết “Thủy hử” lại “Tây du ký”… Đây là thói quen và sở thích của ông. Vì thế, có ông bạn già nào cùng sở thích mà ngồi uống trà, đàm đạo thì ông khoái lắm. Lâu lâu không có ai ông hay mang những chuyện ông nghe ra áp dụng dạy bảo đám con cháu, thậm chí, nhân thể nói luôn cả bà vợ ghê gớm của mình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cứ ngỡ trẻ thời nay chẳng đứa nào thích nghe chuyện nhà Phật hóa ra ông nghe chuyện nào thì chúng nó thuộc lòng chuyện đó. Nhưng nó nghe không như ông nghe, chúng nó hiểu không giống ông hiểu. Nên khi ông mang ra răn dạy thì chúng nó lại vặn ngược trở lại, dồn ông vào thế bí. Hôm trước, ông nghe chuyện về nàng San Hô và nàng Túy Hoa. Đại ý câu chuyện nói về những mối liên hệ nhân quả trong đời sống: Người này khổ bây giờ có thể do phải trả nghiệp do mình gây ra từ kiếp trước. Cho nên hôm nay nghe bà vợ càu nhàu về cái Hoài, nàng dâu cả, nàng dâu được ông quý nhất: Vừa đẹp người đẹp nết lại nhẫn nhịn, chịu lam chịu làm thì ông mới mang chuyện mới nghe được ra để chỉ cho vợ thấy mà biết đường cư xử kẻo lại mang nghiệp vào thân.

Nhưng bà vợ ông xung khắc với dâu trưởng, nên nghe chồng nói càng bực bội, nói nặng lời hơn: Nào là cậy mồm cũng chẳng nói được một câu cho ra hồn; đàn bà mà mắt cứ đen láy ra, ầng ậc nước, nhìn thì cứ tý cái đã cụp mắt xuống như thế không cẩn thận dễ phản bội chồng… Ông Thuyết bực mình mới nói sẵng: “Tôi thấy nó chẳng khác gì nàng San Hô trong chuyện nhà Phật, không biết kiếp trước nó đã gây tội gì với bà mà bà suốt ngày “cà-khịa” nó”. Nàng dâu út nghe vậy, động lòng, lên tiếng: “Những điều mẹ nói cũng có trong sách cả, đàn bà xinh đẹp dễ sa ngã, anh cả đi làm xa, mẹ chỉ là đề phòng. Còn con bốp chát, không hay để ý, bực gì là nói thẳng luôn, từ lâu biết bố không ưa nhưng con cũng chẳng phải Túy Hoa đâu”.

Ông Thuyết phì cười, nhưng biết tính con dâu út, ông nhắc: “Con có tật đâu mà giật mình, từ nãy tới giờ có ai nghe tôi nhắc tên con Phượng ớt không nhể?!”. Nàng dâu thứ của ông cứ che miệng cười, cô em họ vẫn hay sang chơi lại chêm vào: “Bà trẻ cười cà khịa đấy à, phải “còm- men” cho sôi động tý chứ?”. Mấy đứa trẻ nhao nhao vào pha trò. Nhà lại như cái chợ vỡ.

Như bị chọc vào tổ ong, Phượng kêu lên: “Ở cái nhà này chẳng ai khổ như con, chị cả thì có chồng chăm chỉ làm ăn, có đào hoa một tý, vẫn trách nhiệm với vợ con. Chị dâu thứ thì sướng đủ điều: Chồng tâm lý, tiền lương đều đặn, tháng tháng tranh thủ về “bù đắp” đầy đủ. Cái thân con gặp vào cái ông chồng bầy hầy, đi biền biệt, về vợ dắt lưng đồng nào còn thủ đi”. Lan lúc này mới nhẹ nhàng lên tiếng: “Biết là thím Phượng vất vả, nên cả nhà đều thông cảm, lúc thím gắt gỏng có ai trách mắng gì đâu. Nói như ông thì kiếp này cả nhà mang nợ thím chứ đâu phải nói thím là Túy Hoa trong truyện”.

Ông Thuyết ớ cả người. Cái Lan này ít nói, nhưng nói câu nào thì ra câu đó. Quả thật thằng con út của ông được mẹ chiều chuộng, nên lêu lổng, chẳng chịu học hành, nay ham cái này, mai bỏ bê cái nọ. Phượng là con nhà khá giả, xinh xắn, tháo vát, mọi người vẫn ví nó là Phượng ớt trong chuyện “Hồng lâu mộng”- mợ Liễn. Giá vào nhà khác, gặp người đàn ông tốt, nó phát huy hết khả năng thì thật tốt quá, chẳng may làm dâu nhà ông, đâm ra khổ đủ đường và hay cáu bẳn.

Tự nhiên mọi người im lặng, Phượng hơi ngượng gạo, ngại ngùng vì đúng là từ trước tới nay không ai chê trách hay nói lời ra tiếng vào với cái tật sỗ sàng, đụng gì là quát tháo ầm ĩ của mình.

Ông Thuyết thấy thương cô dâu út và như thể chính ông là người có lỗi với con. Ông lấy một ly nước đầy, gọi cô cháu họ lại, bảo đưa cho chị Phượng. Phượng đón ly nước bố chồng đưa cho, uống một hơi hết sạch. Cô em họ tâm lý, lém lỉnh, đứng chờ sẵn, giơ tay đón lấy cái cốc rồi như thay mặt cả nhà nói với Phượng: “Đợt này bác Thuyết huy động cả họ làm cuộc tổng tiến công, ép buộc anh Cường phải thay tâm đổi tính, về nhà làm việc, chăm lo cho chị Phượng và cu Nhỡn”. Cả nhà cùng góp lời, ông Thuyết cười cười, nụ cười như sắp mếu. Người già là vậy, rất dễ xúc động. Nhưng ông nhất định sẽ làm như con cháu họ mách.

ĐÔNG ÂM

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.