Một bữa ăn thịt

Chia sẻ

Nửa đời của ông ngoại tôi là làm nghề nông ở nông thôn, cả đời bần cùng nên tằn tiện từ sớm, nuôi dạy sáu người con.

Thời thơ ấu của tôi chủ yếu sống cùng ông ngoại. Trong ký ức của tôi, rất hiếm khi thấy ông cười, nói, do đó quan hệ thực sự chẳng mấy thân thuộc, cũng chưa bao giờ ông mua cho tôi lấy một viên kẹo. Trong thời buổi khó khăn ấy, tôi luôn gọi ông là “Gà trống sắt” (là cách mà người Trung Quốc thường gọi những người đàn ông quá keo kiệt), rất ít khi trò chuyện cùng ông, kể cả suốt buổi tối đi ngủ . Mùa hè nóng nực cho đến mùa đông nằm trong ổ chăn ấm áp, lũ muỗi rất ít khi đụng chạm đến tôi; cho mãi đến sau này, tôi mới hiểu rõ được lý do vì sao.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Khi tôi học tiểu học, ông ngoại tôi đem đất đai, vườn tược đang trồng hoa màu chuyển sang trồng táo, mọi sự ăn ở, sinh hoạt cuộc sống đều trông vào vườn táo này. Vô luận là gió thổi, mưa bay hay dù cho hè nóng như nung hay ngày đông rét buốt thì món ăn cũng chỉ là bánh rán, bánh ngô hoặc dưa muối chua kèm theo một bình rượu ngâm thân khoai lang khô. Ông tôi bảo, uống chút rượu vào thì người đỡ mệt mỏi. Ông lấy những phiến đá, xây thành một căn phòng đá chật chội, miễn cưỡng kê một tấm phản gỗ, ngoài ra không còn một chỗ để len chân.
Mỗi một lần tôi đi, ông tôi đều bảo, chờ đến khi tôi học lên cấp ba sẽ được ăn quả táo vừa to, vừa đỏ nhưng cho mãi tới bây giờ, tôi vẫn chưa được ăn quả táo nào vừa to lại vừa đỏ như ông đã hứa.

Năm đầu tiên tôi vào học cấp ba thì ông ngoại tôi bị bệnh ung thư, phải cắt bỏ đi hai phần ba dạ dày mới bảo toàn được mạng sống. Nằm bệnh viện được nửa tháng thì ông tôi nằng nặc đòi về nhà, bảo rằng có ở nhà thì mới thấy dễ chịu trong người.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Điều kiện ở nhà có hạn nên bà tôi gợi ý: “Hay là ông đến nhà con gái lớn, được không?”.

Ông ngoại tôi gật gật đầu.

Đến nhà tôi, ông ngoại ở trong phòng tôi. Do mới phẫu thuật dạ dày không lâu nên việc trung tiện để thoát hơi là rất quan trọng, mẹ tôi hàng ngày đều phải xoa bụng cho ông và khắp căn phòng tràn ngập mùi xú uế rất khó chịu, sau khi ông chuyển đi một thời gian dài, tôi không dám bước chân vào phòng. Sau đó, mẹ tôi kể một câu chuyện xảy ra từ thuở mẹ còn bé.

Vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước, Trung Hoa gian khó, mùa đông giá lạnh, chẳng có hoa màu nào sống nổi, ông tôi nghe nói ở thôn Thiên Hà cách chỗ chúng tôi ở ngoài sáu mươi dặm, người ta đang xây đập nước. Ngoài tiền công ra còn được bao ăn, bao ở, đãi ngộ như thế thật quá ưu việt. Thời đó, giao thông còn khó khăn lắm, không thuận tiện như bây giờ; từ chỗ chúng tôi đến thôn Thiên Hà phải mất mấy tiếng đi đường bộ, trời mới rạng sáng, ông ngoại tôi đã vội vã lên đường.

Một đêm tuyết phủ trắng trời đất thì bỗng vang lên một hồi gõ cửa gấp gáp phá tan màn đêm yên tĩnh, làm kinh động mọi người trong nhà. Mẹ tôi vội chạy ra mở cửa thì phát hiện ra người đàn ông mình phủ đầy tuyết, băng đọng cứng trên lông mày, mi mắt và ria mép ấy chính là ông ngoại tôi.

Mẹ tôi vừa phủi tuyết cho ông tôi, vừa hỏi: “Muộn thế này rồi, cha còn về làm gì, xong hết việc rồi sao?”.

Ông ngoại tôi đáp: “Thì hôm nay cũng vừa xong hết việc, sớm mai lại đi nơi khác rồi, còn xa nhà hơn nữa cơ”.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Đột nhiên, ông tôi lấy từ trong ngực ra một chiếc hộp đựng trà mà ông thường dùng làm ca uống nước trà: “Bạch Ni, mau lại đây, xem trong hộp có gì này!”(mẹ tôi hồi nhỏ có nước da rất trắng nên tên sữa của mẹ được đặt là Bạch Ni).

Mẹ tôi vội vàng tụt khỏi giường, chạy đến cầm chiếc hộp trà lên xem.

“Thịt!”, mẹ tôi kinh ngạc, kêu lên. Trong chiếc hộp đựng trà là mười mấy miếng thịt màu trắng; màu trắng có nghĩa là thịt mỡ! Đấy là những miếng thịt mà ông tôi đã để dành sau mười mấy ngày làm việc mà trong mỗi bữa ăn, ông đều lén bỏ thịt từ bát của mình vào chiếc hộp trà. Mà kỳ thực thì thịt trong khẩu phần ăn đâu có nhiều nhặn gì, chỉ một hoặc hai miếng, có bữa lại chẳng có, cứ thế tích cóp được mười mấy miếng rồi chạy suốt cả buổi tối đem về để con cháu ăn cho đỡ thèm.

Mẹ tôi vội gọi cậu tôi đến, mấy người lớn không đụng đến miếng nào. Chờ chúng tôi ăn xong, ông nội tôi nói mấy câu, sau đó lại vội vàng xuyên đêm, đạp tuyết chạy trở lại nơi làm việc.

Khi đi, ông tôi không cho ai rửa chiếc hộp đựng trà ấy.

Lại nói về cái lần ăn thịt đó, mẹ tôi và cậu tôi đều không dùng đũa gắp mà bốc bằng tay. Mẹ tôi bảo, sau tối đó, ba ngày sau đó cả mẹ và cậu đều không có rửa tay, có thể là có ai đó không tin nhưng tôi, tôi tin là mẹ tôi nói thật.

Năm ấy, ông ngoại tôi làm xong phẫu thuật. Bác sỹ nói, thời gian tối đa ông tôi có thể duy trì cuộc sống là khoảng mười lăm năm, nhưng phải bỏ hút thuốc và bỏ uống rượu.

Từ đó, sức khỏe của ông ngoại tôi xuống dần, các tế bào ung thư cứ di căn rộng ra mãi hầu họng, đến mức gây khó khăn khi ông tôi uống loại trà ướp hoa mà mình vẫn ưa thích.

Mới cách đây mấy hôm tôi nằm mộng thấy ông ngoại. Ông đang cầm chiếc hộp trà trên tay, cười và bảo muốn uống nước trà...

Truyện ngắn của VƯƠNG CƯỜNG (Trung Quốc)

Trần Dân Phong (dịch)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.