Độc đáo văn hóa giải trí châu Âu thời hậu COVID-19

Chia sẻ

Các hoạt động văn hóa giải trí đang dần trở lại trên khắp châu Âu sau thời kỳ “đóng cửa” do sự bùng phát đại dịch Covid-19. Sự trở lại này mang theo nhiều sắc thái mới cho lục địa này trong bối cảnh thích nghi với cuộc sống “bình thường mới”…

Hoà nhạc “một người”

Kiểu chơi nhạc có một không hai này là cách “sinh tồn” của các nhạc công trong mùa dịch Covid-19, khi hầu hết các sự kiện văn hoá, trong đó có các buổi hoà nhạc truyền thống phải huỷ bỏ do sự bùng phát virus SARS-CoV-2. Vượt qua rất nhiều khó khăn, hai dàn nhạc đến từ Đức đã tìm ra cách rất độc đáo để có thể tiếp tục niềm đam mê chơi nhạc của mình, kiếm sống mà vẫn đảm bảo an toàn. Trước đó, do phải tuân thủ nghiêm ngặt lệnh giãn cách xã hội, các bảo tàng, nhà hát, các tổ chức văn hoá, dàn nhạc… chỉ có thể truyền tải tác phẩm của mình đến với công chúng thông qua mạng internet. Số khác táo bạo hơn, họ tổ chức hàng loạt sự kiện trong bãi đỗ xe, như các diễn viên ở Cộng hoà Séc hay các nhạc sĩ, DJ (người “pha trộn” âm thanh theo tư duy và óc sáng tạo của mình để tạo không khí sôi nổi, kích thích sự hào hứng của khách) ở Đức. Thế nhưng, hai dàn nhạc quốc gia Đức là dàn nhạc Stuttgart và dàn nhạc Giao hưởng Phát thanh Tây Nam Đức lại đang có một kế hoạch táo bạo khác cho những buổi trình diễn của mình.

Kiểu hoà nhạc 1 - 1 có một không hai ở Stuttgart, ĐứcKiểu hoà nhạc 1 - 1 có một không hai ở Stuttgart, Đức.

Theo đó, họ muốn trực tiếp mang lại cảm xúc cho các khán thính giả mà không phải qua các lớp kính chắn gió hay màn hình video. Thử thách lớn nhất là làm sao thực hiện được kế hoạch này mà vẫn đảm bảo an toàn. Giải pháp là tổ chức hàng loạt các buổi hòa nhạc “một đối một” - trong đó, mỗi thành viên của dàn nhạc sẽ chỉ chơi nhạc cho duy nhất một khán giả, họ cũng không nói chuyện với nhau trong suốt buổi diễn. Khán giả chỉ cần thực hiện đăng ký trực tuyến là có thể tham gia buổi hoà nhạc. Mỗi người sẽ có 10 phút “phiêu” theo điệu nhạc tại một trong 27 địa điểm được phân bố khác nhau trên toàn thành phố, trong đó bao gồm sân bay Stuttgart, một phòng trưng bày nghệ thuật, một khu vườn trong biệt thự riêng và trên sân thượng bên cạnh vườn nho… Khán giả cũng được thông báo trước về tên tuổi nghệ sĩ, tác phẩm và nhạc cụ sẽ được dùng để biểu diễn.

Đặc biệt hơn nữa, buổi diễn này hoàn toàn miễn phí, tuy nhiên khán thính giả được khuyến khích ủng hộ vào quỹ nhằm giúp các nghệ sĩ nghiệp dư bị giảm sâu hoặc mất thu nhập trong thời kỳ khủng hoảng do đại dịch COVID-19. Bắt đầu từ Stuttgart, đến nay đã có hơn 1.100 buổi biểu diễn như thế này được tổ chức tại 5 thành phố khác nhau trên khắp nước Đức. Cha đẻ của phong cách biểu diễn độc đáo này - nghệ sĩ sáo Stephanie Winker, cho biết: “Ở thời điểm này, chúng tôi khát khao được biểu diễn trực tiếp cho nhiều khán giả hơn, bởi họ đã phải xem qua màn hình quá nhiều rồi. Hơn nữa, được nhìn vào mắt khán giả của mình là điều thực sự tuyệt vời đối với một người nghệ sĩ”.

Sàn nhảy trong… ô tô

Trong bối cảnh cách ly xã hội do dịch bệnh, mỗi chiếc xe ô tô được ví như một chiếc hộp, nó đủ an toàn để bao bọc, giãn cách khi mọi người tham gia các sự kiện lớn tập trung đông người. Nắm bắt được điều này, rất nhiều sự kiện khác nhau đã chuyển sang tổ chức tại các… bãi đỗ xe thay vì được tổ chức trên các sân khấu truyền thống. Một trong số đó là sàn nhảy. Trong đại dịch, các hộp đêm hay quán bar, vũ trường thường được coi là những ổ dịch lớn, do đó chúng bị cấm hoạt động. Tuy nhiên, một hộp đêm ở Đức đã tìm ra cách độc đáo để tiếp tục hoạt động, đó là mở một sàn nhảy trong bãi đỗ xe với đầy đủ trang thiết bị âm thanh ánh sáng như vốn có, điều khác biệt là các khán giả sẽ cùng lắc lư theo điệu nhạc sôi động ngay trong chính chiếc xe cá nhân của mình.

Hàng trăm chiếc xe tham gia hộp đêmHàng trăm chiếc xe tham gia hộp đêm.

Index, một hộp đêm nhỏ do gia đình điều hành ở Schüttorf thường hoạt động vào mỗi cuối tuần. Hộp đêm này khá thành công trong việc tổ chức các buổi biểu diễn trong bãi đỗ xe. Dopebwoy, một rapper người Hà Lan, leo cầu thang lên sân khấu, quay sang phải và nhìn chằm chằm vào đám đông. Trước mắt anh là một biển xe. "Nước Đức!" Michael Jalink, bậc thầy về dẫn chương trình của Dopebwoyhét lên: “Bạn đã sẵn sàng cho Dopebwoy chưa?”. Những chiếc xe “khán giả” bấm còi inh ỏi thể hiện sự sẵn sàng. Có những người như ông Zwaagstra, khán giả đến từ Hà Lan, sẵn sàng lái xe cả trăm cây số để tới đây, tìm cho mình một chỗ đỗ xe và tận hưởng không khí sôi động của âm nhạc mỗi cuối tuần cùng hàng trăm chiếc xe khác. Một điều thú vị nữa là dù mọi người ở trong xe của mình nhưng họ vẫn có thể trò chuyện, làm quen với nhau bằng rất nhiều hình thức độc đáo như viết số điện thoại của mình lên bóng bay và giữ chúng bay là là sang xe bên cạnh. Một khán giả thốt lên: “Buổi diễn không còn giống một đêm thông thường trong câu lạc bộ nữa, nó giống như một lễ hội vậy!”.

Sân khấu kịch độc đáo

Ngành sân khấu chịu ảnh hưởng nặng nề do sự bùng phát của đại dịch khi hàng loạt các vở diễn bị huỷ bỏ, nhà hát phải đóng cửa... Sự khó khăn này đòi hỏi những người làm sân khấu phải tìm cách thích nghi, giải pháp hữu hiệu nhất là tổ chức các vở diễn ngoài trời, trong các bãi đỗ xe. Cách tổ chức này không những giúp các nghệ sĩ có thể tiếp tục đam mê của mìnhmà còn giúp khán giả thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc trong khi vẫn đảm bảo an toàn trước đại dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. Tham dự vở kịch đầu tiên sau hơn hai tháng, Marie Reslova, nhà phê bình sân khấu nổi tiếng người Séc lái xe đến Pra-ha, hướng đến một chợ rau lớn, đậu cạnh một chiếc xe thể thao mui trần và tắt động cơ. Chẳng mấy chốc, các diễn viên của Nhà hát Quốc gia Séc sải bước trên một sân khấu mới dựng cách xe bà Reslova vài mét.

Khán giả sẽ không còn phải bận tâm về dịch bệnh khi đi xem kịch theo cách nàyKhán giả sẽ không còn phải bận tâm về dịch bệnh khi đi xem kịch theo cách này.

Vở kịch đã bắt đầu. Sân khấu nhà hát cho khách trên ô tô tại chợ rau Pra-ha là một ví dụ đầy tham vọng về cách thức hoạt động mới mà các nhà hát sẽ áp dụng, nó vừa đảm bảo tuân thủ hạn chế tụ họp đông người, vừa giúp khán giản được thưởng thức nghệ thuật trực tiếp, cũng như các diễn viên có thể được thoả mãn đam mê diễn xuất. Khán giả sẽ được xem các vở kịch, hòa nhạc và hài kịch từ phía sau vô-lăng của mình. Khi muốn vỗ tay, khán giả sẽ bấm còi, để có thể nghe được lời thoại của các diễn viên, họ cần kết nối loa xe hơi của mình với một máy phát thanh di động được cung cấp bởi ban tổ chức. Bà Reslova trải lòng: "Đây không hoàn toàn giống với nhà hát truyền thống, thứ đã ăn sâu vào ký ức, nhưng tôi thà xem nó còn hơn là phải xem trực tuyến qua màn hình video". Peter Vancura, một trong các diễn viên, lúc đầu tỏ ra khá bối rối khi đối diện với mình không phải là những ánh mắt của khán giả mà là 30 chiếc xe ô tô. Nhưng sau đó anh nhận ra rằng mình có thể nhìn thấy một số biểu hiện của khán giả thông qua kính chắn gió, thậm chí anh còn nhìn thấy nụ cười của họ dành cho mình. Anh nói sau cánh gà: "Nó không quá tệ, hình thức biểu diễn mới này không làm mất đi mối liên kết giữa nghệ sĩ với khán giả".

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.