Nỗi đau “Cá vào ao mà không phải của ta!”

Chia sẻ

Chị Hoài – Chủ tịch Công đoàn công ty Dược gặp tôi mừng rỡ: “Chị ơi, chị cứu giúp anh Hởi “tâm huyết” với! Anh ý bị cô kia lừa đau đớn quá! Chạy vay tiền khắp nơi để trả cho đầu gấu. Cán bộ công ty nhiều người cho vay đều không thấy anh ấy có khả năng trả nợ, nên không cho vay nữa”!

Câu chuyện của Hoài đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thật không ai học hết chữ ngờ. Một cặp uyên ương từng có tình yêu sâu sắc, nắm tay nhau vượt qua mọi khó khăn trắc trở để nên vợ nên chồng, và câu chuyện tình yêu vượt khó của 2 người đã được một tờ báo uy tín viết bài ngợi ca, vậy mà sau 20 năm lại tan đàn xẻ nghé chỉ vì người thứ 3. Rồi cũng vì người đàn bà chen ngang này mà Hởi chia tay với “vợ cái con cột” chạy theo cô ả đến sạt nghiệp, đến tay trắng, đến vay nợ đầm đìa khắp mọi nơi, bị họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp quay lưng coi thường...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hởi vốn là em họ xa “bắn đại bác” của chồng tôi. Sau khi tốt nghiệp ĐH Dược, Hởi vào làm tại Cty Dược, vốn cao to khỏe mạnh lại có chút tài ăn nói, nên anh lọt mắt xanh một bà mẹ có con gái tên Hân kém Hởi vài tuổi, đang là giáo viên ngoại ngữ. Bà mẹ mối mai rồi cũng thành. Thế nhưng khi Hởi xin phép cưới, thì bố cô dâu lại nhất định không đồng ý. Ông chê Hởi đủ thứ trên đời, đặc biệt ông cho rằng một kẻ dẻo mỏ như Hởi sau này sẽ chỉ làm khổ con gái ông. Ông tuyên bố nếu Hân quyết cưới Hởi thì ông sẽ từ con gái! Hân van xin bố, mẹ Hân cũng van xin chồng, nhưng ông bố vẫn kiên quyết không thay đổi quan điểm. Trước sự kiên quyết của bố, Hân đành chấp nhận xách vali ra khỏi nhà, coi như bị bố từ mặt, để theo về làm vợ Hởi. Lúc đó Hởi không có nhà riêng tại Hà Nội, anh đang ở nhờ nhà bạn, nay Hân quyết theo chồng tương lai thì không biết đưa cô đến ở đâu. Thế là 2 người quyết định tìm đến nhà tôi – dù gì cũng là anh họ và chị dâu họ của Hởi. Nghe 2 người trình bày, và Hân cũng đã xách vali ra khỏi nhà bố mẹ, nên vợ chồng tôi vui vẻ chấp nhận cho Hân ở nhờ mấy tháng chờ đến ngày 2 người làm đám cưới.

Đến ngày cưới, Hởi vẫn không thể thuê nổi chỗ ở (mua nhà thì tất nhiên là không có tiền), tôi đành đến nhờ vợ chồng cậu em họ của tôi mới dọn về nhà ngoại, cho mượn nhà của họ để tổ chức đám cưới và ở tạm một thời gian. Hôm cưới, do bố của Hân dọa sẽ “thuê đầu gấu” đến phá, nên chồng tôi phải gọi mấy anh em thanh niên đến với tinh thần “bảo vệ đám cưới”, đồng thời cũng phải báo cáo với Công an phường, ngộ nhỡ có đầu gấu đến thật thì hôn lễ không bị hủy. Cũng may hôn lễ cũng thành công và còn có phần khiến nhiều quan khách rơi nước mắt khi thông tin “bố cô dâu không cho cưới, tuyên bố thuê đầu gấu đến phá” được người ta xì xào to nhỏ. Chính vì vậy mà sau này Hởi kể với một phóng viên, khiến anh này xúc động “câu chuyện tình ly kỳ” nên đã viết một bài báo rất cảm động về nghị lực vượt qua rào cản để bảo vệ tình yêu đích thực của Hởi và Hân, trong bài báo có nói về việc vợ chồng tôi cho “cặp uyên ương này ở nhờ lúc khó khăn”. Tờ báo này số lượng phát hành rất lớn, lúc báo đăng cũng nhiều người đọc rơi lệ, nhiều điện thoại hỏi thăm chúng tôi là đúng câu chuyện như thế hay không.

Vợ chồng Hởi sinh được 2 cô con gái. Vợ Hởi nhờ có nghề ngoại ngữ nên thời điểm những năm 1990 kiếm được nhiều tiền, vì vậy họ tích cóp mua được căn hộ 9m2, ít năm sau lại đổi được căn hộ 24m2, rồi tiến dần lên căn hộ khang trang. Bà mẹ đẻ của Hởi ra ở với vợ chồng Hởi giúp trông 2 cháu. Do chồng mất sớm, nên ít năm sau bà cũng khóa luôn cửa nhà ở quê, ở lại với vợ chồng Hởi tại Hà Nội. Cứ tưởng một gia đình khởi đầu từ tình yêu nồng thắm, vượt qua khó khăn mọi mặt để xây dựng hôn nhân, thì gia đình ấy phải hạnh phúc bền vững. Nhưng oái oăm là khi “no cơm ấm cật, dậm giật chân tay”, Hởi bắt đầu thấy hậm hực khi 2 ông anh ruột có con trai mà nhà Hởi lại chỉ có 2 con gái. Bà mẹ Hởi lại cũng thường thở dài riêng với Hởi là giá mà anh có thêm cậu con trai thì tốt.

Chả biết tại bà mẹ “mưa dầm thấm lâu” làm khát vọng muốn có con trai trong Hởi bùng lên, hay tại “cải mỏ dẻo như kẹo kéo dễ tán gái, phản bội vợ con” như bố Hân ngày xưa cảnh báo con gái, mà từ lúc nào Hởi “bập” vào một “nạ dòng”. Tuy tuổi cô Thương này ít hơn Hân nhưng cô ta đã lên chức bà ngoại do cô ta 18 tuổi lấy chồng và con gái cũng mới 19 tuổi đã có con. Lúc đầu Hởi và ả thống nhất chỉ là 2 người cặp kè vui vẻ vì chồng ả mất sớm. Không ngờ chỉ mấy tháng sau, ả thông báo với Hởi là ả đã mang thai và đi bắt mạch khẳng định thai trai. Hởi và bà mẹ mừng quýnh quáng, thế là trời cho “thằng cu chống gậy” rồi. Hởi chiều chuộng cô nhân tình hết cỡ. Khi mang thai đến tháng thứ 5 thì ả đòi Hởi phải cho ả danh phận. Thôi thì vì thằng con trai sắp ra đời, Hởi về thú nhận với vợ mong Hân cho công khai mối quan hệ này để còn nhận con. Hân nghe xong, choáng thực sự. Sau một trận khóc lóc tưng bừng, lại thấy mẹ chồng ủng hộ con trai cưới vợ lẽ, Hân tuyên bố: “Anh suy nghĩ cho kỹ, nghĩ kỹ xem anh có thể có con với cô ta không? Và nếu có thì có chắc là con trai không? Đừng để bị lừa! Còn nếu anh nhất định công khai với cô ta thì tôi lập tức ly hôn, chứ tôi không bao giờ chung chồng”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tính Hân thẳng tưng, nên Hởi có van xin cũng chả được. Hai vợ chồng nhanh chóng ly hôn. Để đàng hoàng đến với vợ mới, Hởi đồng ý mọi yêu cầu của vợ cũ: Bán nhà của 2 vợ chồng, chuyển hết tiền cho con gái lớn quản lý. Hởi hớn hở ra khỏi nhà với một chiếc xe máy và cái vali quần áo, hý hửng đến với Thương. Trước đây cặp kè thì Thương bảo cô ta là giám đốc một công ty bất động sản, làm ăn khấm khá nên tiền bạc của Hởi chả nghĩa lý gì. Nay Hởi tay không đến với Thương thì cô ta nói do làm ăn thua lỗ, bất động sản “đóng băng”, cô lại sắp sinh nên Hởi phải tính cho vợ con một chỗ ở ổn định. Hởi bàn với mẹ. Mẹ anh hý hửng có cháu trai nên quyết định đưa Thương về quê. Mà đã đưa dâu về quê thì rõ ràng phải công khai, phải có cưới xin đàng hoàng. Thế là vài chục mâm cỗ được dọn mời họ hàng làng xóm. Mọi người vừa ăn cỗ uống rượu vừa xì xào chê bai, nghi ngờ Hởi không chừng dại dột, bỏ vợ cái con cột, chạy theo cái ả mắt la mày lém này, ít hôm nó sinh con ra lại “oẳn tà roằn” không phải con anh Hởi thì buồn cười lắm nhỉ?

Ít lâu thì Thương sinh thằng cu thật. Bà mẹ và Hởi mừng hý hửng. Chị dâu cả nhà Hởi nhắc khẽ bà: “Nhà con đã có cháu đích tôn của họ ta rồi. Cô Thương mới sinh cu tý, bà đừng có tỏ ra mừng quá, làng nước người ta cười sau lưng ấy”. Nhiều bà bạn già với bà Hởi sang chơi ăn trầu, cũng ghé mắt khen cu tý bụ bẫm, nhưng lại “lẩy” khéo: “Chả thấy giống anh Hởi nhà ta tẹo nào. Chắc cu tý chỉ giống mẹ thôi”. Thương thấy tình hình như thế cũng khó sống, nên đòi Hởi phải lo nhà ở Hà Nội cho mẹ con cô. Hởi đành đi thuê một căn nhà nhỏ, xa trung tâm. Thôi thì anh đi làm xa một tý, nhưng có thằng cu ở bên, cứ đi làm về được nựng nó là thích rồi. Nhưng lạ là cứ ít hôm lại có một nhóm đàn ông xăm trổ đến tìm Thương, mỗi lần như vậy mặt cô lại biến sắc, cô ra ngoài thì thụt một lát thì họ về, tối hôm sau họ lại đến. Hôm đầu Hởi hỏi thì Thương nói không sao, chuyện làm ăn có nợ nần là thường. Thế nhưng ít hôm sau thì Thương khóc, đưa cho Hởi mảnh giấy bọn chủ nợ đòi trả trước 50 triệu, nếu không thì chúng bắt cóc con trai. Hởi đòi báo Công an. Thương không cho, ả nói bọn xã hội này nó mà thù thì sợ lắm, con trai mới mấy tháng tuổi, tốt nhất là anh kiếm ở đâu hay vay mượn trả cho chúng. Hởi đành nghe theo. Trả xong 50 triệu đó, thì yên được mấy hôm, chúng lại kéo đến. Hết tốp này đến tốp khác, lúc 3 chục, lúc 7 chục triệu, không trả thì chúng bắt con! Nhìn thằng bé bi bô, lon ton chạy ra đón bố khi anh đi làm về, Hởi không lòng dạ nào mà để cho bọn xã hội bắt con trai của mình. Thế là anh lại chạy vạy vay mượn khắp nơi. Hết họ hàng, bạn bè thân sơ, anh vay cả đồng nghiệp trong công ty. Nhoằng cái anh đã nộp cho bọn xã hội mấy trăm triệu mà vẫn chưa yên. Mỗi lần Thương giục tiền thì anh lại vắt óc ra nghĩ xem vay giật ở đâu. Cuối cùng thì anh muối mặt đi gặp con gái lớn.

Con gái nghe sự tình của bố, tỏ ra thương cảm, hứa ngày mai sẽ qua “thăm em bé” rồi sẽ hỗ trợ bố trả nợ giúp cô. Ngày mai 2 chị em con gái theo địa chỉ bố cho, tìm đến “thăm em”. Quà cáp rõ là tình cảm, lại hứa là mấy hôm sau con thu xếp tiền nong rồi sẽ gọi bố qua gặp. Hởi mừng rỡ trong lòng, nghĩ các con lớn rồi, 23-25 tuổi cả rồi, không những không hận bố mà còn biết thương bố thương em, dù sao thì bố ra đi tay trắng là để lại hết cho 2 con gái. Mấy hôm sau, con gái cả gọi điện hẹn gặp, Hởi mừng rỡ báo với Thương “Thế là lại có tiền rồi nhé! Đã bảo em yên tâm mà”. Nhưng ở đời Hởi cũng không học hết chữ ngờ. Cô con gái lớn mời bố đến một quán cafe gần Nhà hát Lớn. Sau câu “chào bố” quen thuộc, nó bắt đầu nói:

- Bố ạ, Chủ nhật tuần này bên nhà trai sang ăn hỏi con. Con báo cho bố biết thôi chứ không mời và cũng không mong bố về. Bố đã quyết tâm bỏ rơi 3 mẹ con con, nhà bạn con họ cũng chê cười, suýt thì chúng con không cưới được nhau. Thứ 7 tuần sau chúng con cưới, con và mẹ cũng bàn là không cần bố đến dự...
Hởi nghe choáng quá! Anh rối rít xin lỗi con, xin 3 mẹ con tha thứ và cho bố về dự cưới con gái, đó cũng là tình cảm và cũng là trách nhiệm của người làm cha. Nhưng con gái vẫn lạnh lùng nói tiếp:

- Nếu bố nghĩ đến trách nhiệm và tình cảm này thì bố đã không cặp bồ, bố đã không nhẫn tâm bỏ rơi 3 mẹ con vào lúc em gái con đang chuẩn bị thi đại học. Bố đã quyết vứt bỏ tất cả chạy theo ả ta, một kẻ vô học, không việc làm, sống dựa vào bố, chỉ vì ảo tưởng bố sẽ có con trai. Đây, bố đọc đi, xét nghiệm ADN của thằng bé đây, nó – không – phải – con – trai – bố!

Hởi vồ lấy tờ kết quả xét nghiệm xem. Không lẽ nào Thương lừa anh? 2 đứa con gái anh cũng ghê gớm thật. Chúng lừa anh cho địa chỉ, chúng đến vờ ủng hộ bố, nhưng là để chúng lấy mẫu của thằng bé đem xét nghiệm ADN!

Con gái bỏ đi từ lúc nào, cũng chả thèm chào bố. Hởi lật đật chạy xe về nhà. Thương tưởng chồng đem tiền về, hồ hởi chạy ra đón. Hởi chìa cái ADN ra: “Con ai? Hả? Cô lừa tôi!”. Không ngờ Thương lạnh tanh: “Anh thích con trai thì anh tự nhận chứ! Tôi mà biết anh nghèo hèn chứ không phải như cái mỏ dẻo kẹo của anh thì tôi chả thèm lừa anh”. Hởi định cho ả cái bạt tai, thì ả đã bế thằng cu con lên: “Thôi, anh biết rồi thì tôi đưa con tôi đi. Bố nó đi tù sắp ra”.

Hởi ngẩn người, nhìn theo ả phóng xe máy đưa cu tý đi mất dạng. Anh vò đầu bứt tai: Thế mà dạo trước có người ở cty hỏi đùa đã xét nghiệm ADN chưa, mình còn tự tin khẳng định “Cá vào ao ta thì ta được”! Thật không ngờ cay đắng thế này!

TRẦN HÀ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.