Sáng mãi tinh thần thanh niên xung phong

Chia sẻ

Vào ngày 15/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành lập lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) phục vụ cho chiến dịch Biên giới Thu đông 1950 tại núi Hồng (xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).

Lực lượng ban đầu có tên gọi là "Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương", gồm có 225 đội viên, do Vương Bích Vượng, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh làm đội trưởng. 

Từ con số 225 đội viên ban đầu, sau đó đã nhân lên thành 530.000 TNXP qua các thời kỳ chiến tranh. Và trở thành một lực lượng xung kích góp phần làm nên thắng lợi, dành độc lập dân tộc.

Sau khi được thành lập và phát triển, nhiệm vụ của TNXP rất đa dạng gồm có vận tải (đạn dược, thương binh, lương thực), mở đường, rà phá bom mìn, tiếp đạn, thu dọn chiến trường. Đặc biệt trong các cuộc kháng chiến, với tinh thần xung kích, lực lượng TNXP đã để lại những tấm gương đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước, để các thế hệ thanh niên nối tiếp noi theo, trong đó có không ít tấm gương nữ TNXP như: 10 nữ TNXP hi sinh ở Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), 13 nữ TNXP hi sinh tại Truông Bồn (Nghệ An)... Đó là những thanh niên tuổi đang 18, đôi mươi thực hiện nhiệm vụ giữ cho các tuyến đường vận tải huyết mạch được thông suốt. Họ đã sống và thực hiện nhiệm vụ với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, luôn nêu cao khẩu hiệu: “Máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt". Chính tinh thần đó đã tiếp thêm sức mạnh cho hàng trăm ngàn TNXP hoàn thành nhiệm vụ, không tiếc thân mình hi sinh cho công cuộc dành độc lập dân tộc.

Những cô gái thanh niên xung phong một thời chống Mỹ cứu nước.Những cô gái thanh niên xung phong một thời chống Mỹ cứu nước.

70 năm trôi qua, lần dở lại lịch sử, chúng ta không khỏi khâm phục và tự hào về những đóng góp của lực lượng TNXP. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, từ chiến dịch Biên giới (1950) cho tới chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, lực lượng TNXP đều có những đóng góp rất lớn. Đầu tháng 9/1950, Đội TNXP công tác Trung ương nhận lệnh đi phục vụ chiến dịch Biên giới. Đêm 16/9/1950, quân ta nổ súng đánh đồn Đông Khê và giành thắng lợi lúc 10 giờ sáng ngày 18/9/1950. Trong trận này, các đội viên TNXP luôn bám sát bộ đội, vượt lửa đạn đưa thương binh về tuyến sau và thu dọn chiến trường. Điều đặc biệt là sau đó 150 đội viên đã vận chuyển 8 tấn đạn chiến lợi phẩm từ Đông Khê về kho an toàn trên quãng đường 5km chỉ trong 10 giờ, vượt dự kiến của trên là 300 người vận chuyển trong 3 ngày. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, 16.000 TNXP đã sửa chữa, mở rộng 3.300km đường, phá hàng nghìn quả bom nổ chậm, đảm bảo giao thông tại 60 bến phà…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ kinh nghiệm của lực lượng TNXP kháng chiến chống Pháp, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNLĐ Việt Nam đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị với Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ cho phép thành lập Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung trong phạm vi cả nước. Ngày 21/ 6/ 1965, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 71/TTg-CN về tổ chức các “Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước nêu rõ: “Để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của thanh niên trong việc đảm đương các nhiệm vụ khó khăn nhưng vẻ vang đó, Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ đã quyết định giao cho Trung ương Đoàn Thanh niên lao động tổ chức các “Đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước” làm nhiệm vụ đảm bảo các công việc về giao thông vận tải trên các tuyến đường trọng yếu…”.

Chỉ trong vòng 3 tháng, kể từ ngày Đội TNXP chống Mỹ cứu nước đầu tiên được thành lập đã có 54.122 đoàn viên thanh niên của 18 tỉnh, thành phố trên toàn miền Bắc gia nhập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, trong đó có 24.126 nữ, chiếm tỷ lệ 44%, được tổ chức thành 32 đội.

Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước có nhiệm vụ: Xây dựng các công trình cấp thiết về quốc phòng và kinh tế; Xây dựng và sửa chữa các cầu, phà, đường bị địch phá hoại, bằng mọi cách khôi phục nhanh chóng giao thông, bảo đảm cho việc vận chuyển thông suốt, liên tục; Bốc xếp, chuyển tải và vận chuyển hàng hóa ở các đoạn đường khó khăn; Cứu chữa hàng hóa và các phương tiện vận tải trong các trường hợp địch đánh phá; Chiến đấu chống sự phá hoại của địch để bảo vệ đường, phà, cầu và các phương tiện giao thông vận tải khi cần thiết; Bổ sung cho quân đội trong trường hợp cần thiết.

Thanh niên xung phong đi tải đạn.Thanh niên xung phong đi tải đạn.

Với tinh thần “Ba sẵn sàng”, lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước đã có mặt trên khắp mọi tuyến đường ra trận, hăng hái chiến đấu, lao động sáng tạo, học tập, rèn luyện, sẵn sàng hy sinh anh dũng, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, lực lượng TNXP lại tiếp tục có mặt trên mọi mặt trận lao động, sản xuất xây dựng đất nước.

Trải qua những cuộc chiến, lực lượng TNXP đã có khoảng 10.000 người hi sinh, 45.000 người bị thương, 10.000 người bị nhiễm chất độc màu da cam. Những đóng góp to lớn của lực lượng TNXP, Đảng và Nhà nước đã có những ghi nhận bằng các danh hiệu cho các tập thể và cá nhân.

Nhưng, giá trị lịch sử ghi nhận ở lực lượng TNXP chính là tinh thần xung kích, không ngại khó ngại khổ, có thể "dời non lấp biển". Chính tinh thần này đang được các thế hệ thanh niên hiện nay phát huy mạnh mẽ để đưa đất nước ghi danh trên bản đồ thế giới trong nhiều lĩnh vực. Quốc kỳ Việt Nam đã được nhiều thanh niên dương cao trên các đấu trường, kiêu hãnh, tự hào tung bay bên cạnh các cường quốc phát triển. Nhiều thanh niên đã sáng tạo, phát huy nội lực, học tập, lao động làm giàu trên mảnh đất quê hương, cho ra đời những sản phẩm, phát minh phục vụ vào sự phát triển của đất nước. Đúng như 4 câu thơ Bác Hồ dành tặng cho TNXP: "Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên".

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.
Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.