Giờ "G" đã điểm

Chia sẻ

Ngày 17-18/7/2020, gần 89.000 thí sinh trên tổng số hơn 104.000 học sinh Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021. Đây là năm học thứ hai Hà Nội áp dụng phương thức thi tuyển để tuyển sinh lớp 10 THPT được đánh giá gay cấn hơn cả kỳ thi đại học.

Thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 (Ảnh: TT)Thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 (Ảnh: TT)

Hà Nội đã chuẩn bị hơn 3.700 phòng thi, điều động khoảng 12.000 cán bộ coi thi, cán bộ giám sát và gần 1.700 cán bộ phục vụ kỳ thi này.

Những điểm mới cần lưu ý

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, năm nay, học sinh Hà Nội đã có kỳ nghỉ lịch sử kéo dài 3 tháng sau Tết Nguyên đán. Để giảm áp lực cho học sinh, UBND TP Hà Nội đã quyết định chỉ tổ chức 3 môn là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thay vì 4 môn như phương án dự kiến trước đó.

Trong đó, với bài thi ngoại ngữ thí sinh làm bài dưới hình thức trắc nghiệm khách quan thay vì tự luận như những năm trước. Ngoài ra, lần đầu tiên Hà Nội bổ sung môn Ngoại ngữ tiếng Hàn trong thi tuyển sinh lớp 10 và triển khai dạy ngoại ngữ Hàn vào một số trường THPT. Các môn Toán, Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút/bài.

Công bố số điện thoại thanh tra thi

Sở GD-ĐT đã công bố công bố số điện thoại của Thanh tra Sở GD-ĐT trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 như sau: 024.38252276 và 088 8996977; Email: thanhtraso@hanoi.edu.vn. Thanh tra có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện kỳ thi đúng Quy chế thi; Kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh về kỳ thi; Phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm nhằm bảo đảm Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan...

Năm nay, nội dung kiến thức trong đề thi cũng được giảm tải, bám sát chương trình cơ bản bậc THCS, chủ yếu là lớp 9. Đề thi môn Toán, Ngữ văn theo 4 cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. Đề thi Ngoại ngữ đảm bảo các cấp độ thông hiểu và vận dụng cấp độ thấp.

Toàn TP có 12 khu vực tuyển sinh. Theo quy định của Sở GD-ĐT, mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự ưu tiên là nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2. Nếu học sinh dự tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trường ngoài công lập thì không khống chế nguyện vọng.

Thí sinh dự tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập sẽ được tính điểm xét tuyển theo nguyên tắc: điểm môn Toán + Ngữ văn (hệ số 2) và điểm môn Ngoại ngữ (hệ số 1) + điểm ưu tiên (nếu có). Thí sinh có đủ số bài thi, không vi phạm quy chế đến mức bị hủy bài thi, không có bài thi điểm 0 thì mới đủ điều kiện xét tuyển. Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên. Trong đó điểm chuẩn nguyện vọng 2 phải cao hơn nguyện vọng 1 là 1,5 điểm. Nếu trúng tuyển nguyện vọng 1 thì không được xét tuyển nguyện vọng 2.

Lưu ý với thí sinh trong làm bài thi

Theo cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên môn Ngữ văn tại hệ thống Giáo dục Học Mãi, đối với môn Ngữ văn, trong phần thi Đọc hiểu, học sinh cần xác định kĩ dạng câu hỏi, chú ý các câu hỏi vận dụng, những yêu cầu về tiếng Việt (các biện pháp tu từ, các kiểu câu, các phép liên kết, phương pháp hội thoại…). Để giành điểm cao phần Nghị luận xã hội, học sinh nên đưa vào bài thi những dẫn chứng mới, tiêu biểu thay vì những dẫn chứng đã quá quen thuộc. Ngoài ra, trong phần Nghị luận văn học học sinh cũng cần nắm vững các lí luận cơ bản, phân tích nhân vật (xuất thân, ngoại hình, tính cách, phẩm chất, số phận…), phân tích đoạn thơ, bài thơ cần lưu ý phân tích từ nghệ thuật đến nội dung.

Đã nhiều năm giúp các học sinh ôn luyện môn Ngữ văn vào lớp 10, cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Tổ trưởng Tổ Xã hội, trường THCS Lương Yên, Hai Bà Trưng chia sẻ, để làm tốt bài thi, trước tiên, học sinh cần bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng. Lưu ý, đề thi Ngữ văn những năm gần đây khá đề cao năng lực đọc hiểu, tạo lập văn bản của học sinh. Khi vào phòng thi, sau khi nhận đề thi, thí sinh không vội vàng làm bài ngay mà nên đọc tổng thể đề, sau đó dùng bút chì gạch vào những từ trọng tâm như “em suy nghĩ gì”, “em cảm nhận như thế nào”, tránh bị “lạc lối” bởi câu dẫn của đề.

Đối với môn tiếng Anh, cô Như Quỳnh, giáo viên tiếng Anh hệ thống giáo dục Vinastudy cho biết có một bí quyết là các thí sinh cần bám sát cấu trúc đề để hệ thống lại các kiến thức trọng tâm cần ôn tập, tập trung chủ yếu vào các kiến thức cơ bản bám sát sách giáo khoa. Trong phần ngữ pháp, các em nên nắm chắc các thì của động từ; câu điều kiện, điều ước với wish; đại từ và mệnh đề quan hệ; Phân từ quá khứ, phân từ hiện tại, Câu bị động, câu hỏi đuôi, câu gián tiếp; Với phần từ vựng cơ bản cần học theo chủ điểm và lưu ý cấu tạo từ, các từ hay nhầm lẫn, cụm động từ, từ đồng nghĩa, trái nghĩa… Phần ngữ âm cũng khá quan trọng, muốn làm đúng, học sinh cần nắm vững các quy tắc phát âm cơ bản của nguyên âm, phụ âm, quy tắc trọng âm của từ có 2 hoặc nhiều âm tiết.

Năm nay, bài thi Ngoại ngữ sẽ làm theo hình thức trắc nghiệm, cô Quỳnh lưu ý: “Với bài thi trắc nghiệm, học sinh cần cân nhắc kỹ giữa các đáp án dựa vào các dấu hiệu ngữ pháp, từ vựng để chọn ra đáp án đúng hoặc sử dụng phương án loại trừ, bỏ đi các đáp án sai”.

Theo thầy Nguyễn Thành Long, hệ thống giáo dục Vinastudy, trong môn Toán, học sinh thường mắc một số lỗi dẫn tới mất điểm là đọc sai đề, hiểu nhầm ý của câu hỏi, vẽ sai hình. Một số em bỏ sót yêu cầu của đề dẫn đến làm thiếu ý, nhớ nhầm công thức, khái niệm, định lý hay trình bày quá vắn tắt, bỏ bước… Muốn làm bài thi Toán đạt điểm cao, học sinh phải trình bày rõ ràng, đọc thật kỹ đề bài, chép đề thật chính xác. Đối với bài Hình, hãy phân tích, triển khai ý tưởng ra giấy nháp và làm trực tiếp vào giấy thi. Khi làm xong bài hình cần quay lại kiểm tra các câu đã làm, tính toán lại các phép tính, kiểm tra kết luận của từng bài. Nếu bỏ sót ý thì làm bổ sung, sai thì sửa lại. Sau khi đã chắc chắn các câu trên mới dành thời gian suy nghĩ câu cuối cùng.

TRUNG THU

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.