Đạo hiếu bị xuống cấp bởi bạo lực gia đình

Chia sẻ

Tình trạng bạo lực gia đình khiến đạo đức gia đình, đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ bị xuống cấp đang diễn ra ngày một nhiều. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, giải pháp nào để khắc phục? Báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia tâm lý, TS Đinh Đoàn xung quanh vấn đề này.

Người mẹ bại liệt bị con trai đánh phải nhập viện cấp cứu tại Hải Dương ngày 7/7/2020Người mẹ bại liệt bị con trai đánh phải nhập viện cấp cứu tại Hải Dương ngày 7/7/2020

- Vụ việc con trai bất hiếu đánh mẹ 84 tuổi bị bại liệt vừa xảy ra ở Hải Dương, và clip con trai đánh bố mẹ ở TP HCM xảy ra đầu tháng 7 đang khiến dư luận bất bình, phẫn nộ. Đáng tiếc, đây không phải là trường hợp cha mẹ già bị con cái bạo hành, ngược đãi đầu tiên, bởi trước đó cũng đã diễn ra nhiều vụ việc tương tự. Ông nhận xét thế nào về tình trạng con cái bạo lực cha mẹ già xảy ra trong thời gian qua?

- Con cái trưởng thành bạo hành cha mẹ già là điều không hiếm gặp trong thực tế cuộc sống hiện nay. Nguyên nhân có nhiều, nhưng một trong những lý do khiến tình trạng con cái bạo lực cha mẹ nói riêng và bạo lực gia đình nói chung vẫn còn phổ biến là do những quy định về trình báo, thủ tục xử lý vụ việc chưa nghiêm của pháp luật. Những vụ xét xử về bạo lực gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà đấy phải là những vụ gây hậu quả nghiêm trọng tới mức không thể… không xử.

Một lý do khác, xuất phát từ việc bao dung, sự hi sinh của cha mẹ đối với con cái theo kiểu “nước mắt chảy xuôi”. Dù bị con cái ngược đãi, hành hạ nhưng cha mẹ vẫn vì “thương con” mà bỏ qua, chấp nhận. Chẳng người cha, người mẹ nào lại nỡ tố cáo con cái mình, đẩy chúng vào cảnh bị pháp luật xét xử, tù tội.

- Có ý kiến cho rằng nguyên nhân khiến cha mẹ bị con cái bạo lực đó là phân chia tài sản không đồng đều cho các con; hoặc do không có kinh tế sống phụ thuộc con cái khi về già? Theo ông làm thế nào để hạn chế được tình trạng này? Khi mà lâu nay quan niệm văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, việc phụng dưỡng cha mẹ già vẫn là trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái?

- Xã hội đã thay đổi quá nhiều, nhưng quan niệm, tư duy cũ vẫn tồn tại. Người ta vẫn “dạy bảo” nhau rằng con cái là của để dành của cha mẹ, rằng cha mẹ hết lòng lo cho con rồi sau này “trẻ cậy cha già cậy con”, kêu gọi cha mẹ hy sinh tất cả vì con, còn bản thân mình lại không quan tâm nhiều. Có những ông bố bà mẹ cả đời tích góp được ít tiền thì mua đất, xây nhà to… rồi đưa cả sổ đỏ cho con giữ. Cảnh những cụ già không tiền, không nhà (nhà đã chia hết cho các con rồi), đau yếu kéo dài nhưng không được con cái chăm sóc, phụng dưỡng khiến cuộc sống có nhiều rủi ro diễn ra không ít.

Do đó, chúng ta nên dần thay đổi quan điểm sống, đó là cha mẹ sinh con, nuôi con ăn học, nhưng phải biết tích cóp cho bản thân, phòng khi yếu đau, về già. Khi con đã trưởng thành thì cha mẹ hãy “tạm dừng” trách nhiệm. Nếu có tài sản, trước khi nghĩ đến chuyện chia cho con, hãy giữ lại phần cho mình. Việc phân chia tài sản, cha mẹ hãy làm khi còn khoẻ, minh mẫn, chia công bằng, tránh tình trạng vì tài sản mà các con xào xáo nhau. Nếu có tài chính độc lập, trong xu hướng sống hiện đại, cha mẹ có thể lựa chọn hình thức sống già cùng con cháu, hoặc trong các trung tâm dưỡng lão, tiện cho mình mà thuận lợi cho con cái. Vì hiện nay, con cái mang tiếng sống chung với bố mẹ, nhưng đa số không có thời gian chăm sóc, chủ yếu nhờ vào dịch vụ giúp việc, kể cả khi đau ốm, nằm viện.

- Trong vụ việc ở diễn ra ở Hải Dương, có nhân chứng cho rằng nguyên nhân khiến sự việc con trai bạo lực mẹ là trước đó, người con trai đã có hành vi bạo lực vợ nhiều lần. Tuy nhiên, người vợ đã che giấu, cam chịu nên người chồng càng có hành vi bạo lực tái diễn. Ông có ý kiến gì về vấn đề cam chịu, bạo lực của phụ nữ hiện nay?

- Bạo lực không được ngăn chặn, nó sẽ leo thang. Người chồng đánh được con, đánh được vợ mà chẳng ai làm gì anh ta, thì sẽ có ngày anh ta đánh bố mẹ. Nhưng nhiều người không nhận ra điều đó, vẫn nghĩ chỉ là anh ta nóng tính, có chút rượu vào không làm chủ bản thân, nên chấp nhận “bỏ qua” cho người gây bạo lực. Đó cũng là lý do khiến bạo lực gia đình khó ngăn chặn, đẩy lùi.

Việc phụ nữ cam chịu BLGĐ không ít, cũng ẩn chưa nhiều nguyên nhân trong đó. Từ ý thức, quan niệm sống trong gia đình và xã hội vẫn xem BLGĐ là chuyện riêng, không phải chuyện chung. Định kiến xã hội khi nhìn nhận người phụ nữ tố cáo chồng bạo hành mình, khiến chồng bị pháp luật xử lý vẫn còn nặng nề…khiến họ chấp nhận cam chịu. Mặt khác, sự bất cập trong việc xử lý các vụ việc BLGĐ từ các cấp chính quyền, đoàn thể của chúng ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, khiến cho nạn nhân ngại công khai mình bị bạo lực, hoặc dũng cảm đứng lên tố cáo BLGĐ.

- Chúng ta đã có Luật Phòng chống bạo lực gia đình, nhưng tình trạng BLGĐ leo thang vẫn đang diễn ra trầm trọng. Theo ông nguyên nhân là do đâu, và có giải pháp nào để giải quyết tình trạng này?

- Nguyên nhân chủ yếu vẫn là công tác tuyên truyền, phổ biến Luật chưa lên tục, chưa phủ sóng tới từng người dân, nhất là nam giới. Những văn bản dưới luật cũng chưa thực sự có hiệu quả. Dây chuyền từ phát hiện, can thiệp, tư vấn, báo cáo, xử lý các vụ việc còn chưa liên hoàn… Nói chung, chúng ta phản ứng với các vụ BLGĐ mới dừng lại ở mức “ném đá”, bày tỏ bức xúc, lên án, nhưng những việc làm cụ thể thì chưa nhiều. Do đó, để Luật ngày càng thật sự có hiệu quả trong cuộc sống, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, xem vấn đề BLGĐ là chuyện chung, “chuyện lớn” chứ không phải “chuyện nhỏ” trong mỗi gia đình. Việc xử phạt cần nghiêm minh, công tác truyền thông giáo dục cần phổ biến trong tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi để ai cũng hiểu và nắm rõ việc phòng chống bạo lực gia đình từ mọi góc độ.

Trân trọng cảm ơn ông!

HẠ THI (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.