Biến "nguy" thành "cơ"

Chia sẻ

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra áp lực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh nghiệp khởi nghiệp (Startup) trên toàn quốc, trong đó có những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Đứng trước thách thức, nhiều doanh nghiệp nữ đã nhanh nhạy nắm bắt xu thế, chuyển mình, sáng tạo để biến “nguy” thành “cơ”.

Lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội, Sở NN&PTNT TP tham quan các sản phẩm nông nghiệp sạch, sáng tạoLãnh đạo Hội LHPN Hà Nội, Sở NN&PTNT TP tham quan các sản phẩm nông nghiệp sạch, sáng tạo (Ảnh: Q.A) 

Với các Startup, tham gia các buổi trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm là cách làm hay, cần thiết để họ định vị sản phẩm trong thói quen người tiêu dùngVới các Startup, tham gia các buổi trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm là cách làm hay, cần thiết để họ định vị sản phẩm trong thói quen người tiêu dùng (Ảnh: Q.A)

Với các Startup, tham gia các buổi trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm là cách làm hay, cần thiết để họ định vị sản phẩm trong thói quen người tiêu dùngVới các Startup, tham gia các buổi trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm là cách làm hay, cần thiết để họ định vị sản phẩm trong thói quen người tiêu dùng (Ảnh: Q.A)

Kinh doanh bị “đảo lộn” vì Covid-19

Một khảo sát về mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 được thực hiện từ ngày 27-30/4/2020, thu hút 254 Startup Việt Nam ở nhiều nhóm lĩnh vực tham gia (trong đó: 73% Startup có dưới 10 lao động) cho thấy: Chỉ có 3% Startup bị ảnh hưởng một cách hạn chế, không đáng kể, còn lại 50% Startup xác nhận đang hoạt động cầm chừng, phát sinh thu nhập không đáng kể; 23% Startup cho rằng đang mất đi cơ hội gọi vốn và mở rộng thị trường; 20% Startup chọn dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh; 4% Startup phải dừng mọi hoạt động quảng cáo trên tất cả các nền tảng kể cả online và offline nhằm tiết kiệm chi phí.

Hội LHPN Hà Nội:

Nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp

Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Thị Thiên Hương cho biết: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các cấp Hội LHPN đã và đang tích cực triển khai. Nhiều năm qua, Hội đã tổ chức nhiều chương trình tư vấn, đề án giúp đỡ phụ nữ, hướng tới tìm đầu ra cho sản phẩm, kết nối xúc tiến thương mại cho nữ doanh nhân… nhất là trong thời điểm hoạt động kinh tế - xã hội đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Từ chương trình hỗ trợ của Hội đã khơi nguồn và hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp cho nhiều hội viên, phụ nữ khởi nghiệp phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống. Trong 3 năm qua các cấp hội phụ nữ đã tư vấn hỗ trợ được 1.462 phụ nữ khởi nghiệp, trên 4.500 DN nữ được tham gia các khóa đào tạo tập huấn, 421 lượt doanh nghiệp được kết nối xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều doanh nghiệp và một bộ phận các nhà sản xuất nhỏ lẻ, năng lực tiếp cận thị trường hạn hẹp, ít có cơ hội được kết nối vào các chuỗi giá trị lớn, ổn định. Bởi vậy, để cả người bán và người mua “cùng có lợi” - nhu cầu mua bán được ngày càng phong phú, rất cần một hệ thống giao dịch giúp các nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng được kết nối dễ dàng. Trước thực tiễn đó, mới đây Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ (Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, tổ chức khai trương Văn phòng tuyển sinh và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; điểm kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn và truyền thông trang thương mại điện tử Chonhaminh.gov.vn. Chợ thương mại điện tử này là điểm kết nối giữa đơn vị kinh doanh sản phẩm nông nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn TP Hà Nội, cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi trên địa bàn TP. Hiện nay, Chonhaminh.gov.vn có gần 250 sản phẩm, minh bạch về nguồn gốc, chất lượng và giá cả. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trước những bức xúc đặt ra về an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn và truyền thông trang thương mại điện tử Chonhaminh.gov.vn là chỗ dựa quan trọng cho người tiêu dùng, các nhà doanh nghiệp và cơ quan thực thi công vụ, nâng cao trách nhiệm trong công tác an toàn thực phẩm nói chung và nông sản thực phẩm nói riêng. Theo bà Nguyễn Thị Hảo - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội: Đây sẽ là địa chỉ kết nối hàng trăm sản phẩm an toàn, sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng Thủ đô với mức giá phù hợp; giúp hình thành chuỗi hỗ trợ doanh nhân nữ trên địa bàn TP; qua đó thúc đẩy các cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, khởi nghiệp thành công…

Quỳnh Anh

Mới thành lập được hơn nửa năm, lại đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Công ty cổ phần (CTCP) Thanh Thanh Food Việt Nam - kinh doanh sản phẩm gà mía sạch từ vùng quê Đan Phượng của Giám đốc Hoàng Thị Thảo (26 tuổi) gặp không ít khó khăn. Tác động của dịch bệnh cùng những quy định giãn cách, cách ly xã hội… khiến hoạt động giới thiệu, cung ứng sản phẩm ra thị trường bị đình trệ, doanh thu gần như không có trong khi vẫn phải chi trả lương nhân viên, mặt bằng, sản xuất…

Tương tự, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hơn 50% lao động trong CTCP đầu tư TGYM Việt Nam (Hà Nội) - đơn vị kinh doanh phòng tập thể hình, trung tâm tiếng Anh, bệnh viện tư nhân phải nghỉ việc. Chị Trần Thị Oanh - Chủ tịch HĐQT Công ty TGYM Việt Nam cho biết: “Các lao động nghỉ việc đều được công ty hỗ trợ hơn 50% tiền lương. Riêng với giáo viên tiếng Anh người nước ngoài, công ty vẫn trả đủ lương do họ còn dạy online. Mỗi ngày, công ty báo lỗ đến vài chục triệu/ mặt bằng. Chúng tôi cũng có ý kiến với chủ cho thuê xin được giảm giá mặt bằng nhưng chưa được hồi âm” - chị Oanh kể.

Trong khi đó, công ty Thép Phú Thành (KCN Quốc Oai, Thạch Thất, Hà Nội) dù chưa phải tính đến cắt giảm nhân sự, nhưng doanh thu đã sụt giảm tới 50% cả về lượng hàng hóa bán ra và giá thành; các dự án phải dừng hoặc chậm lại. Chị Nguyễn Thị Bích Liên - Chủ tịch HĐQT công ty Thép Phú Thành chia sẻ: Công ty vẫn đang cố gắng san sẻ với người lao động. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh khiến cả hai bên đều cảm thấy mệt mỏi.

Đi vào hoạt động dưới mô hình hợp tác xã (HTX) từ 2018 đến năm 2019, HTX Vụn Art (Hà Đông, Hà Nội) mới bắt đầu có lợi nhuận nhờ sản xuất, kinh doanh tranh ghép từ những miếng vải vụn lụa Vạn Phúc. Theo kế hoạch, trong năm 2020, Vụn Art sẽ thí điểm chuyển giao việc làm đến làng trẻ Hòa Bình để mở rộng sản xuất; đồng thời ký kết hợp đồng hợp tác với đại diện 2 công ty du lịch của Pháp, Tây Ban Nha để đưa khách tham quan du lịch làng lụa.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 bất ngờ xảy đến, hoạt động du lịch buộc phải hủy bỏ. Các doanh nghiệp đối tác (thường mua sản phẩm thủ công của Vụn Art làm quà tặng cho khách hàng) cũng gặp nhiều khó khăn, nên lượng sản phẩm tiêu thụ giảm, dẫn tới doanh thu của HTX Vụn Art cũng đi xuống. Kinh phí duy trì sản xuất, trang trải các chi phí phát sinh như: lương cho 17 nhân viên - hầu hết là người khuyết tật, đa phần là nữ giới; chi phí thuê mặt bằng, nguyên vật liệu, điện nước… những tháng sau dịch hầu hết lấy từ quỹ lợi nhuận ít ỏi thu được trong năm 2019 của Vụn Art.

Biến thách thức thành cơ hội

Sau những ngày đầu thành lập còn nhiều bỡ ngỡ, đứng trước bài toán phải vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, đến nay nữ giám đốc trẻ Hoàng Thị Thảo (CTCP Thanh Thanh Food Việt Nam) đã tìm được hướng đi cho công ty bằng việc vừa nâng cao chất lượng sản phẩm gà mía, bò; vừa nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo ra các loại nước sốt đi kèm, thiết kế mẫu mã bao bì bắt mắt. Hiện công ty của chị Thảo có 10 lao động chính; nhân viên thường xuyên được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn. Nhờ vậy, sản phẩm của công ty thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng.

Nhân viên HTX Vụn Art say sưa cắt dán các chi tiết từ vải lụa để tạo thành những bức tranh dân gian độc đáoNhân viên HTX Vụn Art say sưa cắt dán các chi tiết từ vải lụa để tạo thành những bức tranh dân gian độc đáo (Ảnh: T.H)

Du khách nước ngoài trải nghiệm ghép tranh từ vải lụa tại Vụn ArtDu khách nước ngoài trải nghiệm ghép tranh từ vải lụa tại Vụn Art (Ảnh: NVCC)

Cách sáng tạo, nâng tầm sản phẩm của CTCP Thanh Thanh Food Việt Nam cũng chính là hướng đi được nhiều chủ cơ sở sản xuất có gian hàng trưng bày tại sự kiện thực hiện bởi thể hiện sự chuyên nghiệp, hướng tới lợi ích lâu dài, chẳng hạn: Sản phẩm phồng tôm chay với nguyên liệu từ quả thanh long và hạt sen (của công ty TNHH Phúc Thịnh); Nước ép hoa quả được bảo quản bằng công nghệ HPP, có thể bảo quản từ 30 - 45 ngày (của công ty TNHH phát triển nông nghiệp sinh thái Tgarden)...

Đối với các Startup, thách thức, khó khăn xảy đến do Covid-19 thúc đẩy mạnh mẽ họ nghiên cứu, ứng dụng triệt để hơn thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0, áp dụng “chuyển đổi số” trong mọi quá trình từ sản xuất đến quản trị kinh doanh, định hình lại chiến lược phát triển phù hợp với xu thế và trật tự mới của thị trường.

Đứng trước thách thức từ dịch bệnh, nhiều nữ doanh nhân đã nhanh nhạy nắm bắt, tạo nên xu hướng kinh doanh mới phù hợp nhu cầu và điều kiện thực tế của thị trường, đơn cử trong lĩnh vực du lịch - ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19.

Chị Vũ Thị Thái An - đại diện Tubudd (Startup dựa trên nền tảng công nghệ kết nối du khách và người bản địa) cho biết: Trước biến động của ngành du lịch, thay vì tập trung phục vụ khách quốc tế đến Việt Nam, Tubudd đã nhìn thấy sự thay đổi và tập trung khai thác thị trường nội địa. “Hiện tại giá vé máy bay rất rẻ, dịch vụ lưu trú cũng ưu đãi rất nhiều cho khách hàng trong nước. Để tồn tại và phát triển, mình phải nhanh chóng thích ứng, dịch chuyển, tạo ra sản phẩm mới phù hợp với đối tượng khách hàng mới, cụ thể là đáp ứng nhu cầu của du khách Việt”.

Hay như công ty TNHH giải pháp công nghệ Minh Hoàng (Ba Vì, Hà Nội) - đơn vị kinh doanh nhiều lĩnh vực như: trồng rau, đậu các loại và trồng hoa, cây cảnh; trồng cây ăn quả, cây hàng năm; trồng trọt, chăn nuôi hỗn hợp; khai thác và thu gom than cứng; sản xuất than cốc... do chị Nguyễn Thị Thanh Huyền làm chủ. Nắm bắt được xu hướng chế tạo sản phẩm thân thiện môi trường; chủ trương chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP Hà Nội trước ngày 31/12/2020, chị Huyền đã đón đầu thị trường, học hỏi, ứng dụng công nghệ của Nhật Bản vào sản xuất than sạch từ phế thải nông, lâm sản.

Hướng tư duy này đã giúp công ty Minh Hoàng không bị nhiều áp lực, khủng hoảng ngay giữa thời điểm dịch bệnh bởi tận dụng tốt nguồn nguyên liệu đầu vào sẵn có, thậm chí dư thừa vì là phế thải. Trong khi nhiều đơn vị gặp khó về xuất khẩu, doanh nghiệp của chị Huyền vẫn ký được các đơn hàng từ đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Mặc dù còn khó khăn về nguồn vốn, tuy nhiên đơn vị đã xây dựng kịch bản, chiến lược dài hạn, tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ vào sử lý hệ thống khói bụi cho sản phẩm… để nâng cao chất lượng đầu ra của than sinh học.

Dù lao động phần lớn là người khuyết tật, hoạt động kinh doanh không thể triển khai theo đúng kế hoạch ban đầu nhưng HTX Vụn Art không hề nản chí. Trong khó khăn, đơn vị đã nhanh chóng thích nghi, chuyển dần từ hình thức kinh doanh offline sang bán hàng online, thúc đẩy quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Đồng thời, HTX Vụn Art cũng không ngừng sáng tạo. Từ những sản phẩm đơn sơ ban đầu là tranh ghép, Vụn Art đã tìm tòi, nghiên cứu công nghệ tạo ra bức tranh từ vải lụa rồi ép nhiệt chúng trên chất liệu vải (áo dài, áo phông, túi xách, ví…). Các mẫu thiết kế hình họa được lấy ý tưởng từ danh lam thắng cảnh, dòng tranh dân gian của Hà Nội, chất liệu 100% lụa Vạn Phúc cao cấp... đã giá trị đặc biệt: Vừa thân thiện môi trường lại giúp tôn vinh giá trị làng nghề lụa và toát lên nét đặc trưng rất riêng của văn hóa, nghệ thuật dân tộc.

Mặc dù chưa triển khai được dự án đưa khách du lịch tới thăm quan nhưng thông qua giới thiệu trên các trang mạng xã hội, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Vụn Art vẫn thường xuyên đón các đoàn du khách nhỏ trong nước. Gần đây nhất, Vụn Art đã đón đoàn khách quốc tịch Indonesia thăm quan các sản phẩm thủ công của công ty. Dự kiến ngày 26/7, một đoàn khách gồm 15 đại biểu nữ là người nước ngoài sẽ tới tham quan, trải nghiệm quy trình tự tạo ra những sản phẩm tranh ghép từ lụa độc đáo tại Vụn Art.

Cơ hội để doanh nghiệp… đổi mới, tái cấu trúc

Là Tổng Giám đốc công ty TNHH JEP Japan (đơn vị kinh doanh lĩnh vực xây dựng), chị Đặng Minh Quỳnh chia sẻ: “Do dịch Covid-19, doanh thu công ty đã giảm tới 90%, gần như chỉ còn các nhân sự chủ chốt làm việc toàn thời gian. Tuy nhiên, chúng tôi nhận định “trong nguy có cơ”. Từ sau dịch tới nay, công ty chuyển hướng sang làm việc online là chủ đạo, như vậy nhân viên vẫn tiếp tục giữ được việc làm. Trong khi một số dự án bị đình trệ, công ty chuyển trọng tâm sang các khâu chuẩn bị, rà soát thị trường cũ và mới, xây dựng lại chương trình chăm sóc khách hàng. Công ty vừa kêu gọi tinh thần trách nhiệm của nhân viên, vừa động viên, hỗ trợ một phần tiền lương cho nhân viên. Tôi nghĩ, cả người lao động và doanh nghiệp lúc này đều phải rèn cho mình bản lĩnh độc lập và kỹ năng ứng phó”.

Theo ông Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC: Trải qua đại dịch Covid-19, doanh nghiệp nói chung, trong đó doanh nghiệp nữ của Hà Nội nói riêng đều bị ảnh hưởng. Đáng nói, theo nghiên cứu, có tới 70% doanh nghiệp nữ hiện nay kinh doanh dưới dạng doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ hoặc đi lên từ mô hình hộ gia đình; vốn ít; phần lớn thiếu kinh nghiệm trên thương trường và quản trị doanh nghiệp, chủ yếu làm theo kinh nghiệm… nên khi trải qua biến cố tài chính, thị trường hoặc như dịch Covid-19… dễ trở nên bị động, lao đao.

Bởi vậy, dịch Covid-19 dù đem đến nhiều khó khăn nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại năng lực của mình; chủ động trang bị kiến thức luật pháp, quản trị doanh nghiệp; xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh dài hạn; học hỏi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, hiện đại…

Hiện nay tồn tại một thực trạng đáng buồn, đó là nhiều doanh nghiệp cả nước nói chung, của Hà Nội nói riêng dù rất khát vốn nhưng không thể tiếp cận, trong khi không ít quỹ đang ứ đọng vốn. Nguyên nhân chính là bởi các doanh nghiệp thiếu chiến lược, hoạt động theo kinh nghiệm thay vì xây dựng báo cáo tài chính hàng năm chuẩn mực, minh bạch. Chính vì vậy, ông Trần Duy Khanh cho rằng, bên cạnh sự tự đổi mới của doanh nghiệp, hoạt động hỗ trợ từ các tổ chức, Đoàn, Hội của thành phố cần hướng sâu vào tư vấn, tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải. Có như vậy, doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp của phụ nữ Thủ đô nói riêng mới phát triển hiệu quả, bền vững.

THẢO HƯƠNG - NGỌC QUỲNH

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.