Giấy khen và... cách khen

Chia sẻ

Dư luận vừa được một phen “sốc” với bức ảnh một lớp học tưng bừng giơ cao giấy khen lên, như một cách để “báo cáo thành tích” năm học vừa kết thúc, và duy nhất một cậu bé, ngồi ngay bàn đầu, với khuôn mặt buồn thiu không có giấy khen để giơ lên như các bạn.

Giấy khen và... cách khen - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Thật ra vẫn chưa ai biết bức ảnh này chụp ở đâu, bao giờ, thậm chí có phải là dàn dựng hay không? Có những hồ nghi đó, nhưng không thể phủ nhận sự ám ảnh sau khi xem bức ảnh đó là có thật.

Cũng đúng dịp bế giảng năm học vào năm ngoái, bức ảnh một cậu bé mặt cũng buồn hiu không có giấy khen giữa một rừng giấy khen trong lớp được giơ lên. Cậu bé năm ngoái đeo khăn quàng đỏ, khuôn mặt trang nghiêm, có lẽ là học sinh cấp 2. Cậu đã biết kìm nén hơn trong việc thể hiện cảm xúc, so với cậu bé “ngọ nguậy” vì không giấy khen năm nay (có lẽ là học sinh tiểu học).

Đa số các ý kiến trên mạng xã hội đều chia sẻ với tình cảnh hẩm hiu của các cậu bé được cho là “không giấy khen”, đều động viên em vững vàng trong con đường học hành phía trước, bởi giấy khen không phải là tất cả. Và họ hầu hết đều phẫn nộ trước việc người lớn – mà ở đây là các thầy cô giáo – đã bày ra việc khoe giấy khen đã làm tổn thương đến đứa trẻ “học dốt” không được giấy khen.

Từ nhiều năm nay, các trường phổ thông đã thay đổi cách đánh giá học sinh, trong đó có việc không công khai kết quả học tập của từng em trước lớp. Kết quả gửi riêng cho phụ huynh học sinh. Trên lớp, các thầy cô chỉ tổng kết tình hình học hành chung, với các số liệu mang tính thống kê về thành tích học tập, thi cử, hạnh kiểm. Tất nhiên, với các em có thành tích học tập đạt những tiêu chí nhất định thì được giấy khen, có tổ chức khen thưởng, vinh danh.

Việc các em có thành tích tốt vẫn cần phải khen thưởng công khai trước tập thể. Đó là cách cổ vũ tinh thần học tập, xây dựng những tấm gương học tốt, rèn luyện tốt để các học sinh khác noi theo. Giấy khen hay các huy chương, bằng khen cho các thành tích học tập vẫn là cần thiết.

Vấn đề là văn hóa tổ chức trao thưởng và vinh danh như thế nào để động viên được những tấm gương tốt, nhưng không làm tổn thương các em có thành tích thấp hơn, thậm chí còn những yếu kém trong học tập, rèn luyện.

Đặt vào trong trường hợp của lớp học trong bức ảnh, nếu trong lớp, chỉ có duy nhất một học sinh không có giấy khen, thì có thể đoán rằng, cái giấy khen ấy cũng không phải là thành tích gì ngoạn mục (vì hầu hết các em đều có). Trong trường hợp đó, thầy cô giáo có thể nêu tên một vài em có thành tích thực sự xuất sắc khen ngợi. Dù theo cách nào cũng không nên giơ cao giấy khen lên để tự ảo tưởng rằng cả lớp đều đã giỏi.

Đây không chỉ là “văn hóa ứng xử”, mà còn liên quan đến triết lý giáo dục. Giáo dục hướng đến việc phát triển toàn diện nhân cách cho học sinh? Nếu giáo dục toàn diện cho các em, thì cần quan tâm đến tất cả, không phân biệt, dù là giỏi hay dốt (về mặt học lực). Bởi mỗi em đều có một khả năng riêng cần phải khơi gợi những tiềm năng đó, khuyến khích các em phát triển theo sở trường của mình, tạo cho các em sự vui vẻ, tự tin khi đến trường. Nếu các em còn những hạn chế, yếu kém, trách nhiệm trước hết thuộc về nhà trường và gia đình. Phải tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ các em theo kịp các bạn, chứ không phải phân biệt đối xử để khiến các em bị tổn thương, thiếu tự tin.

Chúng ta tin rằng mỗi đứa trẻ đều đặc biệt, đứa trẻ nào cũng giỏi theo cách của chúng. Nếu hôm nay chúng chưa nắm được kiến thức thì cần phải làm sao để ngày mai chúng nắm được, chứ đừng vội kết luận rằng đó là học sinh dốt, cá biệt. Em học sinh không có giấy khen kia cũng có thể có những mặt nổi trội khác mà thầy cô giáo có thể chủ động tìm hiểu, để mỗi em đều có thể nhận thấy sự “đặc biệt” của mình.

Từ văn hóa cư xử trong lớp học này, nhìn rộng ra môi trường xã hội, có thể thấy, thói quen khoe thành tích học tập của con cái vẫn rất phổ biến. Facebook dịp bế giảng tràn ngập giấy khen, bằng khen và những status khoe thành tích học tập, đỗ đạt của con cái, do bố mẹ đưa lên. Có thể có rất nhiều người có tâm “hỉ xả” cùng vui với bạn, nhưng cũng có không ít người chạnh lòng vì con mình chẳng bằng được “con người ta” rồi quay sang “đay nghiến” con cái. Ít ai hiểu rằng, người giỏi luôn thuộc về số ít, và rằng ở trên đời không chỉ có mỗi việc giỏi về học lực mới thành công. Nếu cuộc sống là một cuộc marathon thì vòng đua học tập mới là vòng xuất phát.

MỸ NGUYỄN 

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.