Sức sống mãnh liệt của “Chó Bi đời lưu lạc”

Chia sẻ

Tôi đã tìm thấy trong cuốn “Chó Bi đời lưu lạc” của nhà văn Ma Văn Kháng một sức sống mãnh liệt. Mỗi lần đọc, tôi lại tìm ra cho mình những hy vọng mới để vươn lên và không ngừng phấn đấu.

Sức sống mãnh liệt của “Chó Bi đời lưu lạc” - ảnh 1

Bằng ngòi bút tài tình của mình, nhà văn Ma Văn Kháng đã vẽ nên một khung cảnh thôn quê nghèo khổ dưới cái nhìn của nhân vật “tôi”. Ẩn sâu dưới những mảnh đời khốn khó đó là tình cảm gia đình, tình làng xóm và hơn cả là lòng trung thành của chú chó Bi. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong chi tiết chú chó Bi ngúng nguẩy, bướng bỉnh, trốn trong mọi ngóc ngách để nhất quyết tuyệt thực. Là vì không quen nhà, cơm không ngon, hay là vì chú quyến luyến người chủ xưa kia? Nhưng không vì thế mà chú tuyệt tình với chủ nhà đến hết cuộc đời trong “cái kén ngoại cỡ” đó. Được yêu thương, chăm sóc chu đáo, cuối cùng chú cũng đã quen với gia đình mới của mình. Hình ảnh của chú chó Bi khiến tôi thấy nó như một đứa trẻ mới lớn, thường bảo thủ nhưng giản đơn, đáng yêu và lanh lợi.

Tôi yêu mến cái cách chú chó Bi kiên cường chống lại những căn bệnh đeo bám dai dẳng, ngưỡng mộ cách chú quật ngã đối thủ nặng kí nhờ sự nỗ lực, kiên trì và thông minh. Ngoài những câu chuyện xoay quanh đời sống của chú chó Bi, câu chuyện còn hé lộ phần nào quá khứ năm xưa của bà Trang (mẹ của nhân vật “tôi”).

Bà Trang là con gái của một ông giáo dạy văn học cổ điển Việt Nam và Trung Hoa. Bởi con nhà gia giáo nên bà luôn biết cư xử đúng mực và nhan sắc thì khỏi phải bàn cãi. Vẻ đẹp thoát tục đó đã khiến hai người học trò ngang tài ngang sức của ông giáo phải say mê.

Người thứ nhất xuất thân từ một gia đình có truyền thống Nho giáo, nhưng đã tàn lụi từ lâu. Chàng là người ngay thẳng, đơn thuần, chân thật, luôn hướng về cái thiện. Chàng ta trắng trẻo, lại cao ráo nên chiếm được rất nhiều thiện cảm. Người thứ hai cũng vậy, chỉ khác rằng, anh ta thanh nhã hơn. Trong khi người thứ nhất ngày ngày bên đèn sách, thì người thứ hai dành toàn bộ tinh lực chạy trăm mét với mong muốn giành được tình yêu của bà Trang. Nhưng may mắn không đến với người thứ hai, mọi nỗ lực đều không dẫn đến điều mà anh ta muốn.

Sau này, ông Mệnh (người thứ hai) về thăm bà Trang, chú chó Bi đã tỏ ra rất ương bướng, sủa tất bật, thậm chí còn lăm le, chỉ lựa thời cơ đớp lấy chân ông ta. Điều đó cho thấy, trong loại quan hệ với những kẻ đi bằng hai chân, nó tỏ ra rất nhạy cảm. Nó coi thường ra mặt kẻ hợm của mà tỏ ra thương hại bà Trang là ông Mệnh. Nó tấn công tên Viển cụt, trong chiến tranh thì tự chặt ngón tay mình để được về tuyến sau; hòa bình lập lại, gặp thủ trưởng cũ - ân nhân của hắn, không ơn thì chớ, hắn rắp tâm vu cáo để ông vào tù rồi ở nhà giở đủ trò bỉ ổi, đê tiện nhằm chiếm đoạt vợ người ta. Nó khinh thường ra mặt thằng Xuân Chương trơ trẽn, đàng điếm, dốt nát, chuyên xúi giục người khác làm điều trái với lương tâm, lại còn được làm trưởng ban văn hóa - văn nghệ phường...

Chú chó Bi là “hiện thân của cái đẹp” không chỉ ở hình thức bên ngoài mà còn là phẩm chất bên trong. Bi không bao giờ tỏ ra nhục nhã trước miếng ăn, mặc dù xưa kia nó chỉ được ăn cám. Nó giàu lòng tự trọng, luôn hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Điều đó thể hiện rõ ở chi tiết thuyền đắm. Lúc tình thế tưởng chừng như chẳng thể cứu vãn ấy, mọi người hốt hoảng, lo sợ thì chú chó Bi chỉ lặng lẽ leo lên bên trên nóc thuyền và cứu sống ông Thuần. Bi là một chú chó tuyệt đối trung thành với chủ và một đời sống thủy chung tình nghĩa là những phẩm chất đáng được ngợi ca ở nhân vật này.

Bài dự thi cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” lần thứ 10 xin gửi về Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội hoặc email: baophunuthudo@gmail.com.

Chỉ hai lần Bi được miêu tả trong “quan hệ xã hội” đồng loại. Lần thứ nhất là trận huyết chiến với kẻ thù mạnh hơn gấp bội là con Xồm độc ác của nhà Viển cụt; lần thứ hai với mối tình “sét đánh” với con Trắng nhà anh Thái. Phần lớn truyện là những sự kiện mà tính cách Bi được khẳng định trong quan hệ với thế giới con người. Trước hết là những người có học vấn, có nhân cách cao và chan chứa tình thương với nó như bà Trang, cậu Toản, ông Thuần... Ở trong những mối quan hệ này, nó tỏ ra rất thân thiết vì nó cảm nhận được họ là những người tốt. Sau khi trải qua bao trầm luân, lưu lạc nhưng Bi lại chẳng thể trở về với bà Trang và Toản. Một chú chó tốt như thế đáng lẽ phải được người ta yêu thương trái lại phải lang bạt ở nơi chú chẳng hề hay biết.

“Chó Bi đời lưu lạc” là một tác phẩm hay, sống động và là những bài học mỗi cá nhân chúng ta tự cảm nhận, tự đúc kết. Tác phẩm này hệt một lời động viên vô hình khiến tôi cảm thấy tự tin và dám thử thách bản thân hơn.

ĐỖ CHÂU ANH

Lớp 7CI 3, trường THCS Nguyễn Siêu

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.