Đừng để những người trẻ mang sai lầm đi quá xa

Chia sẻ

Dư luận từng bàng hoàng trước thông tin người mẹ tự sinh con rồi bỏ rơi máu mủ của mình tại hố ga giữa thời tiết nắng nóng. Nhưng đó không phải là trường hợp mẹ bỏ rơi con ruột duy nhất, và gần như các sự việc đau lòng ấy đều được “bào chữa” là để chối bỏ một sai lầm nào đó của cuộc đời.

Tuy nhiên, có những sai lầm khác – nhỏ bé hơn nhưng cũng là nỗi đau dai dẳng khôn nguôi của người phụ nữ - như hai câu chuyện dưới đây, để ta thấy rằng: Giáo dục về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục ngay từ trong gia đình quan trọng đến thế nào!

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nỗi đau của người đàn bà đẹp

Ngoài 40 tuổi, Thùy có trong tay nhiều thứ mà người đời khao khát: Địa vị, sự nghiệp và cả vẻ ngoài xinh đẹp, tươi trẻ hơn nhiều so với tuổi nhờ được chăm sóc kỹ càng. Có thể nói, ngoài xã hội, cô chính là một tấm gương mà nhiều người trẻ ao ước.

Thế nhưng, Thùy giấu vào nơi sâu kín nhất của tâm hồn mình một nỗi buồn, nỗi đau chưa hề nguôi từ ngày mới lớn. Từng xem một người quen của gia đình như ruột thịt, cùng với sự ngưỡng mộ tuyệt đối mà cuối cùng, Thùy bị người đó xâm hại tình dục suốt một thời gian dài. Mọi thứ diễn ra trong câm lặng. Ngày tháng qua đi, vừa âm thầm chịu đựng nỗi tủi nhục, vừa lớn lên và đủ hiểu biết để ngày một tránh xa con người ấy. Và người ta rồi cũng buông tha cho Thùy – cô luôn nghĩ một cách chua chát như vậy. Từ đó, tâm hồn Thùy – bị tổn thương khi còn ở độ trong sáng nhất, vẫn cứ mãi bị khoét sâu một nỗi đau chưa bao giờ dịu bớt. Cô vẫn tiếp tục sự nghiệp học hành, đi làm, thăng tiến, thành công, rồi ổn định. Nhưng con đường cô đi không hề có bóng dáng một người đàn ông nào. Người đàn ông trong quá khứ - chừng ấy, với cô đã là quá ghê tởm rồi. Thùy không còn muốn gần gũi đàn ông, chứ chưa nói là muốn lấy chồng.

Đó thật sự là một nỗi đau, xảy đến vào lúc Thùy chưa biết làm gì để phản kháng, mà chỉ biết chịu đựng và luôn thấy mình bẩn thỉu. Cô không dám mách mẹ, mách bố, hay gào lên để ai đó biết và cứu mình. “Chính mình còn thấy mình nhục nhã, thì làm sao mình bật được ra lời kêu cứu vào lúc ấy?”. Vì thế, Thùy không nói, nỗi đau kia xem như vẫn không hề tồn tại. Để rồi, từ lúc cái tuổi bắt đầu lớn dần, cô trở thành “quả bom nổ chậm” trong nhà, đến người yêu còn chẳng có. Bố mẹ rầu rĩ, trách móc, thậm chí chê bai, so sánh cô với những người con gái khác cùng trang lứa, nay đã một nách dăm, ba đứa con rồi. Thùy biết bố mẹ thương, nhưng họ không hề hiểu. Không ai nhìn sâu vào mắt Thùy để biết cô bi thương đến thế nào. “Không con thì gọi là gái độc. Đằng này, chồng còn chẳng chịu lấy, mày còn định cho bố mẹ cái tai tiếng gì nữa đây?” – mẹ Thùy thốt lên, bà chán nản và con gái bà cũng đau thắt lại.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cố gắng chôn chặt niềm đau kia, Thùy vẫn sống tiếp và thành đạt. Có lẽ, đến một độ tuổi nào đó, thì người phụ nữ có mạnh mẽ đến mấy vẫn thấy cần có một điều gì đó mới mẻ làm thay đổi cuộc sống độc lập này. Thùy bỗng muốn có con. Năm nay cô đã ngoài 40 tuổi. Cô chỉ muốn có con thôi, chứ không cần chồng. Và cô có kinh tế ổn. Thùy quyết định nghỉ làm một thời gian dài để chuyên tâm vào việc có em bé. Những tháng ngày – dù cô cảm thấy rất dài, ở bệnh viện, đã không mang lại phép màu cho Thùy. Mãi chưa thể có con, Thùy chấp nhận sự thật đó và dừng lại. Cô tiếp tục đi làm trở lại, dáng đi tự tin và phong thái dứt khoát, mọi thứ thật hợp thời, hoàn hảo, còn bên trong là hai nỗi đau mà có lẽ, chẳng người phụ nữ nào có thể nguôi ngoai…

Phải giữ gìn!

Ngày cuối cùng ở nhà để chuẩn bị bước vào giảng đường đại học, Hoài được mẹ dặn một câu duy nhất: “Ra Hà Nội học phải giữ gìn, đừng làm gì dại dột để bố mẹ phải đeo mo vào mặt, nghe chưa?”.

Hoài sợ run người khi mẹ “dọa”. Cô thừa hiểu ý mẹ nói “giữ gìn” là thế nào. Tức là đừng sa đà vào yêu đương, quan hệ trai gái bừa bãi. Tốt nhất là tạm gác lại chuyện tình cảm, lo học hành đến khi có việc làm ổn định thì hẵng nghĩ đến.

Nhưng Hoài đâu có làm được thế. Hoài có người yêu từ cuối lớp 11. Cũng may là cậu bạn đó học giỏi, còn kèm cặp, phụ đạo thêm cho Hoài, thành ra Hoài học tốt lên. Mẹ Hoài thấy vậy mới “để yên”. Nhưng cứ mỗi lần Hoài bị điểm kém là mẹ cô lại mang chuyện “yêu sớm” của con gái ra để chì chiết. Thật lạ, chỉ có Hoài bị mắng là hư hỏng, là đú đởn, chứ cô chẳng nhận được một bài học hay lời khuyên gì từ mẹ hết.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ra Hà Nội học, ở trọ một mình nên Hoài được thoải mái, tự do hơn hẳn. Cô cũng không ngần ngại bày tỏ tình cảm yêu đương với bạn trai. Cả hai đều chẳng biết gì về các cách phòng, tránh an toàn khi quan hệ tình dục. Vậy nên, hai người đều nhất trí dùng thuốc tránh thai khẩn cấp sau khi làm chuyện ấy. Với cách này, Hoài vô cùng yên tâm rằng mẹ mình sẽ không bị “đeo mo vào mặt”, vì cô còn lâu mới dính bầu, rồi viễn cảnh “cưới chạy” không bao giờ xảy ra với nhà cô. Hoài cứ vô tư sử dụng biện pháp không hề an toàn này để tránh thai, bởi cô không tự chủ động tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; lại thêm mỗi lần mẹ gọi điện chỉ hỏi thăm chuyện học hành, điểm chác, và vẫn lời “nạt nộ” uy nghiêm ấy: Phải giữ gìn!

Ra trường, Hoài và bạn trai quyết định làm đám cưới. Cả hai đều tìm được việc làm và cảm thấy muốn trở thành vợ chồng nên xin phép bố mẹ hai bên và được đồng ý. Con gái lấy chồng rồi, mẹ Hoài mới thủ thỉ, cưới xong thì nên sinh con luôn, để “nhà bên ấy không chê trách con dâu xao nhãng việc đẻ, cũng như không nói gì được nhà mình. Làng trên xóm dưới người ta cũng không dị nghị”. Hoài nghe theo, không còn áp dụng biện pháp tránh thai kia nữa. Nhưng cô “thả” mãi vẫn không đậu thai. Bố mẹ hai bên bắt đầu lo lắng, nhất là mẹ Hoài. Áp lực đè nặng lên đôi vợ chồng trẻ. Hoài đành đi khám và trình bày với bác sỹ quá khứ từng uống quá nhiều thuốc tránh thai khẩn cấp của mình. Vị bác sỹ ngẩn người, đau lòng hỏi Hoài: Sao cháu dại thế? Làm vậy thì khả năng có con của cháu sẽ ít đi rất nhiều đấy! Hoài giàn dụa nước mắt: Tại hồi ấy cháu rất sợ có bầu! Nếu có thì bố mẹ cháu sẽ rất xấu hổ! Chúng cháu chỉ còn biết dùng cách đó…

Đã hơn 1 tháng Hoài không nói chuyện với mẹ, từ sau ngày đi khám ấy. Cô giận chính mình kém cỏi, không chịu học hỏi để biết cách tự bảo vệ mình, và giận mẹ rất nhiều bởi cái tư tưởng: Phải giữ gìn của bà đã khiến cô quá sợ hãi mà chọn cách làm nông nổi kia để làm vừa ý mẹ. Mẹ Hoài không hiểu nỗi lòng con gái, bà mắng chửi Hoài, cho rằng cô mang về nhục nhã, dè bỉu cho gia đình. Hoài xót xa, dường như từ lúc sinh ra, con đã là nỗi nhục của mẹ…

Hai câu chuyện trên, chỉ là chấm phá rất nhỏ trong cuộc sống này. Không chỉ quan hệ sớm, quan hệ bừa bãi, trót mang bầu rồi tìm cách xử lý – có khi là bỏ rơi hay giết con mới là lối sống sai lệch của một bộ phận cô gái trẻ. Vấn đề lớn hơn mà cả xã hội cần nhìn thấy rõ là giáo dục sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản cần phải quyết liệt, thẳng thắn từ trong mỗi gia đình. Có như thế, nỗi đau của hai cô gái Thùy và Hoài trong hai câu chuyện trên mới không còn dai dẳng và có lối thoát, và đương nhiên, những sự việc đau lòng mà mỗi ngày các phương tiện truyền thông dù không muốn nhưng vẫn phải truyền tải về việc mẹ giết con, mẹ bỏ rơi con… mới không còn nhức nhối.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.