VIì nhau mà cố gắng

Chia sẻ

Cạnh nhà tôi ở là một đôi vợ chồng già. Con cháu đều ở xa, hai ông bà sống trong căn nhà nhỏ. Bà bị nặng tai nên cuộc trò chuyện nào của ông bà cũng rộn ràng nhà cửa, nhiều khi đứng ở sân nhà mình nghe ông bà trò chuyện như cãi nhau mà tôi phì cười. Nhưng cuộc đời có được một người bạn đời đi cùng nhau như thế, hạnh phúc nào bằng.

Bà từng bị tai biến một lần nên sức khoẻ yếu, những bước chân không còn nhanh nhẹn như xưa. Sáng nào hai ông bà cũng đi qua nhà tôi tập thể dục, bà đi thật chậm, có khi mệt phải vịn hẳn vào ông. Ban đầu ông đi rất thong thả, vừa bước vừa có ý đợi bà, được một lát, ông dừng lại chờ cho bà bám tay vào mình. Nhìn ông lúc đó như một điểm tựa an yên cho người phụ nữ đã cùng mình đi quá nửa đời người bám víu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ông năm nay đã hơn bảy mươi tuổi, nhưng rất minh mẫn, khoẻ mạnh. Hầu hết những việc lớn bé trong nhà đều một tay ông làm, kể cả việc chăm sóc cho người vợ luôn yếu đau bên mình cũng vậy. Từ những món ăn bà thích, những món đồ nho nhỏ cho bà tiện sử dụng, đồ đạc trong nhà kê sao cho bà dễ lấy nhất, những lần khám bệnh định kì ở viện của bà… ông đều không khiến bất cứ đứa con nào. Tự tay ông làm hết, như thể rằng nếu để ai đó làm, ông đều không thể yên tâm được.

Hằng ngày, tôi ngắm nhìn thời gian trôi chảy qua cuộc sống bình yên của đôi vợ chồng già ấy mà ao ước. Ước một ngày mình già đi, bên mình cũng là một điểm tựa ấm áp và vững chãi như thế. Những bão giông tuổi trẻ không còn, những cực nhọc mưu sinh cho cuộc sống cũng đã đủ, tiền bạc vật chất ở tuổi ấy cũng chẳng cầu gì… cứ bình yên chầm chậm mà già đi cùng nhau trong căn nhà yêu thương vậy thôi. Đôi khi chỉ là cái nắm tay, một bát cháo nóng nấu vụng về khi người bạn đời ốm đau, một đôi lời an ủi, một cái nắm tay trong lặng yên, hoặc một nụ cười tin cẩn. Tuổi già mà, thế là đủ. Đó chính là đích đến và cũng là ước muốn của hàng vạn đôi trẻ bước vào cuộc sống hôn nhân.

Tôi hâm mộ tình yêu của hai ông bà nhiều lắm. Phải là người có phúc phần ra sao, họ mới được an yên già đi bên nhau như thế, mới có những cử chỉ yêu thương nghĩa tình đến thế. Vậy mà bất ngờ trong một lần sẻ chia thân tình, ông thổ lộ với tôi: “Ngày xưa, bà khổ với ông lắm. Thời trẻ mà, ai cũng có những sai lầm. Hồi đó ông đi xa, bà ấy ở nhà nuôi mấy đứa nhỏ, vất vả cực nhọc đủ đường, thế mà bà ấy chịu hết, hai bên nội ngoại có ai biết gì đâu. Bà ấy luôn chừa cho ông một con đường để lui về. Bà ấy còn nói ông có gây giông bão, thì là giông bão ngoài kia, về nhà ông phải mang bình yên về cho các con… Vậy nên ông nể bà lắm. Bây giờ ông có chăm lo cho bà ấy bao nhiêu, ông nghĩ rằng vẫn là chưa đủ…”. Tôi ngạc nhiên với “bí mật cuộc đời” của ông biết bao nhiêu. Hoá ra, có nhiều thứ trông vậy nhưng hoá ra lại không phải vậy. Cuộc đời mà, đâu phải lúc nào cũng mang màu hồng như ta vẫn từng nghĩ. Bao nhiêu năm nay, khi các con của ông bà trưởng thành, xây dựng những tổ ấm độc lập với cha mẹ, tôi chỉ nhìn thấy cuộc sống của ông bà những ân cần yêu thương. Hoá ra không phải tự nhiên mà bà nhận được sẻ chia, chăm chút kỹ lưỡng từ chồng, không phải bỗng dưng mà ông lại trở thành người đàn ông tuyệt vời lúc xế chiều như thế. Những vị tha, hy sinh, bao dung của người vợ tảo tần đã thực sự cảm hoá trái tim chồng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tôi nghĩ đến chồng mình. Chúng tôi yêu nhau hai năm mới cưới. Cũng hiểu về nhau tương đối, vậy nhưng khi dọn về chung một nhà chúng tôi thất vọng về nhau kha khá. Những thói quen sinh hoạt khác, những vô tâm kiểu lấy vợ rồi nhưng vẫn nghĩ mình còn là thanh niên son rỗi, những lần ham vui mải chơi bên ngoài, những lần chờ cơm mòn mỏi khi chồng đi uống rượu quên không gọi điện về và gọi đi cũng không được… Tôi chỉ biết khóc, rồi trút những bực bội càu nhàu ấy vào cuộc sống chung vừa mới bắt đầu. Cuộc sống vợ chồng vì thế dần trở nên ngột ngạt, mệt mỏi. Chồng tôi trở nên ít nói hẳn đi, tôi ôm điện thoại nhiều hơn. Thời điểm ấy, cả hai vợ chồng đều chọn cách né tránh nhau, để không bị đối phương buông ra những lời làm tổn thương. Chúng tôi không thẳng thắn đối thoại để tháo gỡ hết những khúc mắc, tìm tiếng nói chung như trước. Tôi đã từng đặt ra câu hỏi: Mình sẽ đi với anh được bao lâu nữa, khi những bức bối mệt mỏi cứ ám lấy hai người? Rõ ràng chúng tôi yêu nhau, có tìm hiểu nhau đến tận hai năm trời, mong ngóng ngày dọn về chung một mái nhà để cùng xây tổ ấm. Vậy mà… Nhưng rồi mọi thứ đã bất ngờ thay đổi khi tôi có bầu. Tôi không hình dung được rằng cái tin sắp được làm bố anh lại vui đến thế. Đang từ cơ quan, anh xin nghỉ chạy một mạch về nhà, ôm chặt lấy vợ. Lúc ấy nước mắt tôi đã nhoè đi.

Rồi cùng với tình yêu bé nhỏ đang tượng hình trong bụng vợ, chồng tôi như trở thành một con người khác hẳn. Anh bỏ hẳn thuốc lá mà không cần ai phải khuyên nhủ như trước nữa. Anh cũng chịu khó tìm hiểu những kinh nghiệm chăm sóc vợ bầu... Tôi từ ngạc nhiên, chuyển sang cảm động với chồng vô cùng. Sau này khi con sinh ra, anh thậm chí còn chăm con chu đáo hơn cả tôi nữa. Trách nhiệm làm cha, làm chồng càng ngày anh càng chu toàn và kĩ lưỡng hơn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Từ ngạc nhiên, dò xét, lẫn nghi ngờ chồng, tôi chuyển sang suy ngẫm để điều chỉnh lại bản thân mình. Căn nhà nhỏ của tôi vì thế tiếng cười cũng nhiều hơn. Những nhăn nhó, mỏi mệt, càu nhàu trước đây giảm hẳn. Hiện tại, tôi hài lòng với tổ ấm có sự chung tay xây đắp của cả hai vợ chồng.

Hoá ra cuộc sống gia đình là như thế, đều phải cùng nhau mà cố gắng bởi đâu có ai trên đời sinh ra đã hợp nhau, đã thuộc về nhau hoàn toàn. Là vợ chồng thì luôn luôn phải cùng nhau, chứ không thể để một người đơn phương xây đắp mà thành. Chỉ có những con người vì tình yêu thương, vì trách nhiệm với nhau mà thay đổi để phù hợp với nhau mà thôi.

HƯƠNG THỦY

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.