“Khác máu” mà chẳng “tanh lòng”

Chia sẻ

Lúc chưa lấy chồng, Huệ nghe người ta nói nhiều về mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu nên có phần hoang mang. Nhưng dần dần, chính bố mẹ chồng là người giúp cô xua tan mọi lo lắng.

Sáng thứ năm, đang chìm trong giấc mơ chợt Huệ nghe tiếng mẹ chồng gọi từ dưới nhà. Mắt nhắm mắt mở, cô quờ tay với chiếc điện thoại đang yên vị ở đầu giường. Nhìn đồng hồ thấy đã 8 giờ kém 15 phút, Huệ giật mình bật dậy, xuống khỏi giường rồi lao thẳng vào nhà vệ sinh. Vừa đánh răng, rửa mặt, cô vừa lẩm bẩm trong đầu rằng, không hiểu sao mình lại có thể ngủ quên tới tận giờ này? Bình thường chồng Huệ đều là “chuông báo thức” cho cô, nhưng hôm qua anh vừa đi công tác. May mà có mẹ chồng đánh thức.

Mọi lần thong thả, Huệ thường phải mất hơn 20 phút cho việc vệ sinh cá nhân rồi lựa chọn quần áo mặc đi làm. Nhưng hôm nay, ý thức được nguy cơ sẽ trễ cuộc họp quan trọng vào đầu giờ sáng nên cô làm gì cũng rất khẩn trương, trong vòng 7 phút đã xong xuôi mọi thủ tục. Chân nam đá chân chiêu, Huệ chạy huỳnh huỵch từ tầng 3 xuống tầng 1 để đi làm. Ngồi dưới phòng ăn, bà Bình nghe thấy tiếng bước chân vội vã của Huệ (con dâu bà Bình) thì cũng đứng dậy, nhanh tay xách hộp cơm và bình nước đường gừng đã chuẩn bị sẵn, rảo bước ra phía cầu thang.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vừa thấy Huệ tới nơi, bà mỉm cười vẻ trấn an rồi đặt đồ ăn, đồ uống vào tay cô dặn dò: “Muộn thì cũng muộn rồi, vội mấy cũng phải đi đường cẩn thận, an toàn là trên hết con ạ. Mà hôm nay “đến tháng”, con nhớ chịu khó uống nước ấm cho đỡ đau bụng”. Huệ nghe mẹ chồng dặn liền vâng dạ. Cô đưa mắt nhanh sang phía cậu con trai 3 tuổi đang ngồi ăn bánh mì ngon lành cạnh ông nội, cất lời nhờ mẹ chồng trông con hộ, rồi không quên cảm ơn và chào bố mẹ chồng trước khi chạy thẳng ra sân lấy xe. May là Huệ không bị muộn.

Buổi họp kéo dài tới gần 12 giờ trưa mới kết thúc khiến bụng cô biểu tình vì đói và đau. Lúc này, Huệ mới sực nhớ ra túi đựng hộp cơm và bình nước gừng đường mẹ chồng đưa cho ban sáng. Đặt túi đồ lên bàn ăn trong phòng bếp cơ quan, Huệ lấy điện thoại rồi gọi video cho mẹ chồng.

- Mẹ sáng nay có mệt không ạ? Con cảm ơn mẹ. May có mẹ giúp, chứ không hôm nay con lại phải lang thang ra ngoài ăn trưa? Mà… sao mẹ biết con khó chịu trong người, còn chuẩn bị sẵn nước đường ấm cho con mang đi? – Huệ nói, ánh mắt lộ rõ vẻ cảm kích xen lẫn tò mò.

- Bình thường 6 rưỡi đã thấy con dậy mà hôm nay 7 rưỡi sáng vẫn im lìm. Nhìn lịch mẹ đoán do con “tới tháng”, buổi tối chắc lại đau bụng quằn quại không ngủ được nên sáng mệt rồi ngủ quên. Lần nào con chẳng thế.

Huệ nghe mẹ chồng nói chỉ biết cười trừ, trong lòng vừa thấy xấu hổ vì thói xấu bị phát hiện, vừa trào lên cảm giác rất khó tả: xúc động, hạnh phúc xen lẫn sự biết ơn. Nhìn hộp cơm, Huệ tự nhủ rằng hẳn do kiếp trước cô tu tâm tích đức, sống lương thiện nên kiếp này mới được đầu thai vào làm dâu con trong một gia đình tuyệt vời như vậy.

Lúc khi chuẩn bị về làm dâu, mấy cô bạn đã có gia đình hay nhắc nhở Huệ phải cẩn thận. “Mẹ chồng – nàng dâu, dù gì cũng là “khác máu, tanh lòng”, cậu phải hết sức để ý, đừng làm gì gây mất lòng. Mẹ chồng dù có tốt đến mấy… cũng sẽ vẫn yêu con đẻ, cháu ruột hơn con dâu. Huống hồ, cậu còn có chị chồng. Chưa biết chừng một ngày đẹp trời, mẹ chồng – chị chồng liên thủ, cậu khóc không thành tiếng. Yêu quý họ, tốt với họ nhưng cậu nhất định không được chủ quan” – một cô bạn thân từng thì thầm vào tai Huệ những lời như vậy. Chưa có kinh nghiệm hôn nhân nên với Huệ, mấy lời dặn dò đó như “kim chỉ nam”. Nhưng gia đình chồng đã giúp cô thay đổi suy nghĩ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đám cưới của Huệ tổ chức trọn gói ngoài nhà hàng nên mọi người không phải dọn dẹp nhiều. Nhưng theo thông lệ nhà chồng, buổi tối vẫn phải làm mấy mâm cơm mới để cúng gia tiên, đồng thời mời họ hàng ruột thịt thay cho lời cảm ơn. Bố mẹ chồng Huệ đông anh em, tính sơ sơ cũng phải 5 mâm cỗ. Hôm đó, cô đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng vào bếp, dù biết thể nào dâu mới cũng bị “soi”. Ngờ đâu trước mặt đông đủ quan khách, mẹ chồng nhấm nháy rồi đưa mấy túi đồ cho cô, cười rồi dặn dò: “Con có mệt thì cũng chịu khó mang quà gửi biếu các bà, các bác trong nhà mình, vì bận việc mà hôm nay không qua đám cưới được. Biếu ai, ở đâu mẹ đã dặn thằng Hiếu (chồng Huệ) rồi. Con đi cùng để ra mắt họ hàng luôn. Kịp thì qua tiệm, dỡ mấy thứ lằng nhằng trên tóc rồi gội đầu sớm kẻo bị cảm”.

Từ lúc được chồng đưa về ra mắt, Huệ vẫn biết bố mẹ chồng tương lai rất tâm lý và tốt bụng. Quả thật khi ấy cô vẫn có chút hoài nghi, cho rằng ông bà đều là trí thức, hiếu khách, không muốn mất mặt nên cư xử lịch sự với bạn gái của con. Nhưng sau khi chứng kiến cách mẹ chồng “giải nguy” cho mình, cô thật sự cảm kích, không còn thấy quá áp lực, căng thẳng.

Ngày hôm sau, bố mẹ chồng Huệ triệu tập đầy đủ các thành viên trong gia đình. Nghe có vẻ to tát nhưng tính ra chỉ có 6 người: bố mẹ, vợ chồng Huệ và gia đình chị chồng. Trước lúc ăn, bố mẹ chồng cô thẳng thắn: “Gia đình khác như nào bố mẹ không rõ, nhưng trong nhà mình, dâu, rể đều như con gái, con trai ruột thịt. Bố mẹ sẽ đối xử công bằng, thưởng phạt phân minh. Về phần mình, bố mẹ cũng mong được các con chia sẻ, thậm chí có thể xem như những người bạn, yêu thương, tôn trọng nhau. Tình cảm gia đình phải đến từ sự thật lòng ở nhiều phía”. Khởi đầu như vậy với Huệ có thể xem là thuận lợi, khiến cô thoải mái và dễ dàng hòa nhập cuộc sống mới.

Càng chung sống, Huệ càng thấy những điều bố mẹ chồng nói không phải là lời sáo rỗng. Ngày cô sinh con, ở cữ, được mẹ chồng nâng niu, chăm sóc chu đáo; cơm nước, giặt giũ không phải đụng tay. Bất kể đi đâu xa, bố mẹ chồng đều mua quà, bánh là những thứ Huệ thích về làm quà. Nhiều người khó khăn khi tìm tiếng nói chung giữa mẹ chồng – nàng dâu trong thiết kế bữa ăn cho con, riêng gia đình Huệ thì không. Mẹ chồng chủ động lên thực đơn, rồi cùng Huệ trao đổi, tính toán để đưa ra chế độ dinh dưỡng và bữa ăn hợp lý nhất. Thậm chí, mẹ chồng cô còn trở thành chuyên gia tư vấn giúp con dâu làm đẹp, chăm sóc sức khỏe. Mỗi lần trò chuyện, tâm sự, thấy con dâu có vẻ đơn giản, lơ đễnh nên mẹ chồng luôn nhắc nhở và bày cách giúp Huệ hâm nóng hôn nhân, giữ chồng và hạnh phúc gia đình.

Chẳng biết từ bao giờ, khái niệm “mẹ chồng” đã không còn tồn tại trong suy nghĩ của Huệ. Đôi lúc gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, cô vẫn luôn nói rằng mình may mắn vì có một người mẹ chồng có thể xem là “hoàn hảo”. Ca ngợi mẹ chồng cũng là cách Huệ chia sẻ và mong mọi người đừng quá ác cảm với mẹ chồng. Quan trọng là các thành viên trong gia đình có thể cởi mở, yêu thương nhau thật lòng; “đối xử với bố mẹ chồng theo cách chúng ta muốn được họ đối xử với mình”… Không phải lúc nào “khác máu” cũng “tanh lòng”. Huống hồ kể cả ruột thịt, nếu con cái cố chấp, không chịu hiểu tấm lòng bố mẹ… gia đình vẫn có thể chia lìa.

HÀ CHÂU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.