Khi đại dịch COVID-19 “thách thức” tình yêu

Chia sẻ

Cuộc khủng hoảng y tế mang tên đại dịch COVID-19 đã làm không ít cặp đôi phải đứng trước những sự lựa chọn khó khăn: Tiếp tục yêu hay dừng lại, kết hôn hay không kết hôn, ly hôn hay cố gắng duy trì cuộc hôn nhân của mình…

“Ngày hội” kết hôn

Tại vùng tâm dịch của thế giới - Vũ Hán, kết hôn không chỉ là nguồn động lực lớn nhất đối với nhiều người dân, mà đó còn là cách những người này dùng để ăn mừng chiến thắng trong cuộc chiến khốc liệt với đại dịch COVID-19. Cuộc sống vẫn chưa hoàn toàn trở lại bình thường tại Vũ Hán sau hơn 76 ngày phong toả. Tuy nhiên, số lượng các cuộc kết hôn đang thực sự bùng nổ tại đây khi người ta được chứng kiến hàng dài người xếp hàng bên ngoài các văn phòng đăng ký kết hôn, sau khi những văn phòng này được Chính phủ cho phép mở cửa trở lại. Ước tính số lượt người tới làm đăng ký kết hôn chỉ trong ngày đầu tiên đã tăng hơn 3.000 lượt so với cùng thời điểm năm ngoái, trước khi xảy ra dịch bệnh. Một nhân viên phòng đăng ký kết hôn ở Vũ Hán cho biết: “Những nghi thức tuyên thệ truyền thống đã được các cặp đôi mới cưới bỏ qua nhằm tránh sự lây lan virus corona”.

Anh Lu và vợ, cô Đinh khoe giấy chứng nhận kết hôn tại văn phòng đăng ký kết hôn ở Vũ HánAnh Lu và vợ, cô Đinh khoe giấy chứng nhận kết hôn tại văn phòng đăng ký kết hôn ở Vũ Hán

Xu Lin, một người dân đang làm thủ tục đăng kí kết hôn, tán thành: “Tôi cảm thấy không có sự bất tiện nào khi thiếu đi các nghi thức truyền thống đó, điều quan trọng hơn cả, hôm nay là một ngày rất đặc biệt, là một khởi đầu mới không chỉ đối với tôi mà còn là một khởi đầu mới cho cả Vũ Hán”. Anh Dương Đào và chị Lý Tiểu Dương vừa nhận tờ đăng ký kết hôn, xúc động: “Một ngày thật tuyệt vời, tình yêu của chúng tôi còn mãnh liệt hơn cả trước khi thành phố đóng cửa”. Tại công viên Vũ Hán, rất nhiều cặp đôi mới kết hôn đang chụp ảnh cưới. Một thợ chụp ảnh cho biết: “Khi tôi bấm máy, họ (các cặp đôi) sẽ tháo khẩu trang và mọi thứ lại giống như trước khi COVID-19 xuất hiện”. Ngoài việc tới các văn phòng làm thủ tục đăng ký kết hôn, người dân cũng làm thủ tục này bằng hình thức trực tuyến. Theo Alipay - công ty con của tập đoàn công nghệ khổng lồ Alibaba, đơn vị vận hành ứng dụng của Chính phủ: “Số lượng người dân truy cập vào các dịch vụ đăng ký kết hôn trực tuyến đã tăng lên tới 300%. Thậm chí, nhiều người dùng còn phàn nàn rằng họ không thể nào truy cập được do lưu lượng truy cập quá lớn đã khiến cả hệ thống bị sập”.

Trong các cửa hàng váy cưới, sự vội vã cũng được nhìn thấy rõ. Một cô gái 26 tuổi, đã phải hoãn đám cưới của mình trước đó do lệnh phong toả, hào hứng nói: “Tôi đã có thêm nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho đám cưới của mình và chắc chắn đám cưới này sẽ còn tuyệt vời hơn cả những gì mà tôi có thể tưởng tượng”. Trong hơn 70 ngày đóng cửa, doanh thu của các cửa hàng váy cưới sụt giảm, tuy nhiên sau khi thành phố Vũ Hán “mở cửa” trở lại, các đơn đặt hàng đã tăng lên rõ rệt.

Chen và vợ sắp cưới,  Zhang đang làm thủ tục kết hônChen và vợ sắp cưới, Zhang đang làm thủ tục kết hôn

“Dịch bệnh” ly hôn

Song hành cùng đại dịch SARS-CoV-2 là một “dịch bệnh” khác cũng không kém phần nguy hiểm. Dịch bệnh này hiện đang bùng nổ không chỉ ở Vũ Hán mà còn trên khắp Trung Quốc: “Dịch ly hôn”. Các cặp đôi có thể đã cùng nhau cố gắng vượt qua đại dịch COVID-19, tuy nhiên, điều này lại hoàn toàn không đồng nghĩa với việc họ có thể cùng nhau vượt qua được mọi thứ khác trong cuộc sống. Anh Vĩ Hồ, 30 tuổi đang thu dọn hành lý, anh chuẩn bị bước ra khỏi cuộc hôn nhân kéo dài hơn 5 năm của mình sau khi vợ anh yêu cầu chia tay. Anh cho biết: “Do đại dịch, chúng tôi không thể đi ra ngoài, điều này đã khiến vợ chồng chúng tôi phải chịu đựng quá nhiều áp lực từ cơm áo, gạo tiền, tài chính cho đến các khoản nợ. Cuộc sống thực sự quá khó khăn với chúng tôi và mọi thứ đã bùng nổ”.

Các văn phòng luật sư tại Vũ Hán cũng đang quá tải vì số vụ ly hôn gia tăng đột biến, ước tính trong một ngày, cứ hai người đến văn phòng luật sư thì có một người đến yêu cầu giải quyết các thủ tục ly hôn. Trong khi đó, con số này trước khi dịch SARS-CoV-2 xuất hiện chỉ là một tuần một vụ. Lãnh đạo văn phòng dân chính tại thành phố Đạt Châu, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, ông Lu Shijun, cho biết: “Tỷ lệ ly hôn đã tăng vọt so với trước khi có Covid-19. Nguyên nhân có thể là do giới trẻ hiện nay đang dành nhiều thời gian ở nhà hơn. Do đó, họ có xu hướng cãi vã gay gắt hơn dù lý do chỉ xoay quanh những chuyện hết sức nhỏ nhặt để rồi sau đó vội vã đi đến quyết định ly hôn”. Xu hướng này là một lời cảnh báo đáng lo ngại cho rất nhiều các cặp vợ chồng khác không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở cả những đất nước đang trong giai đoạn đầu của việc cách ly tại nhà do dịch bệnh.

Bùng nổ số vụ ly hôn khiến các địa điểm làm thủ tục ly hôn lúc nào cũng kín ngườiBùng nổ số vụ ly hôn khiến các địa điểm làm thủ tục ly hôn lúc nào cũng kín người

Luật sư chuyên về các vụ ly hôn tại hãng luật Gentle & Trust ở Thượng Hải, ông Steve Li nói về sự gia tăng tới 25% số ca ly hôn mà ông đã phải giải quyết trong tháng này: “Nghịch lý ở đây là, thay vì càng ở với nhau càng yêu nhau thì họ lại càng ghét nhau hơn”. Một vấn nạn khác đi kèm với sự gia tăng số vụ ly hôn là các cuộc bạo hành, bạo lực gia đình cũng tăng theo cấp số nhân. Trang thông tin Sixth Tone có trụ sở Thượng Hải cho biết, cảnh sát tại một quận trung tâm của tỉnh Hồ Bắc đã ghi nhận tới 162 báo cáo về các vụ bạo lực gia đình trong tháng 2, tức là gấp ba lần so với số báo cáo ở cùng thời điểm này trong năm 2019. Người đồng sáng lập Equality - tổ chức phi chính phủ ở Bắc Kinh, chuyên nghiên cứu về bạo lực giới, bà Feng Yuan nhận định: “Lệnh phong tỏa đã làm bộc lộ xu hướng bạo lực vốn đã tồn tại trước đó nhưng chưa được thể hiện. Việc bị buộc ở nhà đã khiến cho việc tìm kiếm sự giúp đỡ trở nên khó khăn hơn. Cảnh sát thì luôn phải bận rộn với việc kiểm dịch đến nỗi không thể đáp ứng các cuộc gọi khẩn cấp từ các nạn nhân. Những phụ nữ bị hành hung không thể ra khỏi nhà, trong khi tòa án là nơi ban hành các lệnh bảo vệ, lại đóng cửa”.

Đại dịch COVID-19 đã làm người ta yêu nhau nhiều hơn nhưng đồng thời, nó cũng là tác nhân làm tan vỡ không ít cuộc hôn nhân. Đại dịch này đã thực sự trở thành một liều “thuốc thử” cho tình yêu đích thực.

ĐỖ HỮU

 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.