“Lỗi hẹn cùng ca dao” - nỗi niềm ai tỏ?

Chia sẻ

Bài thơ mới đọc tưởng như một bài ca dao hiện đại. Cũng là những hình ảnh ước lệ quen thuộc: vườn, khóm trúc, khóm mai… nhưng lại không phải một không gian lãng mạn, tình tứ.

Vườn nay người khác đã rào
Khóm mai thay chỗ khóm đào ngày xưa
Em ngồi giặt áo giữa trưa
Đâu rồi môi hát vu vơ một mình?
Em ngồi giặt áo lặng thinh
Vò cho sạch những vết tình còn vương
Giũ cho vơi bớt giọt buồn
Phơi cho khô hết nhớ thương xa vời...

Đàn Kiều được mấy khúc vui
Thơ Kiều có vận vào đời em chăng?
Tình so chưa đủ ngũ âm
Áo chồng con đã nặng oằn dây phơi
Áo ca dao, gió cuốn rồi
Cầu ca dao trả cho người khác qua...

Tóc mai rủ bóng hiên nhà
Chuyện xưa dù nhắc vẫn là chuyện xưa
Em ngồi giặt áo giữa trưa
Rát bàn tay vẫn vò chưa sạch lòng
                                           Thanh Nguyên

Bài thơ mới đọc tưởng như một bài ca dao hiện đại. Cũng là những hình ảnh ước lệ quen thuộc: vườn, khóm trúc, khóm mai… nhưng lại không phải một không gian lãng mạn, tình tứ: “Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?/ Mận hỏi thì đào xin thưa/ Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.”
Mà là một thực tế lạnh lùng: “Vườn xưa người khác đã rào/ Khóm mai thay chỗ khóm đào ngày xưa”.

Vậy là chốn cũ nhưng người thì mới, người mới đã đánh dấu chủ quyền: rào dậu xung quanh để chặn lối lại qua. Mọi sự ở trạng thái ổn định, đã rồi.

Và cô gái ngày xưa đang tuổi cập kê, còn e thẹn trong buổi đầu hò hẹn cùng bao nhiêu mộng ước giờ cũng đã là vợ, là mẹ với trách nhiệm và bổn phận ở một “vườn khác”.

Nhưng bổn phận đó có gì như gánh nặng đè nèn những mơ mộng ngày nào. Có phải, “em” nhận ra mình đã không đến được với tình yêu đích thực của cuộc đời. Có những điều xót xa, chua chát:

Em ngồi giặt áo giữa trưa
Đâu rồi môi hát vu vơ một mình ?
Em ngồi giặt áo lặng thinh

Điều gì khiến một cô gái hồn nhiên, yêu đời thay đổi đến vậy? Hình như đó là quy luật. Mỗi độ tuổi người ta sẽ có những trải nghiệm và tâm trạng khác nhau. Nếu ngày xưa vừa làm em vừa “hát vu vơ” thì nay “em ngồi giặt áo lặng thinh”. Công việc không còn là niềm vui nữa. Công việc là việc phải làm.

Trong những việc nhà, giặt quần áo dường như mặc định dành cho người phụ nữ. Và công việc đó được Thanh Nguyên lồng vào nỗi lòng của người đang phải thực hiện hợp lí đến xót xa.

Em ngồi giặt áo lặng thinh
Vò cho sạch những vết tình còn vương
Giũ cho vơi bớt giọt buồn
Phơi cho khô hết nhớ thương xa vời ...

Vò áo cho sạch hay cũng là để vò hết những vết tình còn vương vấn, giũ áo hay là giũ cho bớt những giọt buồn sâu nặng, phơi áo hay còn muốn phơi khô những nhớ thương giờ đã không còn đúng chỗ.

Vậy là công việc trở thành chỗ cho người phụ nữ trút bỏ và giải tỏa nỗi lòng, những mong tâm tư dịu lại.

Không chỉ mượn ca dao, Thanh Nguyên còn đưa cả câu chuyện của nàng Kiều - người phụ nữ nổi tiếng tài sắc mà số phận long đong, trắc trở vào bài thơ.

Đàn Kiều được mấy khúc vui
Thơ Kiều có vận vào đời em chăng

Ngày xưa các cụ hay bói Kiều vì cho rằng hơn ba nghìn câu thơ trong Truyện Kiều có đầy đủ mọi cung bậc, trạng thái tình cảm và cuộc sống con người nhưng “đàn Kiều được mấy khúc vui”. Thực ra, mỗi cô gái đều thấy mình ở đâu đó trong cuộc đời của nàng Kiều- dù có thể không xinh đẹp, tài hoa. Nhất là những người phụ nữ đa cảm, những người phụ nữ không đến được với tình yêu đích thực. Liên tưởng, xa xót nhưng đâu có thể thay đổi điều gì.

Đàn so chưa đủ ngũ âm
Áo chồng con đã nặng oằn dây phơi

Thực tại vẫn là thực tại. Con người chỉ có thể nhìn về quá khứ trong tâm tưởng và đôi phút lặng lòng còn vẫn phải đối diện, sống với thực tại dù thực tại đó tẻ nhạt, buồn chán đến mức nào.

Áo ca dao gió cuốn rồi
Câu ca dao trả cho người khác qua.

Dẫu biết không phải tình yêu nào cũng có thể đi đến đích nhưng với những tình cảm mặn nồng thì sự dở dang, đứt gãy biết bao giờ có thể nguôi ngoai.

Thanh Nguyên gọi lên một dấu hiệu tình yêu đôi lứa “áo ca dao” sáng tạo và đầy sức biểu cảm. Dấu hiệu ấy được điệp lại một phần ở câu dưới “câu ca dao” tạo nên sự day dứt liên hoàn không dứt.

Tuy nhiên, giống như ở đoạn trên, cứ khi nào chuẩn bị chìm đắm vào quá vãng, sắp sửa mất phương hướng ở thực tại thì bổn phận, trách nhiệm của người phụ nữ lại thức dậy. Để hiểu một điều “chuyện xưa dù nhắc vẫn là chuyện xưa”. Không thể thay đổi được quá khứ, vẫn phải sống với thực tại dù thực tại ấy không vui. Cho nên:

Em ngồi giặt áo giữa trưa
Rát bàn tay vẫn vò chưa sạch lòng

Một lần nữa, sự lồng ghép tâm trạng vào công việc khéo léo, nhuần nhị lạ lùng. Dưới đôi bàn tay thuần thục và đảm đang, những tấm áo dù bẩn đến đâu cũng được giặt, vò cho sạch nhưng lòng người đang bề bộn, ngổn ngang làm sao mà dọn dẹp cho gọn gàng, nhẹ nhõm.

Cuộc đời vốn không hề đơn giản, lòng người lại càng phức tạp. Những người phụ nữ càng lắm nỗi niềm. Có thể không thấy những lời than vãn, những giọt nước mắt… vẫn thấy sự cần mẫn, đảm đang hàng ngày. Nhưng có biết đâu, đằng sau lớp vỏ bình yên, ánh mắt lặng thầm lại là bao trở trăn đau đáu. Thực ra mong muốn của phụ nữ không cầu kì, lớn lao. Chỉ hy vọng được là mình và có thể hết mình cho những điều xứng đáng.

NHẤT MẠT HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

(PNTĐ) - Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen Hoa Học Trò đã hỗ trợ nữ nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim nhiều kiến thức trên hành trình làm mẹ. Cùng với một số cuốn sách chị đã xuất bản như "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay", "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", các bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội của chị cũng luôn được đông đảo các bậc cha mẹ đón đọc.
Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

(PNTĐ) - Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.