Thú vị, hấp dẫn nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Chia sẻ

Để tạo các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tại những vùng biển từ khu vực Nam Trung Bộ trở vào - những địa danh sở hữu thảm san hô hấp dẫn trong lòng đại dương mênh mông - đã tổ chức các tour lặn biển, mang lại cho du khách những trải nghiệm đầy mới mẻ, thú vị.

Để tạo các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tại những vùng biển từ khu vực Nam Trung Bộ trở vào - những địa danh sở hữu thảm san hô hấp dẫn trong lòng đại dương mênh mông - đã tổ chức các tour lặn biển, mang lại cho du khách những trải nghiệm đầy mới mẻ, thú vị; những giây phút phấn khích khám phá thế giới bí ẩn của đại dương. Tuy nhiên, do đây là hoạt động đặc thù nên dịch vụ này cũng “kén” khách với nhiều yêu cầu, đòi hỏi khắt khe.

“Đi trong lòng đại dương”

Đại dương rộng lớn mang trong mình rất nhiều thú vị với những rặng san hô tuyệt đẹp, thế giới của muôn vàn loài cá và động vật biển, hệ thực vật phong phú, sống động trong làn nước xanh như ngọc. Tuy nhiên, nếu không phải là người làm nghề, để lặn sâu dưới đáy biển, khám phá thế giới mênh mông của biển cả là điều không tưởng với du khách. Nhiều thế hệ trước đây chỉ biết “đi trong lòng biển” qua... màn ảnh nhỏ.

Trải nghiệm đi bộ dưới biển khiến con người và sinh vật biển không có khoảng cáchTrải nghiệm đi bộ dưới biển khiến con người và sinh vật biển không có khoảng cách.

Hơn 10 năm trở lại đây, tại các vùng biển ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Nha Trang, Phú Quốc... dịch vụ ngắm san hô được đưa vào khai thác, rất đông du khách đăng ký. Thời điểm đó, dịch vụ này khá sơ khai, an toàn và đại trà, từ thanh thiếu niên đến ông già bà cả đều tham gia được. Gọi là ngắm san hô ở đáy biển nhưng du khách không phải lội nước, không bị ướt người, chỉ cần ngồi trên tàu biển và nhìn qua các ô kính trắng, trong suốt được lắp ở đáy tàu là có thể nhìn thấy những chùm san hô nhiều màu sắc sống động dưới làn nước biển trong xanh. Hình thức này có tên gọi là đi tàu đáy kính ngắm san hô, phát triển nhiều nhất tại biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà gắn liền với tour khám phá đảo, có giá thành hợp lý. Khách du lịch có thể dễ dàng xem san hô nhưng chính lợi thế lại là... hạn chế vì du khách, nhất là với giới trẻ vì chỉ được xem san hô qua kính, không được ngâm mình hay thỏa thích vẫy vùng trong nước biển mát lạnh; tàu đáy kính không thể đi xa nên san hô gần bờ ở mực nước nóng không thể lớn, đẹp rực rỡ. Cảm giác mang lại dường như chưa... đã.

Những hạn chế trên đã được khắc phục khi dịch vụ lặn biển ngắm san hô được giới thiệu thông qua các hình thức như đi bộ dưới đáy biển, lặn bằng mặt nạ (snorkerling) và lặn bằng bình khí (scuba diving). Trong 3 hình thức này, đi bộ dưới đáy biển đơn giản nhất, du khách chỉ phải đội chiếc mũ chuyên dùng che kín toàn bộ mặt và tóc, không cần bình khí, mặt nạ và cứ thế đi lại tại khu vực cho phép ở đáy biển như đi bộ trên mặt đất. Cái hay của dịch vụ này là yêu cầu với du khách không cao nên dù chi phí cho một lần đi bộ không hề rẻ, khoảng 1 triệu đồng/lần nhưng vẫn đông du khách trải nghiệm. Điểm chưa được nằm ở chiếc mũ có trọng lượng rất lớn (20kg) nên khá nặng trên đầu và thiếu cảm giác vẫy vùng khi toàn bộ cơ thể ở dưới nước.

Phức tạp hơn, dịch vụ lặn snokerling với các dụng cụ bảo hộ đặc trưng là ống thở, kính bơi và áo phao (với các bạn chưa biết bơi). Sau khi sử dụng các loại đồ bảo hộ trên, du khách chỉ cần úp mặt và cơ thể xuống nước là có thể ngắm san hô. Loại hình này thích hợp để lặn ở những vùng nước nông, gần bờ. Phức tạp nhất là dịch vụ scuba diving, ngoài các loại dụng cụ bảo hộ như loại hình lặn snokerling, du khách phải mang theo bình oxy ở sau lưng để hỗ trợ. Vì thế, lặn scuba diving cho phép du khách có thể lặn sâu, tối thiểu từ 5-10m, những người được đào tạo và có kỹ năng có thể lặn sâu từ 20 - 30m. Lặn sâu theo hình thức này phù hợp với những người biết bơi, bơi giỏi hoặc đã được đào tạo ngắn hạn về lặn… Người không biết bơi cũng có thể lặn scuba diving vì có dụng cụ bảo hộ và người hướng dẫn đi kèm nhưng ở sâu dưới biển, giữa mênh mông sóng nước, không có kỹ năng bơi, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý và khiến người lặn không thực sự thoải mái, tự do. Nhất là khi hình thức lặn này thường được khai thác ở các vùng biển sâu, càng xuống sâu dưới đáy biển, các thảm san hô càng phong phú, đặc sắc và đều là san hô sống; chưa kể có thêm rất nhiều đàn cá nhỏ đủ màu sắc xung quanh. Ở không gian này, du khách thực sự có cảm giác được khám phá và chinh phục một phần đại dương mênh mông. Vì là dịch vụ phức tạp nhất nên chi phí cho một chuyến lặn scuba diving cao hơn hẳn so với 3 loại hình còn lại, nhất là với những người chưa có bằng lặn phải trả thêm chi phí. Lặn scuba diving cũng chỉ áp dụng cho một số vùng biển sâu và có thảm san hô được bảo tồn cẩn thận. Còn lại, đa phần các điểm du lịch, kể cả ở Phú Quốc – địa phương có nhiều thảm san hô đẹp nhưng đều nằm ở tầng nước nông, du khách chỉ cần sử dụng dịch vụ lặn snokerling là thoả mãn được ước mơ “đi dạo trong lòng đại dương”.

Thú vị, hấp dẫn nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro - ảnh 2

Tuân thủ kỹ hướng dẫn để hạn chế rủi ro

Lặn biển là hoạt động thú vị, hấp dẫn và có sức lôi cuốn với du khách, nhất là với giới trẻ và du khách nước ngoài. Tuy nhiên, đây là hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro đến sức khoẻ và cả tính mạng nếu để xảy ra sơ sểnh đáng tiếc. Ngoài ra, gần đây, đã có hiện tượng một du khách nữ bị người hướng dẫn lặn scuba diving quấy rối tình dục hay một nam ca sỹ phải lên tiếng xin lỗi khi có hành vi xấu là ngồi lên san hô có thể khiến san hô mất sự sống, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có của vùng biển. Để hạn chế những rủi ro cho bản thân người lặn và chung tay gìn giữ, phát huy vẻ đẹp tự nhiên của thế giới đại dương, hơn ai hết, du khách khi trải nghiệm dịch vụ cần thực sự nghiêm túc tuân thủ hướng dẫn, có ý thức bảo vệ môi trường.

Với người lặn, phải tìm hiểu thật kỹ dịch vụ trước khi đăng ký. Quan trọng nhất, phải đáp ứng đủ các yêu cầu về sức khoẻ. Hãy khai báo thật về tình trạng sức khoẻ của mình, những người có bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp, tiền đình… sẽ khó có thể tham dự lặn biển. Nắm vững các nguyên tắc tối thiểu với người lặn: Không lặn biển khi vừa ăn quá no hoặc để bụng đói, không lặn biển khi vừa uống rượu bia hoặc nước uống có cồn; mỗi lần lặn biển thường kéo dài trong 30 phút, di chuyển dưới nước liên tục sẽ mệt nên nếu không có sức, du khách có thể bị lả đi. Thời điểm thích hợp để lặn biển là sau khi ăn từ 1 – 2 giờ.

Dịch vụ lặn biển phổ biến tại Phú QuốcDịch vụ lặn biển phổ biến tại Phú Quốc

Trước khi lặn, cần kiểm tra cẩn thận dụng cụ và thiết bị bảo hộ, sử dụng các loại kính bơi, chân vịt vừa vặn, không dùng loại quá rộng, ống thở và bình khí cần có sự kết nối chặt chẽ, không có hiện tượng bị rò rỉ nước; tập luyện cách giao tiếp, ra hiệu với người hướng dẫn khi lặn sâu dưới biển… Không nên quá lo lắng, hồi hộp dẫn đến căng thẳng khi lặn biển mà nên hít thở thật sâu, giữ cân bằng và bình tĩnh trước khi xuống nước.

Thường các đơn vị tổ chức lặn biển sẽ tập hợp số lượng khách đăng ký nhất định để tạo đoàn lặn, nên khi lặn hoặc bơi dưới biển cần điều chỉnh tốc độ để bơi cùng đoàn, không nên lặn lẻ loi một mình hoặc lặn quá sâu để tránh các rủi ro hoặc bị lạm dụng mà không có ai trong đoàn biết, giúp đỡ, can thiệp. Dưới biển sâu, thế giới sinh vật biển vô cùng phong phú nhưng con người rất hạn chế, nếu có chuyện không may xảy ra, việc cứu hộ rất khó khăn.

Càng xuống sâu, san hô càng đẹp rực rỡ. Đừng vì niềm vui của mình mà làm tổn hại đến thảm san hô, đặc biệt, san hô rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, chỉ cần một vài hành động vô thức như cầm, nắm quá tay hoặc bẻ là bạn đã có thể làm san hô chết và phải mất đến hàng chục, hàng trăm năm mới có thể phục hồi được. Giữ khoảng cách với thiên nhiên là cách tốt nhất để bạn tự bảo vệ bản thân mình bởi trong thế giới của sinh vật biển có một số loài khá độc, chỉ cần chạm hay sờ, cầm nhẹ, bạn bị dính độc, gây dị ứng hoặc ngộ độc với trường hợp cơ địa mẫn cảm.

Cuối cùng và cũng quan trọng, cần bố trí thời gian thích hợp trong chuyến đi để trải nghiệm dịch vụ lặn biển vì cơ thể cần khoảng thời gian nhất định để phục hồi nên phải sau tối thiểu 24 giờ sau khi lặn bạn mới được lên máy bay.

NGUYỄN CAO CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.