Việt Nam đang rất mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh

Chia sẻ

Điều này xuất phát từ tình trạng ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Chuyện thiếu trẻ em gái và phụ nữ trong tương lai sẽ là tất yếu. Báo cáo Thực trạng Dân số Thế giới năm 2020 ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.

Người Việt Nam vẫn “sính” con trai hơn con gái

Tại Lễ công bố Báo cáo Tình trạng dân số thế giới 2020 với chủ đề: “Trái với ý muốn của tôi - Xóa bỏ các thực hành có hại gây ảnh hưởng tới phụ nữ và trẻ em gái và gia tăng bất bình đẳng”, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) phát biểu: “Định kiến giới, tư tưởng thích con trai vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Rõ ràng, đây là sản phẩm của một hệ thống tư tưởng luôn đặt nam giới và trẻ em trai ở địa vị cao hơn phụ nữ và trẻ em gái. Việc lựa chọn giới tính thai nhi dựa trên cơ sở định kiến giới có thể được đo lường trực tiếp thông qua tỷ số giới tính khi sinh. Tỷ số này ở Việt Nam đang thể hiện tình trạng rất mất cân bằng”. 

Cụ thể, theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái, trong khi tỷ số “tự nhiên” là 105 bé trai trên 100 bé gái. Dựa trên sự mất cân bằng tỷ số giới tính, Báo cáo Thực trạng Dân số thế giới năm 2020 ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.

Ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Mất cân bằng giới tính khi sinh xuất phát từ các chuẩn mực xã hội phổ biến việc trọng nam hơn nữ, sính con trai hơn con gái. Việc đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên cũng là một trong những mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 mà chúng tôi đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2020”.

Phụ nữ và trẻ em gái có quyền được bảo vệ và sống trong môi trường bình đẳngPhụ nữ và trẻ em gái có quyền được bảo vệ và sống trong môi trường bình đẳng (Ảnh: Quỳnh Anh)

Bằng chứng cũng cho thấy sự mất cân bằng về nhân khẩu học chính là hệ quả của việc chọn lọc giới tính trước khi sinh gây ra bởi tư tưởng thích con trai vốn đã ăn sâu bám rễ vào văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự ưa thích con trai chính là biểu hiện rõ ràng của bất bình đẳng giới.

Về vấn đề này, bà Khuất Thu Hồng, chuyên gia Quốc gia về Bình đẳng giới và Lựa chọn giới tính thiên lệch về giới, chỉ ra 3 nguyên nhân chính: Truyền thống tổ chức gia đình phụ hệ, trong đó đề cao vai trò của con trai; Mô hình sinh sống bên nội, con gái lấy chồng ở nhà chồng;  Tục lệ thờ cúng tổ tiên, con trai nối dõi gia đình”.

Bà Hồng còn chỉ rõ, 60% nam giới Việt Nam đặt ra tiêu chí có con trai mới là người đàn ông thành đạt, đích thực.

Có thể thấy rằng, dù có nhiều tiến bộ trong vấn đề bình đẳng giới trong thập kỷ qua, việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và tư tưởng thích con trai hơn con gái vẫn tồn tại dai dẳng trong xã hội Việt Nam.

Những nỗi đau mà phụ nữ và trẻ em gái phải chịu đựng

Một phần báo cáo về dân số thế giới 2020 cũng chỉ ra những con số đau lòng: Năm 2020, trên toàn thế giới, khoảng 4,1 triệu phụ nữ sẽ bị cắt bỏ bộ phận sinh dục. Mỗi ngày, có 33.000 trường hợp tảo hôn dù đã bị cấm. Ước tính khoảng 650 triệu phụ nữ tảo hôn. Mới chỉ dưới 18 tuổi, các em bị ép buộc kết hôn với những người chồng thường lớn hơn các em rất nhiều tuổi. Tổn thất và hậu quả để lại vô cùng to lớn.

Mỗi năm trên thế giới có hàng triệu trẻ em gái là nạn nhân của các thực hành có hại ảnh hưởng tới cả thể chất và tinh thần của các em. Đáng nói, gia đình, bạn bè và cộng đồng của các em đều biết rõ, nhưng vẫn để cho những thực hành có hại tiếp tục hoành hành.

Cũng theo báo cáo của UNFPA, có ít nhất 19 thực hành có hại được coi là vi phạm quyền con người, từ là ngực đến kiểm tra trinh tiết. Trong đó, 3 thực hành phổ biến nhất là cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, tảo hôn và định kiến khắc nghiệt với con gái vì ưa thích con trai. “Những thực hành có hại đối với trẻ em gái gây ra những sang chấn sâu sắc và dai dẳng, cũng như cướp đi của các em quyền được phát triển hết tiềm năng của mình”- Giám đốc điều hành của UNFPA- TS.Natalia Kanem cho biết.

Ngoài ra, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái diễn ra tại một số quốc gia đã tiếp tay cho sự phát triển của vấn nạn lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và sao nhãng trẻ em gái, dẫn đến cái chết của nhiều trẻ em gái và sự “thiếu hụt” tới 140 triệu nữ giới.

Theo UNFPA, một số thực hành có hại đã có chiều hướng thuyên giảm ở một số quốc gia. Tuy nhiên, do sự tăng trưởng dân số tại các quốc gia này, số lượng trẻ em gái là nạn nhân của các thực hành này sẽ gia tăng vào các thập kỷ tới nếu không có các biện pháp quyết liệt. “Chúng ta cần giải quyết vấn đề này qua việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ, đặc biệt là các chuẩn mực thiên lệch về giới. Chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác hỗ trợ cộng đồng để họ tự hiểu được tác động tiêu cực mà những thực hành này đang gây ra cho các bé gái và lợi ích mà xã hội sẽ được hưởng khi chấm dứt những thực hành đó”- TS.Kanem nhấn mạnh.

PHƯƠNG ANH

 

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.