Anh cứ tưởng vợ chỉ là... khúc gỗ

Chia sẻ

Hai con tíu tít bên ông bà nội, Tú – Oanh lại như cặp vợ chồng son, yêu đương nồng nàn. Cái cảm giác đó cứ tưởng chẳng còn trong căn nhà trọ này!…

Tú - chàng trai thư sinh, người nhỏ nhắn đã bị sự đảm đang của Oanh thu phục. Lúc đó, Oanh học xong trung cấp kế toán và đi làm tại công ty tư nhân, còn Tú là nhân viên văn phòng tại công ty đối diện. Cứ buổi trưa đến, hai người lại thường có mặt tại quán cơm bình dân gần công ty. Rồi ánh mắt đầu tiên, sự rụt rè, e ngại của Tú, đã khiến Oanh chủ động “tấn công”. Những buổi trà đá sau ăn trưa, những tin nhắn hẹn hò đã đưa tình yêu 2 người đến nhanh hơn tưởng tượng. Khi tình yêu đủ lớn, đôi bạn về chung một nhà bằng một đám cưới hạnh phúc. Cả hai đều là người ngoại tỉnh, nên họ thuê nhà. Tú kém Oanh 2 tuổi, người ta thường ví “gái hơn hai, trai hơn một”, gia đình sẽ hạnh phúc, phụ nữ hơn tuổi thường chiều chồng. Nếu người ngoài nhìn vào, thường thấy Oanh già hơn so với Tú, và thấy anh hơi trẻ con, chưa biết suy nghĩ làm ăn nhiều. Sau khi sinh 2 đứa con, Oanh mập hơn, nên càng cảm nhận rõ sự chênh lệch về ngoại hình giữa hai vợ chồng. Hơi lệch về tính cách, ngoại hình nhưng Oanh giữ chồng bằng sự đảm đang, những bữa cơm ngon, canh ngọt bởi tài nấu ăn của mình. 10 năm có lẻ lấy nhau, nhưng hiếm khi Tú ra ngoài ăn cơm. Hết giờ công ty, anh thường về đón con, đạp xe cùng con, chờ vợ nấu nướng, gia đình vui vẻ bên mâm cơm… Mọi việc chỉ bắt đầu khi căn nhà trọ vốn chật hẹp lại thêm người.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tú là con một trong gia đình không mấy khá giả, cuộc sống tích cóp của hai vợ chồng làm công ty nhỏ cũng chỉ đủ thuê nhà và nuôi hai con ăn học bằng bạn, bằng bè trên phố. Bố mẹ Tú ở quê là nông dân, hơn 60 tuổi, nhà cũng không có nhiều ruộng, một phần muốn gần con cháu nên đành lên phố kiếm thêm việc. Bố Tú xin đi làm bảo vệ, còn mẹ thì nhận chăm trẻ ở gần khu trọ. Muốn tiết kiệm tiền thuê trọ, vợ chồng Tú thuê một căn trọ có gác xép. Ông bà ngủ trên còn vợ chồng Tú và 2 con nhỏ ngủ dưới. Nhà chật, người đông, chưa bao giờ Oanh phải làm dâu, nay phải sống như vậy, cô cũng cảm thấy gò bó. Mẹ chồng đi trông trẻ về cũng mệt, không có thời gian phụ giúp con cháu, bố chồng thì làm bảo vệ theo ca, cũng vất vả đêm hôm. Ông bà thường bảo cố gắng tiết kiệm thêm vài năm, rồi bán mảnh đất ở quê góp vào mua cho vợ chồng Tú căn nhà nhỏ. Thấy vậy, Oanh cũng mừng và chịu chật chội. Thế nhưng, từ cái khó khăn đó mới thử lòng người. Những lúc va chạm mẹ chồng nàng dâu, những lúc mệt mỏi, không người đỡ đần, những lúc so sánh cuộc sống của bạn bè công ty, đã khiến Oanh trầm lắng và cáu gắt hơn. Còn Tú, nhiều khi ỉ lại có ông bà, nên anh bắt đầu về muộn, đi ăn nhậu cùng bạn bè sau giờ làm. Chén rượu, cốc bia, thậm chí lô đề đã khiến Tú đưa tiền lương cho vợ ít hơn mỗi tháng. Bố mẹ thì chỉ đỡ tiền ăn cho cô, còn lại mọi khoản đóng góp dồn lên đầu Oanh. Nhiều lần Oanh kêu ca, nhưng chỉ nhận được sự qua loa, hứa hẹn của chồng, thậm chí những cái nhăn mặt, câu gắt gỏng. Không muốn gia đình to tiếng, bố mẹ hiểu lầm, Oanh lại nhịn.

Những bữa cơm trong gia đình càng ngày càng ít tiếng nói, tiếng cười. Việc ai người ấy làm, không có sự chia sẻ, chuyện trò trong công việc. Đi làm cả thứ 7, trước kia thì Tú còn giúp vợ dọn dẹp việc nhà, nay có bố mẹ ở cùng, vốn tính gia trưởng, con một, anh lại không dám giúp vợ, sợ mẹ nói rằng, đàn ông ai rửa bát, quét nhà. Cứ vậy, thành thói quen, mọi việc nhà cửa đều do Oanh tất bật. Những lúc con hư, Oanh mắng con, ông bà lại bênh rồi có lúc Tú mắng Oanh rằng đá thúng, đụng nia, không muốn cho bố mẹ ở đây... Nhiều lần phân bua với chồng nhưng đâu lại vào đó.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhóm bạn của vợ chồng Oanh có 5 gia đình, tháng nào cũng tụ tập một lần, vậy mà lâu lắm Oanh không đi, chỉ có Tú cho 2 con nhỏ hoặc đi một mình. Vốn hơn tuổi chồng, nhìn chúng bạn thảnh thơi, có nhà cửa đàng hoàng, còn gia đình Oanh vẫn ở trọ bao năm, khiến cô chạnh lòng không muốn gặp gỡ nhiều.

Một lần, vì nhà vệ sinh đi xong không biết ai quên dội nước, khiến Oanh nhắc nhở chung, vậy là chuyện bé xé ra to, Tú mắng cô có mỗi việc đó mà làm ầm ĩ cả nhà. Nhiều khi, Oanh định bảo chồng thuê riêng, chỉ ở gần nhà ông bà, không nên ở chung trong một căn trọ chật hẹp như vậy, mẹ con, bà cháu sẽ không tránh điều mâu thuẫn vặt, nhưng chồng cô không hiểu, chưa kịp nói đã phủi tay. Chuyện gia đình ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng. Cả tháng, cô cũng không gần gũi chồng. Đụng một chút, chiếc giường 4 người nằm lại kêu ken két, căn nhà trọ vang lên tiếng động, khiến cho vợ chồng không cảm thấy thoải mái và thường né tránh chuyện chăn gối hoặc có chăng thì cũng để cho xong chuyện. Không hiểu tâm tư của vợ, Tú thường cục cằn, giận dỗi “Cô chỉ như khúc gỗ, chán bỏ xừ…!”.

5 tháng, 7 tháng trôi đi, Oanh nhìn vào gương và chợt nhận ra rằng, cô không thể để cảnh gia đình mãi chìm trong sự lặng lẽ, không để tiếng thở dài, than vãn, những nếp nhăn hằn trên đôi mắt của mình được. Cuối tuần, để con ở nhà gửi ông bà, Oanh đi làm lại tóc và dùng một số máy lạ nhắn tin chồng: Anh đến gấp, phòng 301, khách sạn A, vợ anh đang ở đó… Trong lòng đầy bực tức, nghi ngờ, Tú phi xe tới, một khách sạn ven hồ thơ mộng, cánh cửa phòng mở ra, anh không tin vào mắt mình, cô gái mặc bộ đồ sexy đang đứng trước mặt anh, người mà chỉ vài phút trước anh còn đang nghi ngờ sự chung thủy, lại chính là vợ anh, đang tạo cho anh sự bất ngờ đến thú vị. Trong chút rượu vang, nến hồng, cả hai hòa quyện vào nhau như ngày đầu, khiến Tú nhận ra rằng, vợ mình đầy lãng mạn, không khô khan như mình nghĩ. Anh ôm hôn vợ rồi thì thào trong hạnh phúc: “Anh cứ tưởng vợ chỉ là khúc gỗ, không ngờ em thật tuyệt!...”.

Sau buổi tối lãng mạn, bất ngờ đó, Tú mới hiểu ra rằng anh thật gia trưởng và trẻ con, hoàn cảnh đôi khi khiến người ta khó tính hơn. Anh nhận ra rằng anh chưa lo được cho vợ con một cuộc sống thoải mái, anh không nghĩ đến suy nghĩ của vợ và trong đó có cả mong muốn của mình, nhưng anh đã vô tình né trốn. Ngày hôm sau, anh thưa chuyện cùng bố mẹ: “Chúng con thuê một căn phòng nhỏ ở gần bố mẹ. Không ở chung nhà, nhưng ở gần, chúng con vẫn có thể quan tâm tới bố mẹ. Chúng ta có thể tiết kiệm bằng nhiều cách, nhưng quan trọng phải giữ cho tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái…”. Lúc đầu, mẹ Tú cũng không bằng lòng, nhưng sau khi nghe con giãi bày, chồng góp ý, bà cũng vui vẻ chấp nhận…!

Từ đó, cuộc sống gia đình Oanh lại trở nên ấm áp hơn. Mọi người có đồ ăn ngon, con cái rảnh lại sang ông bà chơi. Cuộc sống vợ chồng Tú không còn căng thẳng, sự va chạm mẹ chồng, nàng dâu cũng không còn nhiều. Giúp vợ sẻ chia, giảm gánh nặng từ những việc vụn vặt, anh mới thấy cuộc sống có nhiều điều phức tạp, nhưng quan trọng mình phải biết lắng nghe để thấu hiểu, cảm nhận…!

THU HẰNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.