Xử lý tài sản đứng tên một người sau ly hôn ra sao?

Chia sẻ

Hai vợ chồng cháu gái tôi cùng đóng tiền mua một căn hộ chung cư đang trong quá trình xây dựng, tuy nhiên chỉ có cháu rể tôi đứng tên trong các giao dịch.

Câu hỏi:

Hai vợ chồng cháu gái tôi cùng đóng tiền mua một căn hộ chung cư đang trong quá trình xây dựng, tuy nhiên chỉ có cháu rể tôi đứng tên trong các giao dịch. Nay hai vợ chồng cháu tôi ly hôn trong khi căn hộ kia vẫn chưa xây xong. Vậy cháu tôi có được chia tài sản là căn hộ đó hay không?

Đào Thanh Mai – Đống Đa – Hà Nội

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi liên quan đến việc chia tài sản khi ly hôn. “Tài sản” ở đây được đề cập đến là bất động sản được hình thành trong tương lai. Căn hộ chung cư đang trong quá trình xây dựng, tức là tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch. Khi đứng ra giao dịch với chủ đầu tư và giao kết hợp đồng mua căn hộ chung cư, thì một mình người chồng đứng ra giao dịch mua bán với chủ đầu tư, không đồng nghĩa với việc chỉ có người chồng sẽ là chủ sở hữu căn hộ đó sau này. Khi chung cư hoàn thành, chủ đầu tư mới tiến hành làm những thủ tục cần thiết để xác lập quyền sở hữu chính thức của mỗi căn hộ.

Theo luật định thì tất cả những tài sản được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng, trừ những lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi tức mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình. Do đặc thù của việc mua nhà chung cư, để xác lập hợp đồng một cách thuận tiện thì chỉ người chồng đứng tên giao dịch (nhưng đó cũng là việc tạo lập tài sản hoặc kinh doanh chung nếu không có thỏa thuận từ trước đó người chồng kinh doanh hoặc mua nhà từ tiền riêng). Nếu người chồng không chứng minh được đó là tài sản riêng thì đương nhiên đó là tài sản chung.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trong Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 ngày 19/06/2014 có quy định rõ về chế độ tài sản chung tại “Điều 26: Đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng.

1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Luật này (căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng, đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh).

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật này thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi”.

Bạn yên tâm rằng, nếu đó là tài sản chung của vợ chồng người cháu, thì khi người chồng tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng thì giao dịch đó vô hiệu.

Còn một yếu tố nữa liên quan đến việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng mà người cháu của bạn cần được biết, đó là những nội dung tại Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn Luật Hôn nhân và Gia đình:

“Điều 13. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng

1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và Gia đình.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và Gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu”.

Quay trở lại trường hợp của cháu bạn, khi Tòa án thụ lý ly hôn, cháu của bạn nên nộp cho Tòa án Hợp đồng mua bán nhà ở giữa người chồng với chủ đầu tư và nêu ý kiến của mình về khối tài sản đó, đề nghị Tòa giải quyết. Nếu người chồng không xuất trình được những căn cứ chứng minh tài sản được hình thành trong tương lai là tài sản riêng thì đương nhiên đó là tài sản chung của vợ chồng. Trong quá trình giải quyết khối tài sản đó, nếu hai vợ chồng thỏa thuận được với nội dung: Ai là người nhận căn hộ đó thì có việc thực hiện tiếp nghĩa vụ đóng tiền theo tiến độ của chủ đầu tư dự án, đồng thời phải trả cho người không chọn giải pháp lấy nhà phần giá trị tài sản cho người chồng (hoặc vợ), và khi đó người kia xác nhận đó là tài sản riêng, hoặc có Biên bản hòa giải thành của tòa án công nhận phần phân chia tài sản đó. Khi ấy, người đang thực hiện Hợp đồng mua nhà với Chủ đầu tư sau này mới được toàn quyền định đoạt khối tài sản đó.

Luật sư: TRẦN THU THỦY

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.