Bạch hầu, phòng ngừa và chữa trị ra sao?

Chia sẻ

Theo các chuyên gia y tế dự phòng, bệnh bạch hầu thường khởi đầu như một đợt cảm lạnh thông thường, viêm họng, viêm amidan, hay viêm thanh quản, và có thể bạn sẽ thấy lạ là bệnh này cũng có thể biểu hiện như một bệnh nhiễm trùng da.

Tuy nhiên, căn bệnh này có những biến chứng thường gặp nhất là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh có thể khiến bạn gặp nguy hiểm.

Dấu hiệu nhận biết

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt, hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu - tên khoa học là Corynebacterium diphtheria - gây ra.

Bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Vì vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bệnh bạch hầu sẽ có các biểu hiện khác nhau:

- Bệnh bạch hầu mũi trước: Bệnh nhân sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy đôi khi có lẫn máu. Khi khám có thể thấy màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh này thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.

- Bệnh bạch hầu họng và amidan: Bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2-3 ngày, sẽ xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng. Thường thể bệnh này các độc tố ngấm vào máu nhiều và có thể gây tình trạng nhiễm độc toàn thân. Một số bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra. Những trường hợp nhiễm độc nặng bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê.

- Bạch hầu thanh quản: Đây là thể bệnh tiến triển nhanh và rất nguy hiểm. Bệnh nhân thường biểu hiện bằng dấu hiệu sốt, khàn tiếng, ho ông ổng. Khi khám, bác sĩ có thể thấy các giả mạc tại ngay thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được xử trí kịp thời, các giả mạc này có thể gây tắc đường thở làm bệnh nhân suy hô hấp và gặp nguy hiểm.

- Bạch hầu các vị trí khác: Thường rất hiếm gặp và nhẹ, vi khuẩn bạch hầu có thể gây loét ở da, niêm mạc như niêm mạc mắt, âm đạo hay ống tai.

Phòng bệnh và chữa trị

Hiện nay, đã có thuốc để điều trị bệnh bạch hầu, tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. May mắn là bệnh bạch hầu có thể phòng ngừa được bằng biện pháp tiêm phòng vắc-xin.

Tại Việt Nam hiện nay không có vắc-xin đơn phòng bệnh bạch hầu, chỉ có những vắc-xin phối hợp, trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu, như:

- Ở Chương trình Tiêm chủng quốc gia (TCMR): Vắc-xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - Hib - viêm gan B (DPT-VGB-Hib): tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván: tiêm khi trẻ 16-18 tháng tuổi. Vắc-xin bạch hầu - uốn ván cho nhóm đối tượng người lớn có nguy cơ cao, chỉ được sử dụng trong chiến dịch khi có dịch bệnh chứ không tiêm phổ cập.

- Về vắc-xin dịch vụ: Vắc-xin 6 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - Hib - viêm gan B, hoặc vắc-xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván -Hib - bại liệt: tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và khi trẻ 16-18 tháng tuổi. Vắc-xin 4 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt: khi trẻ 4-6 tuổi. Vắc-xin phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván: đối với trẻ trên 4 tuổi và người lớn, thường được khuyến cáo tiêm nhắc mũi vắc-xin này mỗi 10 năm một lần.

Để phòng bệnh bạch hầu, bạn cần cho trẻ đi tiêm phòng đúng lịch và đủ liều.

BS MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.