Dấu mốc lịch sử lớn trong quá trình hội nhập quốc tế

Chia sẻ

Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ghi một dấu mốc lịch sử lớn trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam, cũng như tiến trình hợp tác, liên kết của cả ASEAN nói chung.

Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ghi một dấu mốc lịch sử lớn trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam, cũng như tiến trình hợp tác, liên kết của cả ASEAN nói chung.

Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt với Việt Nam khi vừa đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên lần thứ 3 vừa kỷ niệm 25 năm trở thành thành viên của ASEAN.

Đánh giá về sự đồng hành, gắn bó của Việt Nam vào “mái nhà chung” này, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng – Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về Năm ASEAN 2020 cho biết: 25 năm qua đã chứng kiến sự thay đổi và chuyển biến hết sức mạnh mẽ của Việt Nam. Từ những bước ban đầu còn chập chững, Việt Nam nay đã là một thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm, chung tay cùng các nước thành viên ASEAN khác ứng phó với các thách thức đang nổi lên cũng như đóng góp xử lý những vấn đề chiến lược liên quan đến hòa bình, phát triển, thịnh vượng của ASEAN; qua đó, góp phần thúc đẩy vị thế của ASEAN cũng như vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến phản ánh tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng” như chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2020.Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến phản ánh tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng” như chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Vai trò chủ động, tích cực và trách nhiệm

Trong một phần tư thế kỷ qua, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp vào xây dựng định hướng phát triển và các quyết sách lớn của ASEAN, chẳng hạn như Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể kèm theo, Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC), Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI)…

Nhiều sáng kiến mà Việt Nam đưa ra đã được hiện thực hóa, góp phần vào việc hình thành, củng cố, phát triển các thể chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt. Có thể kể đến quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) để kết nạp thêm Mỹ và Nga, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), vận động để đại diện cho ASEAN dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Hàn Quốc và Canada hay thành lập Uỷ ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN.

Trong vai trò điều phối, Việt Nam đã làm tốt việc kết nối, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN với các đối tác chiến lược như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Australia và Ấn Độ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực triển khai lộ trình tổng thể xây dựng cộng đồng ASEAN, tham gia soạn thảo sáng kiến liên kết ASEAN, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển và hỗ trợ các thành viên mới hội nhập khu vực.

Đáng chú ý, trong năm 2019, Việt Nam cùng các nước thành viên đã xây dựng và thông qua quan điểm về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, giúp hình thành lập trường chung của ASEAN về vấn đề này. Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang cùng các nước ASEAN nỗ lực để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc vốn đang bị trì hoãn do đại dịch Covid-19.

Việt Nam cũng tham gia thúc đẩy thông qua, hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Dịch vụ, xây dựng lộ trình cắt giảm hàng rào phi thuế quan và kết thúc đàm phám Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), dự kiến sẽ được ký kết trong năm 2020.

Nắm giữ cương vị Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam Nam hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm và sáng tạo. Cộng đồng ASEAN có những hành động kịp thời, chủ động thích ứng, gắn kết các nước đối phó với đại dịch.

Sau thành công của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó với Covid-19,  Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 cũng được tổ chức trực tuyến lần đầu tiên. Lãnh đạo các nước ASEAN đánh giá cao vai trò dẫn dắt và sự năng động của Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Dấu ấn Việt Nam trong con mắt của bạn bè quốc tế

Đánh giá về vai trò của nước Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumsay Kommasith khẳng định: “Việt Nam đã thể hiện năng lực không chỉ trong việc lãnh đạo ASEAN mà còn thể hiện khả năng của mình trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh trên thế giới và khu vực, đây là minh chứng rõ ràng về vai trò nổi bật của Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch ASEAN 2020”

Đại sứ Ade Padmo Sarwono - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Indonesia tại ASEAN cho rằng Chủ tịch ASEAN 2020 không chỉ thúc đẩy lợi ích của các nước thành viên, mà còn tăng cường và đẩy mạnh các lý tưởng của ASEAN nhằm tạo ra một khu vực thịnh vượng hơn, đồng thời tiếp tục duy trì hòa bình và ổn định. Nhà ngoại giao Indonesia nhấn mạnh, chính sự đóng góp của Việt Nam sau 25 năm gia nhập ASEAN đã mở đường cho sự phát triển thịnh vượng của khu vực.

Nhìn nhận Việt Nam có “vai trò rất to lớn” đối với sự phát triển của ASEAN trong chặng đường 25 năm qua, chuyên gia Nga Grigory Pavlovich Trofimchuk, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu Ý tưởng Á - Âu khẳng định: Việt Nam đã chứng tỏ mình không chỉ là một thành viên có trách nhiệm của ASEAN, mà còn là đầu tàu của tổ chức uy tín này. Dư luận ở Nga và Liên minh Kinh tế Á - Âu đều có chung nhận định rằng Việt Nam đang góp phần nâng cao vị thế của ASEAN, quảng bá hình ảnh của tổ chức này ra thế giới bên ngoài và trên phạm vi quốc tế.

VINH HÀ

Tin cùng chuyên mục

VN-Index lao dốc nằm trong dự đoán

VN-Index lao dốc nằm trong dự đoán

(PNTĐ) - Chỉ số VN-Index lao dốc trong phiên 15/4 nằm trong dự báo của giới chuyên gia dựa vào một số yếu tố như các quỹ lớn tái cơ cấu danh mục đầu tư, đáo hạn phái sinh và các biến động tiêu cực đến từ tình hình quốc tế...