Cần một giải pháp tổng thể cho vấn đề kinh tế báo chí

Chia sẻ

Đối với các cơ quan báo chí, trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng phải đặt lên hàng đầu. Nhưng, bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, báo chí phải đối mặt với vấn đề kinh tế, phải tự chủ về tài chính, giải quyết được bài toán nguồn thu.

Cần một giải pháp tổng thể cho vấn đề kinh tế báo chí - ảnh 1

- Đại dịch Covid-19 đã khiến cho vấn đề kinh tế báo chí vốn đang chịu nhiều thách thức lâu nay "lộ diện" rõ hơn bao giờ hết. Theo ông, lời giải cho bài toán kinh tế đối với các cơ quan báo chí nằm ở đâu?

- Đối với các cơ quan báo chí, trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng phải đặt lên hàng đầu. Nhưng, bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, báo chí phải đối mặt với vấn đề kinh tế, phải tự chủ về tài chính, giải quyết được bài toán nguồn thu. Hai điều này đôi khi tưởng như mâu thuẫn nhau, bởi làm sao vẫn làm tốt được nhiệm vụ chính trị để tờ báo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, đúng định hướng, mà vẫn có được nguồn thu dồi dào.

Nếu chỉ có các cơ quan báo chí tự bơi, tự vật lộn với chuyện “cơm áo gạo tiền” trong nền kinh tế thị trường để giải quyết bài toán kinh tế thì rất khó có thể đảm bảo cho tờ báo luôn đi đúng hướng. Vì vậy, rất cần một giải pháp tổng thể để giải quyết vấn đề kinh tế báo chí.

Trước hết, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để các cơ quan báo chí có điều kiện tự chủ, phát huy được vai trò vị trí, uy tín của cơ quan báo chí cũng như sự năng động, sáng tạo của tập thể lãnh đạo cơ quan báo chí. Từ đó mở ra cơ hội có nguồn thu mà không vi phạm các quy định. Tạo cơ chế chính sách phù hợp, hiệu quả là quan trọng nhất.

Thứ hai, sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước. Đối với một số các cơ quan báo chí chủ lực, những cơ quan báo chí thuộc hệ thống của Đảng, Nhà nước, chính quyền và của các tổ chức chính trị-xã hội, Nhà nước vẫn cần hỗ trợ ở mức độ phù hợp về trụ sở, phương tiện làm việc, ngân sách, thuế thu nhập, đầu ra của sản phẩm báo chí… Cơ quan báo chí không phải là doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận kinh tế, sản phẩm báo chí không phải là hàng hoá thông thường mà có tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng, tâm lý xã hội. Là vũ khí đặc biệt quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hoá của Đảng, báo chí cần được giải thoát khỏi những áp lực nặng nề và gay gắt của chuyện tìm kiếm nguồn thu...

Đồng thời Nhà nước, chính quyền các cấp cần quan tâm thực sự vấn đề đặt hàng báo chí. Việc này, theo tôi, nên được thực hiện theo chủ trương chung thống nhất, thường xuyên, cơ chế linh hoạt để đảm bảo cho các cơ quan báo chí có thể thực hiện liên tục. Để làm được việc này, vấn đề không phải chỉ từ Nhà nước mà bản thân các cơ quan báo chí phải năng động, sáng tạo, chủ động, đề xuất để hình thành các đề án, dự án đặt hàng phù hợp.

- Một trong những vấn đề nan giải của bài toán kinh tế báo chí hiện nay là vấn đề bảo vệ bản quyền vẫn còn rất lỏng lẻo. Điều này khiến cho việc "bán thông tin" của các cơ quan báo chí trở nên khó khăn. Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có biện pháp nào để giúp các cơ quan báo chí giải quyết vấn đề này, thưa ông?


- Đúng là nếu báo chí không giữ được bản quyền của mình thì không bao giờ có nguồn thu từ việc “bán thông tin”. Cho nên vấn đề bảo vệ bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ đang trở thành vấn đề lớn, nhất là đối với các báo điện tử. Tới đây, Hội Nhà báo VN sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí để bảo vệ mạnh mẽ hơn nữa bản quyền của báo chí. Hội Nhà báo VN sẵn sàng làm trung tâm kết nối để bảo vệ bản quyền cho các cơ quan báo chí, cho các nhà báo. Đây cũng là một cách bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của các cơ quan báo chí, của các hội viên nhà báo.

- Có một thực tế là không ít công chúng độc giả đang hướng đến xu hướng thông tin "sốc, sến, sex", khiến báo chí chạy đưa tin kiểu giật gân, câu view để giải quyết bài toán kinh tế. Theo ông, trước tình trạng đó liệu định hướng thông tin của báo chí có bị lệch lạc, kém chất lượng theo?

- Báo chí chạy theo "sốc, sến, sex", giật gân câu khách là rất lệch lạc và nguy hại. Khi đặt vấn đề thu phí, nếu các cơ quan báo chí chạy theo xu hướng này sẽ gây vẩn đục môi trường văn hoá, thông tin và gây tác động xấu nhiều mặt đối với xã hội.

Trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong vấn đề này rất lớn. Đã có xu hướng báo chí chạy theo cái đó và lôi kéo một bộ phận độc giả không nhỏ. Một bộ phận công chúng bị kích thích bởi thị hiếu tầm thường và có thể hại nhau bởi các thông tin xấu độc. Tôi nghĩ báo chí phải góp phần vào xây dựng thị hiếu lành mạnh, hướng độc giả theo nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng những thông tin tốt, bổ ích. Từ đó độc giả tìm đến báo chí và chấp nhận trả tiền để mua những thông tin chính thống, bổ ích.

- Ngoài việc hỗ trợ các cơ quan báo chí bảo vệ bản quyền tăng nguồn thu cho các cơ quan báo chí thì Hội Nhà báo Việt Nam còn có các giải pháp nào khác để hỗ trợ các cơ quan báo chí trong các mô hình kinh tế báo chí?

- Gần đây nhất trong đại dịch Covid-19, Hội Nhà báo VN đã có công gửi Chính phủ và Bộ Tài chính đề nghị hỗ trợ các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn. Bộ Tài chính đã có hướng dẫn để các cơ quan báo chí thực hiện theo quy định để được hưởng hỗ trợ ấy. Hội cũng đang tích cực phối hợp với Bộ TT&TT, một số bộ ban ngành trung ương có liên quan để tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế chính sách đối với báo chí, nhất là cơ chế hỗ trợ báo chí vượt qua những thách thức hiện nay.

- Trân trọng cảm ơn ông!

HẠ THI (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.
Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.