Điều ước của con

Chia sẻ

Sinh nhật tuổi 12 của con trai, tôi và chồng mua tặng con một chiếc bánh gato. Tôi cắm lên đó mấy ngọn nến tượng trưng và nói con hãy ước một điều gì đó.

- Có phải điều ước trong sinh nhật sẽ linh nghiệm phải không mẹ?

- Đúng rồi. Là vì phải đợi cả năm, chúng ta mới có được một điều ước. Vì thế con cứ ước đi, mẹ tin nó sẽ thành hiện thực.

- Vâng. Vậy thì con ước cho bác giám đốc cơ quan bố sẽ có thật nhiều tiền và luôn vui vẻ.

Nghe con ước vậy, cả tôi và chồng đều rất ngạc nhiên. Chúng tôi vội hỏi con:

- Con có nhầm không? Tại sao sinh nhật con không ước cho con, hay là cho bố, cho mẹ mà lại ước cho người ngoài?

- Là vì khi giám đốc của bố có nhiều tiền và vui vẻ thì bố cũng sẽ không bị bác ấy mắng. Khi không bị mắng, bố cũng sẽ vui vẻ với mẹ và con… Con thích nhà mình lúc nào cũng vui vẻ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Lần thứ hai, cả hai chúng tôi sững lại. Quả thực, đã bước vào tuổi ngoài 40, cứ tưởng mình đi nhiều, biết nhiều, nhưng chưa bao giờ, tôi nghĩ con mình lại có điều ước như thế.

Tôi khe khẽ đưa tay ra nắm lấy tay chồng. Tôi có cảm giác, bàn tay anh đang run run. Qua ánh nến, tôi thấy mắt anh cũng ngân ngấn lệ.

Chồng tôi vốn là trưởng phòng của một công ty. Trước đây, anh là người khá vui tính, hài hước, tâm lý với vợ con. Nhưng rồi, 1 năm qua, anh thay đổi khi công ty làm ăn thua lỗ, nhất là nửa năm vừa rồi do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 mà thu nhập của anh bị ảnh hưởng trầm trọng. Từ lúc cả gia đình tôi chỉ cần sống bằng một suất lương của anh mà còn dư dả, nay, tôi cũng phải bươn chải để cùng anh lo chi tiêu. Tôi biết, anh rất đau khổ, dằn vặt vì việc đó nhưng chưa tìm được cách cải thiện tình hình. Và từ lúc nào, anh trở nên cáu bẳn, nụ cười gần như tắt hẳn trên môi.

Con trai tôi từ nhỏ đã quen quấn quýt bố. Cháu thích bố chơi cùng bố, nhờ bố dạy học, hỏi bố những điều cháu chưa biết. Nhưng, giờ thì cháu lại là người luôn phải nhận nhiều nhất những cơn thịnh nộ của bố.

- Bố đang mệt, con đi ra ngay.

- Con tránh xa bố ra, nếu không muốn ăn đòn.

- Bố không muốn chơi với con. Công việc chưa đủ mệt óc hay sao mà còn bị con lẽo nhẽo làm phiền.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đó là những câu mà chồng tôi trong lúc tức giận đã buột miệng nói ra. Tôi biết, anh không có ý gì nhưng lại đang làm cho con tôi sợ hãi, buồn phiền. Rồi dần dần, cháu phát hiện người có thể tác động đến cảm xúc của bố cháu chính là vị giám đốc ở cơ quan. Ông ấy nếu vui thì bố cháu về nhà cũng vui. Ngược lại, bếu hôm nào ông cáu giận thì y rằng, bố cháu cũng cáu giận.

Đó là lý do con tôi ước cho “bác giám đốc” hãy luôn vui vẻ và có nhiều tiền để trả cho bố cháu. Đúng là kiểu suy nghĩ của trẻ con, nhưng lại đem tới cho chúng tôi một bài học vô cùng sâu sắc. Lâu nay, chúng tôi chỉ biết trút giận lên con vô cớ, như một cách để giải tỏa stress cho bản thân, mà không cần biết cảm nhận của con như thế nào.

- Được rồi, lời ước sinh nhật của con sẽ ngay lập tức trở thành hiện thực. Từ ngày mai, bác giám đốc sẽ luôn vui vẻ và bố cũng sẽ vui vẻ với con như xưa, chồng tôi ôm lấy con trai thì thầm, còn thằng bé thì vỗ tay, hét vang nhà vì sung sướng.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.