Vụ gãy sập thang treo lắp kính ở Hà Nội: Xót xa 2 mẹ con cùng tử nạn

Chia sẻ

Các nạn nhân trong vụ gãy sập thang treo lắp kính ở Hà Nội đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Xót xa hơn, trong số 4 nạn nhân tử vong, có 2 mẹ con ruột.

Nỗi đau của người thân các nạn nhân. Ảnh: Hoàng HảiNỗi đau của người thân các nạn nhân. Ảnh: Hoàng Hải

Liên quan đến việc gãy sập thang treo lắp kính xảy ra vào khoảng 20h tối qua (30/7) tại công trường xây dựng ở số 18 phố Nguyễn Công Trứ (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khiến nhiều người tử vong, sáng nay các nạn nhân xấu số đều đã được đưa về quê an táng.

Đáng chú ý, các nạn nhân đều cùng quê với nhau, trú tại xã Hoàng Diệu (Chương Mỹ, Hà Nội). Đa phần đều là người họ hàng, trong đó có 2 nạn nhân tử vong là mẹ con.

Lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt tại hiện trường thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ.Lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt tại hiện trường thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ.

Sáng nay (31/7), thông tin tới phóng viên, lực lượng chức năng xác định danh tính của 4 nạn nhân xấu số (3 người tử vong tại hiện trường, 1 người tử vong tại viện) gồm: Nguyễn Thế Sơn (SN 1967), Nguyễn Thế Bồng (SN 1956) và Nguyễn Thị Thúy (SN 1968); Đặng Đình Thắng (SN 1992, con trai của bà Thúy). Tất cả đều là công nhân của công trình trên.

Được biết, bà Thúy cùng con trai và vài người địa phương đến dọn dẹp, lau rửa kính tại công trình số 18 Nguyễn Công Trứ gần 1 tháng nay. Khi vụ tai nạn xảy ra, bà Thúy tử vong tại chỗ, còn anh Thắng – con trai bà bị thương rất nặng. Mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng anh Thắng cũng đã tử vong sau đó. 

Chưa hết bàng hoàng về nỗi đau vừa xảy ra với gia đình, chị Nguyễn Thị Phương (SN 1986, quê xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, khoảng nửa tháng gần đây, bố chị là ông Nguyễn Thế Bồng cùng mẹ đi làm thu dọn đồ đạc, lau rửa kính tại công trình xây dựng số 16 Nguyễn Công Trứ.

Công việc hàng ngày kéo dài từ sáng đến khoảng 17h cùng ngày. Như thường lệ, sáng 30/7, bố mẹ chị đi đến khoảng 17h, mẹ chị về nhà để thu dọn nhà cửa và chuẩn bị cơm nước còn bố ở lại làm tăng ca cùng một số người khác.

"Khoảng 19h55 phút, tôi nhận được tin từ người hàng xóm bảo bố bị tai nạn lao động trên Hà Nội. Nghe tin, tôi vội chạy đi tìm mẹ hỏi xem công việc của bố thế nào thì mẹ gọi điện lên chỗ bố làm, nhận tin bố bị tai nạn đã tử vong. Đến giờ tôi vẫn chưa thể tin đó là sự thật, sáng nay, bố đi làm còn vui cười chào mọi người mà nay đã mỗi người một nơi, đau đớn quá...", chị Phương nghẹn ngào chia sẻ.

Chia sẻ thêm về hoàn cảnh của gia đình, chị Phương tâm sự, bố mẹ chị sinh được 4 người con. Trong đó, chị là con gái đầu, người em trai thứ 2 không may bị liệt nửa người, cuộc sống hàng ngày phải có người chăm sóc, em trai út hiện đang học cấp 3.

Mấy chục năm qua, bố mẹ chị tần tảo, làm đủ nghề để nuôi mấy chị em ăn học, trưởng thành.

"Sống cả đời người, chưa một ngày bố tôi được ngơi nghỉ chân tay, ở quê hễ ai mướn việc gì ông đều đi làm. Đến lúc chết có thể ông cũng chết đói, chết khát vì làm tăng ca chắc chưa được ăn gì. Ngày trước, nếu hôm nào làm tăng ca, đến 21h, bố tôi mới về ăn cơm cùng gia đình...", chị Phương khóc nói.

Hiện trường nơi nhiều công nhân rơi xuống.Hiện trường nơi nhiều công nhân rơi xuống.

Trước đó, vào khoảng 20h tối ngày 30/7, tại công trường xây dựng ở số 18 phố Nguyễn Công Trứ (gần ngã tư Lò Đúc - Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã xảy ra một vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương nặng.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ.

Theo phunuvietnam.vn

Tin cùng chuyên mục

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo “cập nhật thông tin BHXH” để chiếm đoạt tài sản

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo “cập nhật thông tin BHXH” để chiếm đoạt tài sản

(PNTĐ) - BHXH Việt Nam liên tục nhận được phản ánh về việc các đối tượng lừa đảo mạo danh cán bộ BHXH thực hiện các hành vi như: Gọi điện thoại, nhắn tin, hoặc gửi các đường link không rõ nguồn gốc. Các đối tượng này yêu cầu người dân và các đơn vị sử dụng lao động cập nhật thông tin với lý do: “Từ ngày 1/7/2025, cơ quan BHXH thay đổi hệ thống giao dịch điện tử, nếu không cập nhật sẽ bị gián đoạn giao dịch, không nhận được lương hưu và thẻ bảo hiểm y tế”... Đây là thủ đoạn lừa đảo.
Dầu ăn 'bẩn' - trách nhiệm không thể 'trôi' theo dầu

Dầu ăn 'bẩn' - trách nhiệm không thể 'trôi' theo dầu

(PNTĐ) - Liên quan đến vụ việc triệt phá một đường dây chế biến dầu dùng cho thức ăn chăn nuôi thành cho người với số lượng đã tiêu thụ lên tới hàng chục nghìn tấn tại địa bàn tỉnh Hưng Yên, người tiêu dùng không khỏi bất an khi hàng chục nghìn tấn dầu ăn dành cho vật nuôi có thể trót lọt vào chuỗi thực phẩm cho người mà không bị phát hiện trong nhiều năm.