Bài 1: Những con đường mang ý Đảng, lòng dân

Chia sẻ

Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, các huyện ngoại thành, xã miền núi thuộc Hà Nội giờ đã thay da đổi thịt. Yếu tố quyết định thành công ấy chính là sự đồng thuận của người dân, mà phía sau đó là vai trò nòng cốt của cán bộ đảng viên luôn gương mẫu, tích cực tuyên truyền, vận động, trở thành cầu nối để chủ trương của Đảng được lòng dân ủng hộ.

Đường ngoài ruộng đẹp như trong phố

Xã Liên Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) là một trong những đơn vị được công nhận Xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) từ cuối 2014. Đến nay, xã đã hoàn thành được 17/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí NTM, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. 100% đường làng, ngõ xóm được lắp điện chiếu sáng đô thị và được bê tông hóa, 8/8 thôn có nhà văn hóa... Liên Hà cũng đã tuyên truyền vận động được 7/8 thôn dồn điền đổi thửa; các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn đã ủng hộ được 1,82 tỷ đồng, hiến trên 30.000m2 đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông nội đồng, đóng góp ngày công trị giá trên 7 tỷ đồng.

Con đường bê tông trắng muốt nằm xen kẽ giữa những khoảnh ruộng lúa xanh rì của xã Liên Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) có được là nhờ công cuộc xây dựng NTM.Con đường bê tông trắng muốt nằm xen kẽ giữa những khoảnh ruộng lúa xanh rì của xã Liên Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) có được là nhờ công cuộc xây dựng NTM. (Ảnh: T.H)

Có dịp tới thăm Liên Hà những ngày này, đi trên đoạn đường nội đồng bê tông trắng sáng, nổi bật giữa màu xanh mướt mắt của lúa non mới cảm nhận hết sức sống của NTM nơi đây. Nói về những con đường ấy, bà Đỗ Thị Phượng - nguyên Bí thư đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Liên Hà cho biết: Trước đây, đường giao thông nội đồng chỉ là đường đất, rộng chừng 50 phân, cỏ mọc um tùm, mòn vẹt một lối ở giữa do người dân đi lại nhiều. Nhưng nay, gần 16km đường giao thông nội đồng đã được mở rộng ra 3m, mặt đường bê tông hóa kiên cố.

Làm được những điều ấy, đó là cuộc cách mạng tư tưởng với người dân, mà bí quyết thu phục nhân tâm không gì khác là mỗi cán bộ, đảng viên, chính quyền và Đảng ủy xã phải lấy được niềm tin trong nhân dân. “Nếu dân không tin họ sẽ không nghe, không gửi, không làm theo. Bởi vậy, trong mọi suy nghĩ, việc làm, chính quyền xã nhất tâm đặt lợi ích của dân làm trọng, tất cả đều được công khai. Đảng viên luôn là người gương mẫu, tiên phong trong mọi việc làm” - ông Phạm Văn Sơn - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thuần Mỹ.

Nhưng để đạt thành tựu ấy cũng như có được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân không phải dễ dàng. Bà Phượng chia sẻ: “NTM giống như một “cuộc cách mạng” với Đảng ủy, đảng viên chúng tôi. Khi mới bắt đầu, mọi thứ đều rất khó khăn bởi ở nông thôn có nhiều tầng lớp khác nhau, nhận thức của mỗi người cũng khác. Một số gia đình do chưa hiểu hết lợi ích của xây dựng NTM nên phản đối rất quyết liệt, thậm chí còn đi tuyên truyền ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước”.

Sự thay da, đổi thịt của nhiều thôn, xóm ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) là minh chứng cho việc Ý đảng hợp lòng dân.Sự thay da, đổi thịt của nhiều thôn, xóm ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) là minh chứng cho việc Ý đảng hợp lòng dân. (Ảnh: T.H)

Còn nhớ năm 2012, bà Phượng khi ấy là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, được giao chỉ đạo thôn Giao Tác triển khai điểm kế hoạch “dồn điền đổi thửa”. Trước đây, người dân nhận ruộng thường có chỗ đẹp, chỗ xấu, chỗ xa, chỗ gần... đồng đều. Vì vậy, không ít bà con phản đối vì lo ngại khi dồn điền đổi thửa, chẳng may gắp thăm phải phần đất xấu, khó canh tác thì sẽ rất thiệt thòi, khó khăn.

“Để thuyết phục bà con, chúng tôi xác định trước tiên phải vận động đảng viên, hội viên các đoàn thể gương mẫu thực hiện trước, sau đó thuyết phục người thân, gia đình làm theo. Bởi đảng viên thông, khi tuyên truyền, giải thích cho nhân dân họ sẽ nghe theo và ngược lại. Tại một số thôn gặp khó khăn trong xây dựng NTM ở xã Liên Hà, đảng viên còn được phân công phụ trách từng ngõ xóm, mỗi ngõ 10-15 hộ để trực tiếp lắng nghe tâm tư, vận động, thuyết phục và cùng họ thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho bà con” - bà Phượng kể lại.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND xã Liên Hà luôn xác định phương châm lấy lợi ích của người dân làm trọng, nên khi người dân đồng thuận thực hiện kế hoạch dồn điền, đổi thửa, xã đã quyết định đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Như vậy, kể cả người gắp phải phần đất xấu cũng không phải lo việc không gieo được mạ để cấy.

Giao thông, điện sáng tới đâu… đô thị hóa tới đó

Cũng với những cách làm như xã Liên Hà và phát huy tinh thần gương mẫu, tiên phong của Đảng viên, xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) cũng đạt rất nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng NTM.

Đưa chúng tôi đi tham quan những tuyến đường làng đã kiên cố hóa bằng bê tông trên địa bàn thôn Trung (xã Việt Hùng, Đông Anh) - đảng viên Cao Thị Tĩnh - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Trung (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh) cho biết: Trước đây, giao thông trong khu dân cư thôn Trung còn nhiều bất cập: đường đất nhỏ, hẹp lại uốn lượn rất khó đi...

Chị Cao Thị Tĩnh (áo đỏ) cho biết, nơi chị đứng trước kia là đường đất, chỉ rộng 2m2 nhưng nay đã được bê tông hóa kiên cố và mở rộng lòng đường nhờ bà con hiến đất.Chị Cao Thị Tĩnh (áo đỏ) cho biết, nơi chị đứng trước kia là đường đất, chỉ rộng 2m2 nhưng nay đã được bê tông hóa kiên cố và mở rộng lòng đường nhờ bà con hiến đất. (Ảnh: T.H)

Thực hiện chủ trương xây dựng NTM với các tiêu chí về “đường - điện”, chi bộ Đảng của thôn đã tiến hành tuyên truyền cho bà con trên loa phát thanh, tại các cuộc họp dân cư; phối hợp với đại diện ngõ xóm đến tuyên truyền, vận động các hộ gia đình có nhà nằm ven tuyến đường hẹp để hiến đất mở đường.

Với sự chung sức của nhân dân và cấp ủy địa phương, nhân dân thôn Trung đã hiến hơn 100m2 đất ở để mở rộng đường, đóng góp công lao động tương đương 2-3 triệu đồng/hộ (tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng). Điển hình như ở xóm 4, gia đình ông Ngô Văn Xương đã hiến hơn 50m2 đất ở, giúp đường ngõ mở rộng từ gần 2m lên 3m. Tổng số nguồn lực nhân dân xã Việt Hùng đóng góp (sức lao động, hiến đất ở, đất nông nghiệp…) để làm giao thông nông thôn trị giá khoảng 40 tỷ đồng.

Sau khi có đường giao thông khang trang, các khu dân cư xã Việt Hùng tiếp tục xây dựng những tuyến đường ngõ “Sáng, xanh, sạch, đẹp”. Ở những tuyến ngõ không còn đất trống, đảng viên, cán bộ thôn trực tiếp đến vận động các hộ dân hiến đất ở để triển khai dựng cột đèn thắp sáng đường ngõ, trồng đường hoa, giúp cảnh quan môi trường khu dân cư sạch, đẹp hơn.

“Buổi tối, đèn đường ở thôn Trung nói riêng và xã Việt Hùng cũng rực sáng như ngoài phố, người dân rất phấn khởi. Giao thông, điện sáng đến đâu, đô thị hóa đến đấy giúp người dân phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống rất nhiều” - bà Tĩnh chia sẻ.

Không riêng đường trong thôn, giao thông nội đồng của xã Việt Hùng cũng có nhiều đổi khác. Khi dồn điền đổi thửa, toàn bộ nhân khẩu được chia ruộng của xã đã hiến 52.800m2 đất nông nghiệp. Nhờ đó, tuyến trục chính nội đồng được mở rộng lên 4,5m; các tuyến đường nhánh rộng 3m. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp công sức làm đường và đào hơn 3.000m kênh mương; 7 tuyến trục chính nội đồng dài 6.200m được Nhà nước đầu tư dự án bê tông hóa, thuận tiện trong việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Diện mạo mới của miền quê nghèo

Xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) là một xã miền núi nghèo với diện tích 1.240ha, dân tứ xứ quần cư. Nhờ sự chung sức của Đảng ủy, UBND và bà con nơi đây, Thuần Mỹ đã và đang từng bước vững vàng trên con đường xây dựng NTM.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan một vòng quanh xã, thong dong trên những con đường bê tông sạch đẹp, rộng tới 7m, chị Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch Hội LHPN xã Thuần Mỹ cho biết: “Trước đây, những con đường này chỉ rộng 2-3m, trời mưa thì lầy lội, trời nắng thì bụi bặm, bà con đi lại vất vả lắm nhưng giờ tất cả đã kiến cố hóa hết. Để có được thành quả này cũng nhờ vào nội lực ở trong dân”.

Những con đường nhỏ hẹp ở xã Thuần Mỹ (Ba Vì, Hà Nội) nay đã rộng rãi, khang trang nhờ lòng dân thuận theo ý ĐảngNhững con đường nhỏ hẹp ở xã Thuần Mỹ (Ba Vì, Hà Nội) nay đã rộng rãi, khang trang nhờ lòng dân thuận theo ý Đảng (Ảnh: T.T)

Ví như năm 2015, trong thời gian 2 tháng, người dân đã ủng hộ, đóng góp được gần 3 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến từ 20 - 400m2 đất (điển hình như hộ ông Đỗ Văn Toán, cựu chiến binh, đã hiến 500m2 đất thổ cư); sẵn sàng tháo dỡ các công trình trị giá tới 50 triệu đồng phục vụ giao thông đem lại một diện mạo mới cho địa phương.

“Ở một vùng quê, việc bỏ ra 2 triệu đồng để đóng góp làm công trình công ích không phải dễ dàng. Nhưng vì lợi ích chung, 100% đảng viên của xã đều đồng thuận, gương mẫu thực hiện để người dân nhìn vào và làm theo. Nhờ đó, Thuần Mỹ đã hoàn thiện 100% hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng, 100% đường làng ngõ xóm được bê tông hóa” - chị Tuyết nói.

Làm được những điều ấy, theo ông Phạm Văn Sơn - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thuần Mỹ, đó là cuộc cách mạng tư tưởng với người dân, mà bí quyết thu phục nhân tâm không gì khác là mỗi cán bộ, đảng viên, chính quyền và Đảng ủy xã phải lấy được niềm tin trong nhân dân. “Nếu dân không tin họ sẽ không nghe, không gửi, không làm theo. Bởi vậy, trong mọi suy nghĩ, việc làm, chính quyền xã nhất tâm đặt lợi ích của dân làm trọng, tất cả đều được công khai. Đảng viên luôn là người gương mẫu, tiên phong trong mọi việc làm”.

“Thời điểm sông Đà đổi dòng, gây xói mòn, sạt lở đất trong khu vực người dân sinh sống, chúng tôi đứng ngồi không yên. Nhìn các bậc bô lão chiều chiều đi trong sân nhà mình, đếm từng bước chân đo xem còn bao nhiêu mét mà xót xa. Không để người dân sống trong lo lắng, cán bộ Đảng ủy, chính quyền xã bên cạnh kêu gọi, góp tiền xây kè, đắp đập cũng trực tiếp xắn áo, xắn quần làm cùng nhân dân.

Thấy Đảng ủy, chính quyền thực sự lo lắng, mọi việc làm đều vì mục đích chăm lo, gìn giữ cho cuộc sống bình yên, phát đạt của nhân dân nên họ đồng lòng nhất trí, ủng hộ với mọi chủ trương, chính sách của xã. Phải khẳng định rằng, thành công xã Thuần Mỹ có được hôm nay chính là nhờ biết dựa vào sức mạnh của khối đoàn kết, sức mạnh của nhân dân, trong đó phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên” - ông Sơn nhấn mạnh.

 THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.