Hút thuốc gây cháy tại cây xăng ở Mê Linh: Có thể xử lý hình sự

Chia sẻ

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội), hành vi của nhóm thanh niên hút thuốc gây cháy ở cây xăng Mê Linh (Hà Nội) ã có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật hình sự.

Trước đó, khoảng 20h45 ngày 31/7, tại cây xăng thuộc xã Tiền Phong (huyện Mê Linh), có ba thanh niên không đội mũ bảo hiểm, đèo nhau trên chiếc xe SH đi vào đổ xăng. Khi thấy một trong ba thanh niên đang chuẩn bị hút thuốc thì nữ nhân viên của cây xăng đã lên tiếng nhắc nhở.

Thế nhưng, cả ba vẫn không thực hiện, thậm chí một nam thanh niên còn giễu cợt, cố tình chúi đầu vào gần bình xăng rồi châm lửa hút thuốc. Ngay lập tức, ngọn lửa bùng cháy dữ dội, khiến nhiều người xung quanh hoảng hốt tháo chạy. 

May mắn là đám cháy nhanh chóng được dập tắt và không bị thiệt hại về người. 

cây xăng - nơi xảy ra sự việcCây xăng - nơi xảy ra sự việc (Ảnh: ảnh cắt từ clip)

Hiện công an huyện Mê Linh (Hà Nội) đang điều tra làm rõ hành vi trên, hiện đã xác định được danh tính những người vi phạm gồm: Hồ Mạnh Dân (SN 1999, ở xã Tiền Phong, huyện Mê Linh); Nguyễn Nhân Khải (SN 1997) và Nguyễn Văn Đạt (SN 1999), đều trú tại huyện Mê Linh. Đồng thời, công an xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) đã lập biên bản xử lý hành chính đối với các đối tượng trên.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, việc 1 trong 3 đối tượng cố tình cúi đầu vào gần bình xăng rồi châm lửa hút thuốc trong khi nữ nhân viên đang bơm xăng khiến ngọn lửa bùng cháy dữ dội là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quy định của Nhà nước về PCCC nhằm đảm bảo an toàn công cộng, tính mạng, sức khỏe công dân và bảo vệ tài sản của Nhà nước và công dân.

Xét hành vi của đối tượng thể hiện sự coi thường pháp luật, vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy khi hút thuốc ở nơi cấm hút và có nguy cơ đặc biệt về cháy nổ và thực tế đã xảy ra bùng cháy đã có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật hình sự.

"Mặc dù ngọn lửa đã được dập tắt, không có thiệt hại về người và tài sản nhưng khả năng thực tế dẫn tới hậu quả gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho nhiều người đang có mặt và toàn bộ tài sản của cửa hàng xăng dầu là rất lớn. Do đó, theo quan điểm của luật sư, hành vi của đối tượng đã thỏa mãn dấu hiệu phạm tội theo Khoản 4 Điều 313 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật" - luật sư Thơm cho biết.

Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

QUỲNH AN 

 

Tin cùng chuyên mục

Xét xử cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng: Nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước toà, bị cáo thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của mình là đúng, phù hợp với kết luận điều tra nhưng khi nói lời sau cùng lại khẳng định không lừa tiền vợ chồng Đước.