Nỗ lực đảm bảo an toàn trong dịch Covid-19

Chia sẻ

Bộ GD-ĐT vừa yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn cho kỳ thi, đặt sức khỏe của thí sinh, cán bộ, giáo viên và cộng đồng lên hàng đầu. Quan điểm này của Bộ GD-ĐT đã làm lắng lại những tranh cãi trái chiều về việc có nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hay không?

Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPTBộ GD-ĐT đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Đ.T)

Có thể tổ chức thi thành nhiều đợt

Những ngày qua, nhiều ý kiến cho rằng, nên dừng tổ chức kỳ thi, thực hiện xét tốt nghiệp đặc cách THPT cho các thí sinh.

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 với 63 tỉnh, thành về tổ chức kỳ thi, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết hiện Đà Nẵng đã có giáo viên, học sinh bị nhiễm Covid-19, hoặc đối tượng F1, F2… Mặc dù Thành phố (TP) sẽ triển khai đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn cho kỳ thi, nhưng nhìn chung, học sinh, phụ huynh vẫn không an tâm. Địa phương này kiến nghị cho dừng thi tốt nghiệp THPT tại Đà Nẵng và xét đặc cách tốt nghiệp đối với thí sinh.

Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, địa phương này sẽ đề xuất xét tốt nghiệp THPT cho thí sinh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, vẫn cần tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Hiện nay, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch tại các cơ sở thi. Kết quả rà soát đến thời điểm này cho thấy không có thí sinh nào thuộc diện F0, số thí sinh thuộc diện F1, F2 chủ yếu ở Đà Nẵng. Bộ quyết định đối với những địa phương đang có dịch, phải thực hiện giãn cách xã hội, có thể lùi thời gian thi vào đợt sau, còn các địa phương khác vẫn phải thực hiện thi tốt nghiệp bình thường.

Ủng hộ quan điểm này, ông Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam cho rằng, không nên bỏ thi tốt nghiệp THPT vì bỏ thi sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Thay vào đó, để đảm bảo an toàn, Bộ GD-ĐT nên phân loại các tỉnh thành theo các nhóm nguy cơ giống như việc phân loại thí sinh để có các phương án phù hợp. Với tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp như Đà Nẵng, ông Khuyến đồng tình với phương án có thể xét tốt nghiệp đặc cách cho thí sinh hoặc thi đợt sau tùy tình hình dịch. Với các tỉnh, thành khác trong nhóm nguy cơ thấp vẫn nên thi tốt nghiệp THPT.

Ông Khuyến phân tích, hiện nay, việc đánh giá học sinh qua học bạ giữa các trường THPT và các địa phương chưa chính xác, khách quan, đồng đều nên cần có kỳ thi tốt nghiệp THPT để đánh giá lại. Ngoài ra, bỏ thi tốt nghiệp sẽ ảnh hưởng tới tuyển sinh đầu vào đại học. Khi đầu vào đại học thấp thì nguồn nhân lực cung cấp cho xã hội sau này cũng bị ảnh hưởng.

Hà Nội đã sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn kỳ thi

Theo phương án của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT trên toàn quốc sẽ diễn ra vào các ngày 8,9,10/8. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, đến thời điểm này Bộ GD- ĐT đã triển khai theo đúng lịch trình đã ban hành các công việc như xây dựng các văn bản về kỳ thi, phần mềm quản lý thi và chấm thi, ra đề thi, tập huấn quy chế thi/thanh tra thi… Công tác bàn giao đề thi của BCĐ cấp quốc gia cho 63 Hội đồng thi trên toàn quốc đã hoàn thành đầy đủ và an toàn tuyệt đối.

Để đảm bảo an toàn cho kỳ thi, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương thực hiện việc phân loại thí sinh đăng ký dự thi thành 4 nhóm F0, F1, F2 và các đối tượng khác.

Cụ thể, thí sinh thuộc diện F0 phải cách ly và điều trị tại cơ sở y tế nên không thể dự thi, được xem xét đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định hiện hành. Những thí sinh này nếu có nhu cầu xét tuyển vào các trường đại học, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xem xét phương thức tuyển sinh phù hợp trên tinh thần tự chủ đại học, đảm bảo quyền lợi tối đa cho thí sinh.

Thí sinh thuộc diện F1 (phải cách ly tập trung), BCĐ thi cấp tỉnh xem xét bố trí cho các thí sinh dự thi tại khu vực cách ly hoặc dự thi tại Điểm thi riêng phù hợp ở gần với khu vực cách ly.

Thí sinh thuộc diện F2 (cách ly tại nơi cư trú), BCĐ thi cấp tỉnh xem xét bố trí cho thí sinh dự thi tại phòng thi dự phòng của Điểm thi hoặc dự thi tại Điểm thi riêng phù hợp với điều kiện của địa phương.

Thí sinh khác tham gia kỳ thi bình thường theo đúng kế hoạch. Trong quá trình tổ chức Kỳ thi, thí sinh có biểu hiện ho, sốt được bố trí thi tại phòng thi dự phòng tại Điểm thi.

Hà Nội là địa phương có đông thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (khoảng 79.000 thí sinh). Hà Nội đã dự kiến bố trí 43 điểm thi, 3.326 phòng thi, huy động 9.443 cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi, 1.448 nhân viên an ninh, trật tự viên phục vụ tại các điểm thi. Nhìn chung, đến thời điểm này, Hà Nội đã sẵn sàng công tác chuẩn bị cho Kỳ thi, từ bố trí nhân sự, chuẩn bị phòng thi/Điểm thi, lực lượng an ninh, y tế.

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội, từ ngày 29/7, Sở đã giao trưởng phòng GDĐT, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc và các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP triển khai ngay việc rà soát những cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đã đi Đà Nẵng và trở về Hà Nội từ ngày 1/7/2020. Đối với những người có đến các khu vực có nguy cơ cao tại Đà Nẵng theo khuyến cáo của Bộ Y tế phải tự giác cách ly tại nơi cư trú, thực hiện khai báo y tế, chủ động kiểm tra thân nhiệt, thông tin đến cơ sở y tế trên địa bàn để lấy mẫu xét nghiệm và tự cách ly tại nhà trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm. Đối với những người trở về từ Đà Nẵng nhưng không đến các khu vực có nguy cơ cao thì thực hiện khai báo y tế, theo dõi sức khỏe, kiểm tra thân nhiệt và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan y tế địa phương.

Hà Nội sẽ không phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc diện F0, F1 hoặc F2 tham gia vào các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi tại các phòng thi dành cho thí sinh thuộc diện F1, F2 phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế. Các địa điểm thi sẽ được phun khử khuẩn, bố trí đủ nước rửa tay, đo thân nhiệt cho thí sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi, bố trí ngồi giãn cách cho thí sinh…

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.